Hưởng ứng Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11: Khát vọng "trồng người" của những giáo viên cắm bản ở Phú Thọ
Trên đỉnh núi cao lạnh giá, bản Khe Nhồi xã Trung Sơn, huyện Yên Lập (Phú Thọ) nằm heo hút giữa núi rừng đang sáng lên bởi những cô giáo ngày đêm “cắm bản” gieo cái chữ đến cho con em đồng bào dân tộc Mông. Những con chữ nhọc nhằn đã đến với trẻ em vùng cao bằng cả tấm lòng của các cô giáo “cắm bản”.
Đường lên cổng trời tới bản người Mông, Khe Nhồi xã Trung Sơn dài cả chục cây số nhưng mỏi mắt không tìm thấy một làn khói bếp. Từ độ cao trên 1000m, dãy núi Đát Hóp sừng sững “ôm” trọn bản, Khe Nhồi như một cái hom đón gió. Cả bản có hơn 30 hộ thì có gần 90% số hộ thuộc diện nghèo, cuộc sống chủ yếu vẫn dựa vào nương rẫy. Khu lẻ Trường tiểu học Trung Sơn có 5 phòng học với sĩ số trung bình từ 6-8 học sinh/lớp. 80% giáo viên ở đây là nữ giáo viên trẻ, chưa lập gia đình. Họ vẫn đang ở tuổi đương thì xuân sắc nhưng đầy nhiệt huyết và lòng yêu nghề. Cô giáo Hà Thị Ngân tâm sự: “Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, chứng kiến trẻ em quê mình “đói chữ” mình thấy buồn lắm và tự nguyện lên đây làm giáo viên cắm bản. Để dạy được các em sõi con chữ, buộc mình phải có lòng kiên trì và tâm huyết mới có thể vượt qua được”. Còn cô giáo Nguyễn Thị Hà Tiên, người có thâm niên nghề lâu nhất ở đây chia sẻ: Lúc đầu mình cũng lo lắng, vì hồi đó vùng đất này hoàn toàn xa lạ. Đường lên Khe Nhồi khó khăn, tách biệt với bên ngoài nên không ai muốn về đây dạy. Những ngày mưa, mình cảm giác như bị cô lập giữa núi rừng. Tuy cũng từng đi tăng cường cho một số xã thiếu giáo viên song chỉ lên đây mình mới thấu hiểu cảnh “vườn không, nhà trống”. Đất nông nghiệp không có, những mái nhà dựng bằng gỗ hạ trên rừng xuống dựng tạm nên hở chỗ nọ, thủng chỗ kia. Vật chất thì thiếu thốn đủ thứ. Điện chưa có, thỉnh thoảng mới thấy leo lét ngọn đèn dầu. Thế nhưng người dân nơi đây chân chất, thật thà. Lắm khi bữa tối họ chỉ có một bát muối và một đĩa rau rừng mà trong nhà vẫn vang tiếng cười.
Ông Đinh Văn Lúa, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đồng bào Mông ở Khe Nhồi xã Trung Sơn vốn là những người Mông sống ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái di cư sang nơi này để mong có được cuộc sống ổn định và tốt đẹp hơn. Những ngày đầu ở vùng đất mới, cuộc sống cũng chẳng khá hơn so với nơi ở cũ là bao. Nhà cửa chưa có, ruộng đất trồng trọt cũng không. Hàng ngày những người khỏe mạnh lên rừng đào củ sắn, củ mài, săn bắn, từ sáng đến tối mà vẫn không đủ ăn. Đường xá đi lại hết sức khó khăn, khổ nhất là lũ trẻ muốn đến lớp mà trường không có. Cuối năm 2008, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, huyện Yên Lập đã đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng nhà lớp học và nhà ở cho giáo viên tại bản người Mông – Khe Nhồi, với 2 phòng học mầm non, 3 phòng tiểu học và 4 phòng ở cho giáo viên nên con em trong bản đã được tới lớp đúng độ tuổi, các cô giáo cũng đỡ khó khăn vất vả hơn trước…
Cô Hoàng Thị Hương Huế, 26 tuổi quê ở xã Thượng Long, dạy 6 học sinh lớp 1 kể lại: Ngày mới lên đây, mấy chị em rất xót xa vì thấy đời sống đồng bào Khe Nhồi nghèo quá. Thương nhất là các em đến trường toàn mặc quần áo rách, đi chân trần đến lớp trong cái rét “cắt da, cắt thịt”. Ở lứa tuổi mầm non mà các em đã phải làm nhiều việc giúp gia đình. Tục tảo hôn vẫn còn nên nhà nào cũng đông con. Vào mùa nương, lũ trẻ lại trốn học theo mẹ lên rừng hoặc phải ở nhà chăn trâu, giữ em. Để duy trì sĩ số, các cô đã nghĩ ra các trò chơi có thưởng, dạy múa, hát nhằm kéo học sinh đến lớp…
Cuối tuần, cô Ngân và cô Huế lại khăn gói vượt hơn 10 km đường rừng, hạ sơn để về thăm gia đình. Mỗi lần “đăng sơn” hai cô phải chuẩn bị đủ thứ sinh hoạt từ gạo, mắm, muối, mì tôm. Rau xanh tại đây cũng rất hiếm nên ngoài giờ dạy, các thầy, cô tranh thủ trồng vài luống tăng gia nhưng nơi đây cao, khí lạnh, nhiều sương nên chăm mãi mà rau không chịu lên. Khó khăn, thiếu thốn là thế song trong 2 năm gần đây, nhờ sự cố gắng của các giáo viên trẻ mà khu lẻ Khe Nhồi đã thoát khỏi tình trạng “trắng lớp”. Trường, lớp đã khang trang hơn, kiên cố hơn và điều mừng hơn cả là bản đã có học sinh về trường huyện học THPT…
Chiều vùng cao xuống sớm. Thung lũng mờ dần trong làn sương. Chúng tôi lại theo con đường ngoằn nghèo xuống núi khi rượu ngô vẫn còn nồng ấm. Nhớ lại những cái vẫy tay tạm biệt của các cô giáo, những vất vả mà họ sẵn sàng đón nhận, mới thấy khát vọng “trồng người” ở những bản vùng cao này của các cô mới lớn đến nhường nào./.
Ý kiến ()