Chủ nhật, 24/11/2024 15:36 [(GMT +7)]
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS: Khi các chỉ thị của Đảng được triển khai thực hiện
Thứ 5, 01/12/2011 | 09:10:00 [(GMT +7)] A A
Do thực hiện đồng bộ các giải pháp, nên trong 6 tháng đầu năm 2011, số phát hiện mới giảm 8%, số chuyển sang giai đoạn AIDS giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2010. Với những thành tựu đã đạt được trong những năm qua, Lạng Sơn đang và sẽ “hướng tới không còn người nhiễm mới HIV” như chủ đề của tháng hành động QG phòng chống HIV/AIDS năm 2011 đã đề ra.
LSO-Từ một tỉnh nằm trong tốp 10 tỉnh dẫn đầu về tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao trên 100 ngàn dân, đến nay tỷ lệ người lây nhiễm HIV ở Lạng Sơn chỉ ở mức 188 người/ 100 ngàn dân- thấp hơn mức bình quân chung của toàn quốc; duy trì mức giảm vững chắc trên cả 3 tiêu chí: tốc độ lây nhiễm, số chuyển sang giai đoạn AIDS và tử vong do AIDS và các bệnh có liên quan.
Diễu hành hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2011 – Ảnh: Đỗ Tuấn |
Chỉ thị số 54-CT/TW, ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 16-CT/TU, ngày 10/3/2007 của Tỉnh ủy về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới” đã thực sự đi vào cuộc sống. Nghị quyết số 110/2007/NQ-HĐND, ngày 15/12/2007 của HĐND tỉnh về “Chương trình phòng chống HIV/ AIDS trên địa bàn Lạng Sơn đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” đã cụ thể hóa các chỉ thị của Đảng thành kế hoạch hành động của các cấp chính quyền và trở thành quyết tâm chính trị trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Từ quyết tâm đó, có những cách làm mới cụ thể hơn, hiệu quả hơn.
Trước hết là cách tiếp cận vấn đề về HIV/AIDS để tuyên truyền, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Đây được coi là yếu tố quyết định để giảm số mắc mới. Đa dạng hóa và liên kết các hoạt động truyền thông với các hoạt động tư vấn và chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện cho người nhiễm HIV/AIDS và cộng đồng được tiếp cận với các thông tin về HIV/AIDS; cung cấp tài liệu truyền thông đến hộ gia đình, trường học. Xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên gắn với đội ngũ nhân viên y tế thôn bản; xây dựng các mô hình truyền thông phù hợp với nhóm đối tượng, mở rộng và duy trì mô hình truyền thông trực tiếp theo nhóm như giáo dục đồng đẳng, bạn giúp bạn, sinh hoạt câu lạc bộ…
Nhân Hội thi tuyên truyền viên đồng đẳng cấp tỉnh do Ngân hàng Thế giới tài trợ, đồng chí Phó giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Lạng Sơn nói rằng, cần phải tạo “sân chơi” cho các đồng đẳng viên, có thể họ còn bỡ ngỡ trong việc thể hiện các phần thi, nhưng việc họ đã dũng cảm bước lên sân khấu, hát và bộc lộ mình trước công chúng…cũng đã là một thành công lớn.
Các đồng đẳng viên phòng chống HIV/AIDS trong phần thi kiến thức phòng chống HIV/AIDS tại Hội thi Đồng đẳng viên phòng chống HIV/AIDS tỉnh Lạng Sơn – Ảnh: Minh Hồng |
Nguyên nhân và là “bạn đồng hành” với HIV/AIDS là ma túy và mại dâm. Tiếp tục có những giải pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các chất ma túy, thực hiện phòng, chống mại dâm; tiếp nhận các dự án tài trợ, chúng ta đã triển khai tốt chương trình bơm kim tiêm và chương trình bao cao su. Ngoài ra còn triển khai các can thiệp, giáo dục dự phòng lây nhiễm cho các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao. Đây là giải pháp hoàn toàn mới để giảm thiểu tác hại và tác dụng của nó đã rất rõ rệt trong việc giảm số lây nhiễm mới.
Anh Tr. ở phường Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn) không những tự giác sử dụng bơm kim tiêm (BKT) mới, mà còn vận động các bạn của mình sử dụng BKT mới để tránh lây nhiễm HIV sang nhau. Anh nói rằng “Mình chưa “chừa” được, thì không nên làm lây “cái chết” cho nhau. Vì đằng sau bạn mình còn có vợ con, người thân và những người khác”. Lời tâm sự rất thật ấy của anh Tr. chỉ có được khi triển khai chương trình BKT cùng với sự vận động khéo léo của các đồng đẳng viên. Nếu trong giai đoạn 2001-2005, ở tỉnh ta HIV/AIDS có tốc độ lây nhiễm rất nhanh, trung bình trên 10% mỗi năm, thì đến năm 2008 đã giảm 15% . Nếu so sánh số phát hiện mới trong 10 năm (2001-2010), thì năm 2010 chỉ bằng 27% so với năm 2001 (số phát hiện mới năm 2001 là 323 ca và năm 2010 chỉ có 99 ca).
Trước đây, công tác xét nghiệm, chẩn đoán HIV/AIDS còn gặp nhiều khó khăn do người nhiễm luôn lẩn trốn vì sự kỳ thị, phân biệt của xã hội, nay do làm tốt công tác tư vấn, xét nghiệm tự nguyện và triển khai, nâng cao chất lượng 8 phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện ở 8 huyện, thành phố, và các mô hình tư vấn xét nghiệm tự nguyện di động, nên số “khách hàng” đã nhiều hơn. Ngoài ra còn duy trì phòng tư vấn cho bà mẹ mang thai ở BV Đa khoa và một số Trung tâm y tế, nên công tác sàng lọc HIV cho phụ nữ có thai được thực hiện tốt hơn.
Tuổi trẻ huyện Lộc Bình tuyên truyền không kỳ thị và phân biệt đối sử với người nhiễm HIV/AIDS – Ảnh: Đ.T |
Song song với công tác tuyên truyền, tư vấn và can thiệp giảm hại, việc chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS được thực hiện ở mức độ rộng hơn và sâu hơn. Ngày càng có nhiều bệnh nhân AIDS được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV, đặc biệt quan tâm đến trẻ em. Các loại hình xét nghiệm, hỗ trợ bệnh nhân AIDS, các xét nghiệm cơ bản thường quy, xét nghiệm CD4; công tác thiết lập hệ thống chuyển mẫu bệnh phẩm xét nghiệm CD4 tại địa phương được tăng cường. Vì vậy, người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS có nhiều cơ hội hơn. Việc chăm sóc điều trị cho bệnh nhân Lao/HIV được đẩy mạnh; công tác điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con, an toàn truyền máu… cũng được quan tâm hơn.
Do thực hiện đồng bộ các giải pháp, nên trong 6 tháng đầu năm 2011, số phát hiện mới giảm 8%, số chuyển sang giai đoạn AIDS giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2010. Với những thành tựu đã đạt được trong những năm qua, Lạng Sơn đang và sẽ “hướng tới không còn người nhiễm mới HIV” như chủ đề của tháng hành động QG phòng chống HIV/AIDS năm 2011 đã đề ra.
Trần Kim
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()