Hưởng ứng ngày dân số thế giới 11/7: Đặt công tác dân số trong mối quan hệ phát triển
(LSO) – Sau 25 năm thực hiện Chương trình hành động Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển 1994 (ICPD) tại Cai rô ( Ai cập), Việt Nam đã và đang đạt được những thành tựu rất to lớn về công tác dân số.
Lời giải đúng cho bài toán dân số
Việt Nam đã giảm tỷ lệ tăng dân số từ 2% (1993) xuống còn 1,06% năm 2016. Nếu năm 1994, số con trung bình của một phụ nữ Việt Nam là 3,1 con, thì đến năm 2016 chỉ là 2,09 con (đạt mức sinh thay thế) và tỷ lệ này vẫn được duy trì cho đến nay. Kết quả năm 2018, dân số Việt Nam chỉ ở mức 95 triệu người, giảm gần 20 triệu người nhờ thực hiện tốt các chính sách về dân số – kế hoạch hoá gia đình.
Xã Quan Sơn (Chi Lăng) cấp tiền hỗ trợ của Chính phủ cho phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số thực hiện tốt công tác dân số/KHHGĐ
Quy mô dân số ở mức hợp lý và ổn định, chất lượng dân số đã được cải thiện. Chiều cao trung bình của người Việt Nam đã tăng đáng kể và đạt mức 164 cm đối với nam và 153 cm đối với nữ. Tuổi thọ trung bình tăng từ 65,5 tuổi (năm 1994) lên 73,5 tuổi (2018). Cơ cấu dân số đã thay đổi theo hướng tích cực với 69% dân số trong độ tuổi lao động. Thời điểm cơ cấu “dân số vàng” đã xuất hiện và đang được phát huy tạo điều kiện tốt về nhân lực để đẩy nhanh sự phát triển kinh tế – xã hội. Như vậy, cùng với việc nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu khác như: xóa nghèo, phổ cập giáo dục, an sinh xã hội, bình đẳng giới… việc thực hiện tốt công tác dân số đã góp phần để Việt Nam hoàn thành tất cả các mục tiêu trong số 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà Liên hợp quốc đặt ra trong thời hạn năm 2015.
Trong bối cảnh trong nước và quốc tế đã và đang có nhiều thay đổi, vấn đề dân số đang là thách thức lớn đối với sự phát triển của đất nước, ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW “Về công tác dân số trong tình hình mới”. Nghị quyết đã chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt nó trong mối quan hệ hữu cơ với kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững.
Chuyển biến từ nhận thức đến hành động
Là tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vượt qua nhiều thách thức, trở ngại, trong gần 70 năm thực hiện chính sách dân số, nhất là 25 năm trở lại đây, công tác dân số Lạng Sơn đã đạt được những kết quả to lớn.
Quán triệt Nghị quyết 21, ngành dân số Lạng Sơn đã kịp thời chuyển đổi thông điệp tuyên truyền và hành động từ “mỗi cặp vợ chồng chỉ có từ 1 – 2 con” sang “mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”, các giải pháp tuyên truyền và hậu cần phương tiện tránh thai đã thiết thực hơn, phù hợp hơn và đi vào nhận thức của các tầng lớp nhân dân.
Việc cung cấp dịch vụ tránh thai đã có nhiều đổi mới thiết thực hơn, hiệu quả hơn. Thay vì “có gì cấp nấy” như trước kia, nay đã theo hướng “cần gì có nấy” đáp ứng theo nhu cầu. Ngành dân số vừa cung cấp miễn phí cho đối tượng, vừa tăng cường tiếp thị để bán phương tiện tránh thai. Sự đa dạng hóa các kênh cung cấp và được người tiêu dùng đón nhận là một nét mới trong công tác xã hội hóa phương tiện tránh thai. Thực hiện tốt việc lồng ghép tuyên truyền đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hoá gia đình đến vùng đồng bào dân tộc, vùng khó khăn và vùng có mức sinh cao. Giữ vững mức sinh thay thế bằng các biện pháp như: mở rộng các loại hình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hoá gia đình, giảm tốc độ mất cân bằng giới tính khi sinh, tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh. Tỷ lệ chấp nhận các biện pháp tránh thai hiện đại đã đạt trên 87%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm nhiều. Sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên được quan tâm, công tác tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân được đẩy mạnh. Thực hiện có hiện quả các đề án, chương trình, nhất là chống tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để nâng cao chất lượng dân số.
MINH HỒNG (TP. Lạng Sơn)
Ý kiến ()