Hướng tới mục tiêu cao hơn SEA Games
Sau hai kỳ vô địch SEA Games liên tiếp, vận động viên quần vợt hàng đầu Việt Nam là Lý Hoàng Nam đã được đơn vị chủ quản là Câu lạc bộ Hải Ðăng (Tây Ninh) xin rút lui không tham dự SEA Games 32 sắp tới.
Lý Hoàng Nam thi đấu tại SEA Games 31. (Ảnh Thế Duyệt) |
Ðây là tay vợt duy nhất của nước ta từng hai lần giành Huy chương vàng tại SEA Games trong hai năm qua, hiện là vận động viên chuyên nghiệp số một Ðông Nam Á, cho nên động thái này được đánh giá là quần vợt Việt Nam đang hướng tới những mục tiêu cao hơn.
Trong văn bản Câu lạc bộ Hải Ðăng gửi tới Tổng cục Thể dục-Thể thao và Liên đoàn Quần vợt Việt Nam vừa qua đã nêu lý do chính đáng: “Với các mục tiêu mà ban huấn luyện đã đặt ra cho vận động viên Lý Hoàng Nam trong năm 2023 và đặc biệt là các suất tham dự vòng loại các giải Grand Slam danh giá trong năm, cụ thể gần nhất là Giải Roland Garros diễn ra tại Pháp từ ngày 22/5 tới ngày 11/6. Vì vậy, ban huấn luyện có kế hoạch dài hơi cho vận động viên Lý Hoàng Nam để tham dự các giải khởi động trên sân đất nện từ đầu tháng 5.
Nhưng thời gian tham gia các giải khởi động trùng với thời gian diễn ra SEA Games 32. Vì vậy, Câu lạc bộ quần vợt Hải Ðăng làm công văn này xin huấn luyện viên Trần Quốc Phong, chuyên gia Ivan Miranda và Lý Hoàng Nam thôi không tập trung đội tuyển quần vợt Việt Nam để tập trung cho các mục tiêu tham dự các giải Grand Slam trong năm 2023…”. Nếu được cơ quan chức năng đồng ý, Lý Hoàng Nam sẽ không có trong đội hình tuyển quần vợt Việt Nam dự SEA Games 32 tại Campuchia. Vắng tay vợt số 1 của mình, đội tuyển Việt Nam rất khó để giành Huy chương vàng ở kỳ SEA Games này.
Ông Nguyễn Kim Cương, cán bộ phụ trách bộ môn quần vợt của Tổng cục Thể dục-Thể thao khẳng định: “Chúng tôi nhận được văn bản của đơn vị chủ quản vận động viên. Ở đây phải hiểu rõ nguyện vọng của đơn vị chủ quản muốn xin vận động viên rời đội tuyển quốc gia để tập trung cho mục tiêu chuyên môn và bộ môn quần vợt đã báo cáo với lãnh đạo Tổng cục Thể dục-Thể thao cùng Phó Tổng cục trưởng Trần Ðức Phấn.
Về cơ bản, chúng tôi tôn trọng ý nguyện của đơn vị chủ quản của Lý Hoàng Nam”. Ông Nguyễn Kim Cương cũng khẳng định: “Quan điểm của lãnh đạo ngành là luôn ưu tiên vận động viên có chuyên môn, hết mình vì mầu cờ sắc áo Tổ quốc. Tuy nhiên, nếu tuyển thủ và đơn vị chủ quản không thể tập trung vì những lý do khác nhau thì Tổng cục Thể dục-Thể thao cũng không giữ”.
Việc Lý Hoàng Nam xin rời đội tuyển là một trong số ít trường hợp của thể thao Việt Nam, nhưng chuyện này đã thường xuyên xảy ra ở những nước có nền thể thao nổi bật trong khu vực như Thái Lan. Ðơn cử như tại Giải vô địch bóng đá Ðông Nam Á-AFF Cup 2022 vừa qua, hàng loạt tuyển thủ quốc gia là ngôi sao bóng đá Thái Lan như: Supachok Sarachart, Chaowat Veerachat, Chanathip, Jonathan Khemdee, Thanawat Suengchitthawon đã không tham dự.
Việc các vận động viên chuyên nghiệp không tham dự đội tuyển quốc gia là rất dễ hiểu vì mỗi vận động viên đều có những định hướng cá nhân nhằm mục tiêu giành thành tích tốt nhất của họ ở những đấu trường lớn hơn. Ðây cũng là tiền lệ tốt để thể thao Việt Nam hướng tới những đấu trường lớn, cạnh tranh khốc liệt.
Lý Hoàng Nam là tay vợt số một của Việt Nam, tháng 11/2022, anh đi vào lịch sử quần vợt Việt Nam khi đứng hạng 231 trên bảng xếp hạng của Hiệp hội quần vợt nam chuyên nghiệp thế giới (ATP) và vị trí hiện nay là 246. Lý Hoàng Nam cần tham gia nhiều giải đấu chuyên nghiệp để tích lũy điểm. Năm 2022, Hoàng Nam bị lỡ cơ hội dự vòng loại Giải Australia Open và hiện tay vợt của Việt Nam đang quyết tâm phấn đấu để có thể dự vòng loại Roland Garros 2023.
Mới đây nhất (tối 11/2), vận động viên Nguyễn Thị Oanh của đội tuyển điền kinh Việt Nam đã đoạt Huy chương vàng chạy 1.500m tại Giải điền kinh trong nhà châu Á 2023 tại Kazakhstan với thành tích 4 phút 15 giây 55, nhanh hơn 4 giây so với vận động viên về nhì người Nhật Bản, đồng thời trở thành vận động viên Việt Nam thứ ba vô địch điền kinh trong nhà của châu lục.
Cũng ở giải này, vận động viên Nguyễn Thị Huyền đã đoạt Huy chương bạc ở nội dung chạy 400m nữ. Thành tích này cho thấy, nếu có một chiến lược đúng đắn, tập trung đầu tư lâu dài với tầm nhìn xa hơn, điền kinh Việt Nam có thể vươn tầm ở các đấu trường châu lục và thế giới chứ không chỉ dừng lại ở khu vực.
Ý kiến ()