Hướng tới sự hài hòa giữa hiệu quả tài chính và xã hội trong tài chính vi mô
Ngày 24/2, tại Hà Nội, Uỷ ban Y tế Hà Lan-Việt Nam (MCNV) phối hợp với Trung tâm Tài chính vi mô và Phát triển(M&D) tổ chức Hội thảo "Hướng tới sự hài hòa giữa hiệu quả tài chính và xã hội trong tài chính vi mô".
Đây là hội thảo đầu tiên ở Việt Nam đi sâu vào nghiên cứu Bộ tiêu chuẩn quản lý xã hội để hướng tới việc cân bằng giữa hiệu quả tài chính gắn liền với hiệu quả xã hội của các hoạt động tài chính vi mô nhằm phục vụ tốt hơn cho nhóm người nghèo.
Tại Hội thảo, ông Sebashtian Dinjens – Giám đốc của Mạng lưới trao đổi về chuyên môn tài chính ở khu vực châu Á (INFI) cho biết, lĩnh vực tài chính vi mô ở Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển. Những tổ chức tài chính vi mô ở Việt Nam vẫn đang ngày càng tìm tòi những hướng đi tốt hơn để tiếp cận những cộng đồng nghèo và yếu thế. Lĩnh vực này đang tìm những hướng đi để có thể tiếp cận đến nhiều người vay hơn. Nhưng để làm được điều này họ phải chuyên nghiệp hóa hơn trong quản lý hiệu quả xã hội và thiết kế những sản phẩm phù hợp đặc biệt với nhu cầu của những người yếu thế.
Hội thảo “Hướng tới sự hài hòa giữa hiệu quả tài chính và xã hội trong tài chính vi mô” tổ chức ngày 24/2 tại Hà Nội. Ảnh:ĐT |
Bộ tiêu chuẩn quản lý hiệu quả xã hội (SPM) của tài chính vi mô được ra đời xuất phát từ thực tế của nhiều tổ chức tài chính vi mô trước đây quan tâm quá nhiều đến hiệu quả tài chính của hoạt động nên ảnh hưởng đến lợi ích của các thành viên tham gia. Bên cạnh đó, rất nhiều các dự án phát triển cũng sử dụng tài chính vi mô như một công cụ đòn bẩy kinh tế cho những nhóm yếu thế trong xã hội nhưng lại thiên nhiều về hỗ trợ xã hội như: cho vay không lãi suất hoặc lãi suất quá thấp (bao cấp); vay mà không tính đến yếu tố quay vòng, không chú trọng đến tính bền vững về mặt tài chính của hoạt động tài chính vi mô. Đây là hai thái cực phổ biến trong lĩnh vực tài chính vi mô tại Việt Nam cũng như tại hầu hết các nước đang phát triển khác.
Do đó việc áp dụng bộ tiêu chuẩn quản lý hiệu quả xã hội là một giải pháp cho vấn đề này. Hội thảo sẽ giúp cho các dự án phát triển và các tổ chức tài chính vi mô hiểu rõ hơn về bộ tiêu chuẩn này để áp dụng nhằm tìm đến sự cân bằng trong hoạt động của tổ chức mình.
Tại Hội thảo, những chuyên gia tham dự Hội thảo đến từ: Hà Lan, Sri Lanka, Tajikistan, Gruzia, Philippines, Lào và Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm của mình để tăng cường chất lượng của các dịch vụ tài chính vi mô. Rất nhiều tổ chức đang làm việc với những người dân ít được đào tạo, thậm chí là mù chữ. Họ thường sống ở những vùng nông thôn với nền kinh tế nông nghiệp là chủ đạo. Việc gia tăng thương mại với các nước đang mở ra nhiều cơ hội nhưng những người dân không có vốn để sản xuất ở những quy mô để có thể đáp ứng cho thị trường này.
Ông Sebastian Dinjens giải thích về hệ thống này: “Người ta thường thấy rằng người dân có thể quản lý tài chính của họ ở quy mô nhỏ. Họ chi tiêu, sản xuất và tiết kiệm như những người khác và họ thường tạo ra thu nhập thường xuyên để sống. Nhưng khoản họ có thể tiết kiệm được thường không đủ cho những nhu cầu đầu tư của họ. Đây chính là lúc mà tài chính vi mô có thể tác động vào bằng cách đưa ra những khoản vay để người dân đầu tư và phát triển làm ăn mà không phải đối mặt với nhiều rủi ro. Nhưng điều này cũng yêu cầu các tổ chức tài chính vi mô phải có kiến thức về nhu cầu của những khác hàng và sẵn sàng đầu tư vào những mối làm ăn nhỏ của những người dân Việt Nam”.
Bà Nguyễn Bích Vượng, Giám đốc Trung tâm Tài chính vi mô và Phát triển (M&D) chia sẻ: ‘Trong hơn 2 thập kỷ qua, cùng với tiến trình đổi mới đất nước, thông qua cách tiếp cận độc đáo nhằm kết nối người nghèo, người thu nhập thấp đến với các dịch vụ tín dụng cơ bản, tài chính vi mô tại Việt Nam đã đóng góp tích cực vào cuộc chiến chống đói nghèo, phát triển kinh tế – xã hội và đã được Nhà nước và cộng đồng ghi nhận. Để hướng tới phát triển bền vững, các nhà quản lý tổ chức tài chính vi mô rất trăn trở: Làm thế nào để hoạt động tài chính vi mô tác động tích cực vào cuộc sống của khách hàng và tự làm chủ được về tài chính nhằm thực hiện vai trò như chiếc chìa khóa để giảm nghèo và phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững? Chắc chắn rằng những thông tin, kinh nghiệm và kiến thức được chia sẻ trong hội thảo này sẽ trả lời cho câu hỏi đó” .
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()