Hướng tới sản xuất an toàn
LSO-Trung tuần tháng 2/2014, UBND tỉnh đã có Công văn số 129/UBND-KTN về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Một mặt đảm bảo chất lượng vật tư cho sản xuất, mặt khác hướng tới sản xuất an toàn, tạo sự bền vững cho nông sản hàng hóa.
Cán bộ Chi cục Thú y kiểm tra mẫu thức ăn chăn nuôi trên địa bàn thành phố Lạng Sơn |
Nếu tính trong phạm vi cả nước, bình quân biên chế cho Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và thủy sản là 13,5. Nếu tính ở một trong những tỉnh mạnh về lĩnh vực này như Sơn La, thì Chi cục quản lý chất lượng địa phương này có hơn 60 biên chế. Mạng lưới chân rết thành lập đến cấp huyện là các Trạm Quản lý chất lượng Nông lâm và thủy sản. Còn ở Lạng Sơn, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và thủy sản, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới chỉ thành lập được vài năm và chỉ có vỏn vẹn 8 biên chế. Trong khi đó ở cấp huyện, công tác này giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hầu hết chưa có cán bộ chuyên trách mà chủ yếu là kiêm nhiệm.
Tham chiếu những thông tin ấy có thể thấy Lạng Sơn gặp rất nhiều khó khăn trong việc thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Tuy nhiên, trong những năm qua công tác này vẫn được tỉnh đặc biệt chú trọng, quan tâm chỉ đạo và các cấp, ngành nỗ lực triển khai thực hiện. Ông Nguyễn Đức Việt, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và thủy sản Lạng Sơn khẳng định: các đơn vị chức năng đã chủ động phối hợp, khắc phục khó khăn về nhân lực, căn cứ vào chỉ đạo của Trung ương, tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cho từng năm, từng đợt cao điểm.
Nội dung công việc trong lĩnh vực này rất nhiều, bởi vậy một mặt tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến các quy định về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, cơ quan chuyên môn đã xây dựng kế hoạch triển khai thanh, kiểm tra từng nội dung cụ thể. Đồng thời xây dựng thí điểm các mô hình quản lý an toàn theo chuỗi sản xuất và thẩm định hồ sơ, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho một số loại nông sản trên địa bàn.
Trong năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và thủy sản đã phối hợp với các huyện và lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm tra, đánh giá, phân loại được 17 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản do tỉnh và Trung ương cấp phép; đánh giá 1.164 cơ sở do huyện cấp phép. Những đánh giá phân loại ban đầu này rất quan trọng, đây là căn cứ để tiến hành kiểm tra bước 2 và nếu cơ sở nào trước đó đã vi phạm mà chưa chấn chỉnh thì sau bước 2 sẽ tiến hành xử lý, niêm yết công khai để người tiêu dùng biết. Ngoài ra các cơ quan chức năng đã thanh, kiểm tra đột xuất một số loại nông lâm thủy sản như rau xanh, thủy sản khô, trái cây cùng một số loại phân bón đang lưu thông trên thị trường trong tỉnh. Kết quả cơ bản các mẫu phân tích đều đảm bảo đủ điều kiện an toàn và đảm bảo chất lượng. Các mẫu thức ăn chăn nuôi trên địa bàn cũng không phát hiện chất cấm.
Ông Nguyễn Đức Việt cho biết: hiện việc đánh giá bước 2 đối với các cơ sở đang chuẩn bị được tiến hành, trước mắt Chi cục đang phối hợp thẩm định để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho một số loại nông sản trên địa bàn. Mới đây đã kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho rau của Hợp tác xã Nà Chuông, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn và đang tiếp tục thẩm định đối với sản xuất chè của Công ty Cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn trên địa bàn huyện Đình Lập.
Có thể khẳng định việc đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản có vai trò rất quan trọng. Một mặt đảm bảo vật tư cho sản xuất, mặt khác hướng sản xuất đáp ứng được các tiêu chí an toàn thực phẩm. Không chỉ đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng mà còn tạo tính bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế cho sản xuất. Trung tuần tháng 2/2014, UBND tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.
Cán bộ Chi cục kiểm dịch thực vật vùng 7 kiểm tra dư lượng hóa chất trên hoa quả nhập khẩu |
Theo đó các cấp, ngành tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tổ chức xây dựng, triển khai kế hoạch thanh tra chuyên ngành trong năm 2014 và các năm tiếp theo, tập trung vào lĩnh vực chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm có trọng tâm, trọng điểm từ cơ sở sản xuất, chế biến đến kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.
NHƯ PHONG
Ý kiến ()