Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020
LSO-90-90-90 là mục tiêu “Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020”. Trong đó, 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp, hướng tới mục tiêu 90-90-90 năm 2020 và kết thúc dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.
Tư vấn cho bệnh nhân uống methadone thực hiện xét nghiệm HIV tự nguyện tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Lạng Sơn – Ảnh: Minh Mạnh |
Trong 3 mục tiêu trên, mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình là mục tiêu hết sức quan trọng, vì chỉ khi biết được rõ người nhiễm HIV là ai thì mới hướng dẫn họ tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc hỗ trợ. Đây được coi là mục tiêu tiền đề để thực hiện tốt 2 mục tiêu tiếp theo. Đồng thời là tiền đề quan trọng để người nhiễm HIV sống khỏe mạnh như người bình thường, giảm nguy cơ lây truyền cho người khác.
Tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn, lũy tích đến hết tháng 10/2017, toàn tỉnh phát hiện gần 3.000 trường hợp nhiễm HIV ở 156 xã, phường, thị trấn. Số chuyển giai đoạn AIDS là 2.768 trường hợp, 2.078 trường hợp tử vong do AIDS và các bệnh liên quan, số còn sống được quản lý là 874 trường hợp.
Tuy chưa thể đạt được mục tiêu của Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, song các chỉ tiêu hằng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Trong năm 2017, theo ước tính của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.200 người nhiễm HIV thì tỷ lệ người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình đạt 74,6%. (thiếu 15,4% so với chỉ tiêu 90); điều trị cho 659 trường hợp, đạt tỷ lệ 75,4% tổng số người nhiễm HIV còn sống được quản lý. Gửi tuyến trung ương 81 mẫu xét nghiệm kiểm soát số lượng vi rút theo hồ sơ bệnh án quy định, cũng tương đương tỷ lệ điều trị là 75,4%.
Thực hiện xét nghiệm sớm trong chủ đề tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS năm 2017 được hiểu là mọi đối tượng đều được tư vấn, xét nghiệm HIV chẩn đoán sau 3 tháng và xét nghiệm khẳng định sau 6 tháng kể từ khi có hành động nguy cơ cao. Ngoài ra, phụ nữ mang thai và các đối tượng khác được khuyến cáo xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt. Vì xét nghiệm trước khi có ý định mang thai và ngay sau khi có hành động nguy cơ cao là để xác định 3 tháng trước đó mình đã bị nhiễm HIV hay chưa để có những can thiệp về y tế kịp thời, chủ động phòng tránh lây nhiễm cho người khác. Đồng thời trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, phải tránh các hoạt động có nguy cơ cao như: quan hệ tình dục không an toàn, dùng chung bơm kim tiêm…
Bác sỹ Nông Thị Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Lạng Sơn cho biết: Từ năm 2014 trở lại đây, số lượng bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS luôn dưới 50 trường hợp, số bệnh nhân tử vong do AIDS luôn dưới 30 trường hợp và con số này được giảm dần qua các năm. Đến hết tháng 10/2017, số bệnh nhân chuyển giai đoạn AIDS mới là 20, giảm 13 trường hợp; số tử vong do AIDS và các bệnh liên quan là 17, giảm 6 trường hợp so với cả năm 2016.
Điểm đáng mừng nhất trong công tác phòng, chống HIV/AIDS là kể từ khi áp dụng điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, trên địa bàn toàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp trẻ em nào sinh ra từ người mẹ bị nhiễm HIV được điều trị dự phòng mà dương tính với HIV. Trong 3 trẻ dưới 15 tuổi bị nhiễm HIV do lây truyền mẹ sang con được phát hiện năm 2017, thì cả 3 trường hợp này đều không được phát hiện và điều trị dự phòng HIV kịp thời. Chính vì vậy, việc xét nghiệm sớm HIV, từ đó điều trị sớm, chính là chìa khóa cho sự thành công để phòng, chống lây nhiễm cho chính con em của mình và những người xung quanh.
Để thực hiện hiệu quả tháng hành động phòng chống HIV/AIDS, rất cần sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội trong tuyên truyền nâng cao nhận thức của mỗi người dân. Đồng thời giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội, tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Ngoài ra, bố trí nguồn kinh phí, nhân lực phù hợp để chủ động mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Đặc biệt mở rộng xét nghiệm HIV sớm để phát hiện người nhiễm mới HIV nhằm đạt được mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình. Đó là mục tiêu quan trọng nhất để hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
ĐỖ TUẤN
Ý kiến ()