Hướng tới phát triển lâm nghiệp bền vững
LSO-Toàn tỉnh hiện có gần 511,2 nghìn ha rừng, trong đó rừng tự nhiên gần 294,6 nghìn ha, còn lại là rừng trồng. Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh luôn chú trọng trồng rừng, khoanh nuôi, tái sinh, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Qua đó góp phần quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Lãng phối hợp cùng người dân tuần rừng – Ảnh: ĐỖ HOẠT |
Để quản lý, bảo vệ, PCCCR đạt hiệu quả, Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các hạt kiểm lâm tham mưu cho UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn, các chủ rừng, các đơn vị có liên quan chủ động biện pháp bảo vệ, PCCCR; tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ và PCCCR; theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp…
Theo đó, trong bảo vệ, PCCCR, cấp tỉnh và cấp huyện đều có ban chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng; 204 xã, thị trấn có rừng đều có ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và PCCCR. Các xã thành lập được 2.098 tổ, đội quần chúng bảo vệ và PCCCR thôn bản. Ngoài ra, các huyện, thành phố, 204 xã có rừng đều có phương án quản lý, bảo vệ và PCCCR. Công tác tuyên truyền, tập huấn được quan tâm, năm 2017, Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo tổ chức được 64 lớp tập huấn; tuyên truyền thông qua hội nghị, cuộc họp được 862 cuộc, tuyên truyền lưu động được 291 cuộc. Từ đầu năm 2018 đến nay, tổ chức được 4 cuộc với gần 500 người tham gia. Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ cháy rừng, thiệt hại 4,51 ha (giảm 5 vụ, giảm 12,7 ha rừng bị cháy so với cùng kỳ 2017).
Vườn ươm cây thông giống của ông Lê Văn Phải, xã Xuân Lễ, huyện Lộc Bình |
Cùng với đó, Chi cục Kiểm lâm tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố rà soát, tạm dừng triển khai việc cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt; đối với các hồ sơ đã được phê duyệt sử dụng rừng, yêu cầu các hộ gia đình tạm dừng không tiến hành khai thác tận thu lâm sản. Đồng thời ưu tiên áp dụng các biện pháp khoanh nuôi, phục hồi rừng. Qua đó góp phần quản lý, cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt từng bước được phục hồi.
Để phát triển rừng bền vững, cùng với quản lý, bảo vệ và PCCCR, công tác phát triển rừng được chú trọng. Năm 2017, toàn tỉnh trồng mới được 11.365,4 ha rừng, vượt 26,3% kế hoạch, tăng 4,6% so với năm 2016; khoanh nuôi tái sinh 2.370 ha rừng; khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung cây lâm nghiệp 1.745,4 ha. Năm 2018, toàn tỉnh phấn đấu trồng mới 9.000 ha rừng, trong đó, trồng rừng tập trung 6.000 ha; trồng cây phân tán 3.000 ha; chăm sóc 11.800 ha rừng, khoanh nuôi 60 ha; khoán bảo vệ rừng gần 17.500 ha. Hạt kiểm lâm các huyện, thành phố đang phối hợp với phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tích cực thực hiện…
Ông Nông Văn Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững, ngày 11/10/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 29 về phát triển lâm nghiệp tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 – 2020. Thực hiện chủ trương này, thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân và chủ rừng thực hiện bảo vệ rừng, PCCCR và phát triển rừng. Công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng được thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, có chuyển biến tích cực. Toàn bộ diện tích đất có rừng được quản lý thống nhất. Không còn xảy ra tình trạng di dân tự do, hạn chế thấp nhất đốt, phá rừng làm nương rẫy; tình hình mua bán vận chuyển lâm sản, chặt phá rừng đã giảm rõ rệt.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()