Thứ 6, 29/11/2024 06:32 [(GMT +7)]
Hưởng ứng "Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam- Lào 2012": Sầm Nưa-một thời để nhớ
Thứ 6, 20/04/2012 | 09:11:00 [(GMT +7)] A A
Gần 60 năm đã qua, đi nhiều miền đất, chiến đấu ở nhiều chiến trường, song hình ảnh đất nước triệu voi với những con người dũng cảm, với những cô gái Sầm Nưa yểu điệu trong điệu múa Lăm tơi... đã làm nên tình yêu đặc biệt trong tôi. Phải chăng đó là tình cảm mà hai dân tộc đã xây dựng nên bằng công sức và cả máu của mình.
LSO-Sau chiến thắng Tây Bắc, thực hiện chủ trương tăng cường liên minh chiến đấu Việt-Lào, Chính phủ ta và Chính phủ kháng chiến Lào quyết định phối hợp mở chiến dịch Thượng Lào với mục đích tiêu diệt bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai, giúp Chính phủ kháng chiến Lào mở rộng căn cứ địa của cách mạng; đồng thời cũng phá thế bố trí chiến lược của địch ở miền Bắc Đông Dương, buộc chúng phải phân tán lực lượng để đối phó.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ ba, từ trái sang), Hoàng thân Xu- Pha-Nu-Vông (người thứ tư, từ trái sang) cùng các cán bộ quân đội Việt Nam và Lào bàn kế hoạch mở chiến dịch Thượng Lào, năm 1953 – Ảnh: Tư liệu
Cuối tháng 11/1952, Tiểu đoàn 888 (thuộc Trung đoàn 176 Đại đoàn 316) của tôi được lệnh hành quân sang đất bạn Lào. Con sông Mã về mùa mưa hung dữ là thế nhưng mùa khô nước cạn và trong vắt, lội xuống cứ như nhúng chân vào ngăn nước đá. Mặc đêm đông, gió hú, nước lạnh, từng chiến sĩ cứ hàng một lội qua sông sang đất bạn Lào. Theo sự phân công, tiểu đoàn tôi cử 1 đại đội xuống Mường Ét, 1 đại đội ở Mường Hung, số còn lại hành quân gấp tới Xốp Hào.
Thượng Lào gồm 6 tỉnh, địa hình chủ yếu là rừng núi, giao thông ít và khó khăn. Từ Việt Nam sang có đường số 7 từ Vinh đi, đường số 6 từ Hòa Bình- Mộc Châu đến Pa Hang Xiềng Khọ đi Mường Hét. Con đường đã bị bỏ từ lâu rất khó đi, đường phía đất bạn Lào chúng tôi chỉ có thể hành quân bộ. Chiến dịch Thượng Lào mà trọng tâm là khu vực huyện Xiềng Khọ giáp tây bắc Việt Nam và từ Xốp Hào đến Sầm Nưa (thuộc tỉnh Hủa Phăn) là địa bàn điểm của việc chuẩn bị chiến dịch. Khi chúng tôi đến Xiềng Khọ, nghe tin quân tình nguyện Việt Nam đã đến, đồng chí Cay xỏn Phômvihản Bộ trưởng Bộ quốc phòng Lào cho mời chúng tôi đến gặp. Đồng chí Bế Xuân Cương, quê Cao Bằng là chuyên gia quân sự cạnh Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Lào. Tuy không cùng quê, nhưng cùng miền, cùng nói tiếng Tày, tôi và anh Cương trao đổi với nhau rất thân tình và cởi mở. Anh dẫn tôi vào gặp Bộ trưởng, tôi chào Bộ trưởng và nói rõ nhiệm vụ của đơn vị mình, Bộ trưởng khen: “Kịp thời lắm…” Trong quá trình các đại đoàn chủ lực của ta như 308, 312, 316 triển khai chiến trường, địch bỏ Xốp Hào về giữ Sầm Nưa (cách nhau chừng 80km). Đơn vị tôi bám sát địch và ngày 10/4 phong tỏa Sầm Nưa; tuy nhiên đã xảy ra một “sự cố”là 1 trung đội trưởng của đơn vị tôi sa vào tay giặc. Chúng khai thác và biết được ta chuẩn bị tiêu diệt Sầm Nưa. Tin được báo lên và tướng Sa Lăng, chỉ huy phân khu Sầm Nưa ra lệnh rút toàn bộ quân ra khỏi Sầm Nưa hòng tránh một đòn tiêu diệt lớn. Tin địch rút chạy, đơn vị chúng tôi được lệnh cùng huy động 2 đại đội trang bị gọn nhẹ truy kích. Chúng tôi truy kích theo hướng Mường Hàm, ra khỏi Sầm Nưa chừng 30 km thì bắt được khoảng 40 tên lính dõng cùng toàn bộ ngụy quyền tỉnh Hủa Phăn và tỉnh trưởng Hủa Phăn cùng gia đình họ, tổng cộng khoảng gần 200 người. Đang tự hào với chiến thắng, hôm sau có điện của đồng chí Hoàng Văn Thái gọi tôi về chỉ huy sở, cùng liên lạc hành quân suốt đêm về chỉ huy sở, tôi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi vào, Đại tướng nói: “Mất công như thế mà để “nó” chạy mất…” tôi trình bày toàn bộ sự việc; nghe xong, Đại tướng ân cần: “Thôi, chuyện đã lỡ rồi, cậu quay về Sầm Nưa để cùng đơn vị công binh chuẩn bị cho lễ mừng chiến thắng”.
Lễ mừng chiến thắng Sầm Nưa trùng với tết cổ truyền Bunpimay của dân tộc Lào, năm mới với niềm vui giải phóng như được nhân lên gấp bội vì có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Cay xỏn Phôm vi hản- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào và các tướng lĩnh sĩ quan của 2 quân đội dự. Buổi lễ được tổ chức trang trọng với sự có mặt của các vị sư sãi trên hàng ghế đầu. Chỉ đạo anh em đứng gác ngoài hội trường, chúng tôi thấy các cô gái Lào áo váy sặc sỡ múa điệu Lăm tơi cùng các anh bộ đội Việt Nam trẻ áo quần còn sạm mùi thuốc súng; lễ hội té nước rộn ràng. Một ngày lễ đặc biệt của tình hữu nghị Việt – Lào, tôi nhớ lại lời Bác dặn trong thư gửi cán bộ chiến sĩ tham gia chiến dịch Thượng Lào: “Lần này là lần đầu tiên, các chú nhận một nhiệm vụ quan trọng và vẻ vang như nhiệm vụ này, tức là giúp nhân dân nước bạn. Mà giúp nhân dân nước bạn tức là tự giúp mình”. Đối với tôi, đây không phải là lần đầu tiên giúp bạn Lào. Cuối năm 1967, tôi nhận nhiệm vụ sang Lào làm Chuyên gia và giữ chức Chủ nhiệm Chính trị Đoàn chuyên gia quân sự 959. Quay trở lại Sầm Nưa trong giai đoạn mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của hai dân tộc Việt- Lào đang rất quyết liệt; gặp lại nhiều đồng chí đã cùng phối hợp với nhau trong chiến dịch Thượng Lào, anh em tay bắt mặt mừng. Cơ quan của chúng tôi ở Phia đeng trong một khu vực núi đá, cơ quan bạn cũng ở trong hang núi Na Cay và cách nhau chừng 4 cây số, hai cơ quan thường xuyên gặp nhau trao đổi công tác. Do thường đi lại giữa Lạng Sơn và Sầm Nưa, tôi kể cho các bạn Lào nghe về những cuộc chiến đấu của bộ đội phòng không ta chống lại máy bay Mỹ, bảo vệ “cảng nổi” Lạng Sơn để nguồn hàng viện trợ của các nước XHCN luôn an toàn và đến với các nước Đông Dương. Các bạn Lào rất thích nghe và khâm phục ý chí của quân và dân Lạng Sơn- vùng đất mà họ chưa bao giờ được đặt chân tới.
Năm 1982, UBND tỉnh Lạng Sơn được tiếp đoàn đại biểu Tổng cục Chính trị QĐND Lào do đồng chí Siphon, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Lào dẫn đầu. Chúng tôi quen nhau từ kháng chiến chống Pháp và thời kỳ tôi làm chuyên gia quân sự bên ấy; anh em lâu ngày gặp lại, tay bắt mặt mừng, thấy nhau mạnh khỏe mà rơi nước mắt. Sau những phút hàn huyên, với cương vị là Chủ tịch UBND tỉnh, tôi chỉ đạo anh em văn phòng UBND tỉnh chuẩn bị một cuộc vui nho nhỏ trong đó có đốt lửa trại và múa Lăm tơi. Cùng vui với các đồng chí nước bạn, bao nhiêu kỷ niệm đối với đất Lào cứ ùa ập hiện về như mới ngày hôm qua.
Gần 60 năm đã qua, đi nhiều miền đất, chiến đấu ở nhiều chiến trường, song hình ảnh đất nước triệu voi với những con người dũng cảm, với những cô gái Sầm Nưa yểu điệu trong điệu múa Lăm tơi… đã làm nên tình yêu đặc biệt trong tôi. Phải chăng đó là tình cảm mà hai dân tộc đã xây dựng nên bằng công sức và cả máu của mình.
BẾ CHU LANG – Nguyên Đại tá QĐND Việt Nam, cán bộ lão thành cách mạng
(Minh Hồng ghi)
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()