Hướng tới mục tiêu chung
Biến đổi khí hậu, những hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ngày càng thường xuyên và phức tạp trên phạm vi toàn cầu đe dọa đến sự sống khắp hành tinh. Giải pháp trung hòa carbon đang trở thành mục tiêu theo đuổi chung của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc.
Là quốc gia phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới, Trung Quốc đang nỗ lực tạo ra những thay đổi căn bản, để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060. Để làm được điều này, Trung Quốc coi phát triển nền kinh tế xanh, tuần hoàn, ít phát thải carbon là mục tiêu then chốt.
Cuối tháng 8 vừa qua, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) của Trung Quốc cho biết, nước này sẽ triển khai một loạt dự án thí điểm thúc đẩy các công nghệ tiên tiến phát thải ít carbon và thân thiện với môi trường, theo đó góp phần đáng kể vào mục tiêu trung hòa carbon. Những dự án này sẽ chú trọng vào một số lĩnh vực then chốt, trong đó có năng lượng tái tạo, các ngành xây dựng và công nghiệp, các loại hình lưới điện và lưu trữ năng lượng mới và hiệu quả, cũng như công nghệ thu hồi CO2. Các dự án mới sẽ được tăng cường hỗ trợ tài chính, ví dụ thông qua các khoản đầu tư từ ngân sách nhà nước, hỗ trợ chính sách thuế và tài chính.
Đến năm 2025, Chính phủ Trung Quốc sẽ chuyển đổi và ứng dụng các thành tựu công nghệ tiên tiến ít phát thải carbon và thân thiện với môi trường, đồng thời dần hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, các mô hình kinh doanh và cơ chế quản lý giúp thúc đẩy và ứng dụng công nghệ. Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 thúc đẩy hơn nữa lợi thế cạnh tranh quốc tế của các ngành công nghiệp và công nghệ xanh, phát thải ít carbon.
Bên cạnh đó, nước này cũng khuyến khích người dân tham gia vào việc giảm phát thải carbon và nỗ lực thiết lập một cơ chế thúc đẩy sự tham gia của tất cả các thành phần xã hội vào hoạt động này. Theo South China Morning Post, các công ty và chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang triển khai nhiều ứng dụng khuyến khích người dân giảm lượng khí thải trong hoạt động thường ngày. Trong đó phải kể đến ứng dụng Ant Forest-ứng dụng từng nhận giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực môi trường “Champions of the Earth” năm 2019 do Liên hợp quốc trao tặng. Ứng dụng này cho phép người dùng ghi lại mức giảm phát thải mỗi ngày của bản thân, thông qua các hành động như sử dụng phương tiện giao thông công cộng, thanh toán hóa đơn trực tuyến. Với mỗi hành động giảm phát thải họ sẽ được nhận “điểm năng lượng xanh”. Khi số điểm đạt mức quy định, một cái cây sẽ được trồng để phủ xanh những vùng đất trọc ở Trung Quốc. Kể từ khi ra mắt vào năm 2016, Ant Forest đã thu hút được hơn 650 triệu người dùng chuyển đổi điểm biến cây ảo thành hơn 400 triệu cây thật, theo một tuyên bố của tập đoàn Ant Group.
Các tua bin gió và tấm pin năng lượng mặt trời tại một nhà máy ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc không chỉ đạt bước tiến trong giảm phát thải carbon mà còn có những “thành tích đáng kể” trong các lĩnh vực như năng lượng sạch và ô tô điện. Năm 2022, 5,9 triệu xe điện đã được bán tại thị trường Trung Quốc, chiếm 59% số xe điện được bán trên toàn cầu, đưa Trung Quốc trở thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào năng lượng gió và năng lượng mặt trời, chiếm một nửa nguồn vốn đầu tư trên toàn cầu vào lĩnh vực này, theo thống kê năm 2020. Trong năm 2022, tỷ trọng tiêu thụ năng lượng sạch, như thủy điện, điện gió và điện mặt trời tại Trung Quốc tiếp tục tăng. Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thân thiện với môi trường, được gắn nhãn phát thải carbon thấp.
Để chuyển đổi xanh, việc loại bỏ dần nhiệt điện than, tiến tới sử dụng năng lượng tái tạo, xanh, sạch hơn là yêu cầu tất yếu. Tuy nhiên, vừa chuyển dịch năng lượng, vừa bảo đảm cung ứng đủ điện cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và phát triển kinh tế là không hề dễ dàng. Ông Krishna Srinivasan, Giám đốc Bộ phận châu Á và Thái Bình Dương, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng: “Khi hướng tới tương lai, có thể thấy rằng chúng ta buộc phải hành động ngay bây giờ để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, hướng tới năng lượng sạch và đa dạng hóa nguồn cung năng lượng. Trung Quốc đóng vai trò to lớn trong quá trình này”.
Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu không phải là cuộc chiến đơn lẻ của mỗi cá nhân mà cần sự đoàn kết của cả nhân loại. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) được tổ chức tại Glasgow, Vương quốc Anh năm 2021, hơn 100 quốc gia đã cam kết thực hiện các biện pháp bền vững để đối mặt với biến đổi khí hậu. Trong đó, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ thiên tai và biến đổi khí hậu, Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một chiến lược quan trọng nhằm hướng đến phát triển bền vững. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt và các nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh. Chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam là quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thân thiện với môi trường.
Cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay đặt ra nhiều thách thức song cũng là cơ hội để các quốc gia tăng cường hợp tác. Với nền tảng mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, cùng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có, Việt Nam và Trung Quốc đang đứng trước cơ hội to lớn để đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực như phát triển xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu chung là xây dựng tương lai xanh và bền vững.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/huong-toi-muc-tieu-chung-742483
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()