Hướng tới một Quốc gia khởi nghiệp
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, để Việt Nam thực sự trở thành quốc gia khởi nghiệp, mục tiêu không chỉ là hướng tới 1.000.000 doanh nghiệp, mà làm sao doanh nghiệp phải thực sự lớn mạnh, có sức cạnh tranh, sự sáng tạo và đổi mới.
Hiệu quả bắt đầu lan tỏa
Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện tại Việt Nam có hơn 600.000 doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động chính thức theo Luật Doanh nghiệp, ngoài ra, có khoảng 4,5 triệu hộ kinh doanh. Theo Nghị quyết 35 được Chính phủ ban hành tháng 5/2016 đặt mục tiêu đạt 1.000.000 doanh nghiệp vào năm 2020.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, sau hơn 1,5 năm phát động, chương trình quốc gia khởi nghiệp đã có nhiều tín hiệu tích cực. Chỉ tính riêng năm 2016, lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới đạt con số kỷ lục là hơn 110.000 doanh nghiệp, trong 17 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp thì đây là con số kỷ lục. Cùng với đó, số vốn cam kết đưa vào thị trường là 891.094 tỷ đồng, đạt tỷ trọng 8,09 tỷ đồng cho mỗi doanh nghiệp thành lập mới; tăng 48,1% so cùng kỳ năm 2015. Chỉ tính trong nửa đầu năm 2017, lĩnh vực khởi nghiệp cũng ghi nhận những tin vui khi đã có tới hơn 61.000 doanh nghiệp mới gia nhập thị trường. Con số này thể hiện niềm tin của doanh nghiệp đã được cải thiện. Các nghị quyết 35 và Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, và phát triển doanh nghiệp của Chính phủ đã bắt đầu phát huy hiệu quả.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Trong đó, với lĩnh vực khởi nghiệp, tinh thần quyết tâm thúc đẩy khởi nghiệp, lập nghiệp của Thủ tướng Chính phủ, không chỉ được các cơ quan nhà nước, địa phương hưởng ứng mạnh mẽ mà đã lan tỏa sang cả khu vực tư nhân. Trong năm 2016, đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo, sự kiện, cuộc thi về khởi nghiệp được tổ chức. Mạng lưới các nhà đầu tư cá nhân cho khởi nghiệp cũng bắt đầu được hình thành và nhận thức của cả xã hội về khởi nghiệp đã được nâng lên đáng kể. Các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo đã được rà soát, đánh giá và đề xuất lồng ghép vào Luật Hỗ trợ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc sửa đổi, bổ sung chức năng và nhiệm vụ của Quỹ bảo lãnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo… đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phối hợp, khẩn trương xây dựng để tăng cường nguồn vốn cho hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Còn nhiều thách thức
Mặc dù sau một năm rưỡi phong trào Quốc gia khởi nghiệp đã đạt được những kết quả khả quan, song trên thực tế vẫn còn nhiều rào cản cho khởi nghiệp.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, về môi trường kinh doanh, mặc dù chúng ta đã có những nỗ lực cải cách mạnh mẽ trong năm vừa qua, nhưng so với những chuẩn mực tiên tiến của thế giới, của khu vực thì vẫn còn khoảng cách khá xa. Thủ tục hành chính còn phiền hà, môi trường kinh doanh đâu đó còn không minh bạch, chi phí không chính thức còn khá phổ biến.
Bên cạnh đó là vấn đề chất lượng nguồn nhân lực. Hệ thống giáo dục phổ thông của chúng ta tương đối tốt nhưng giáo dục đại học, cao đẳng, dạy nghề đặc biệt hệ thống dạy nghề còn rất nhiều hạn chế, còn chưa vươn tới được các chuẩn mực quốc tế. Hiện nay, các doanh nghiệp đang rất khó tìm được đội ngũ nhân lực phù hợp với yêu cầu của mình. Bởi vì, nội dung giảng dạy của nhiều trường vẫn còn ít gắn với thực tiễn, tính thực dụng không cao. Trong khi xã hội cần các kỹ năng thì người lao động lại chưa đáp ứng được yêu cầu. Cho nên, việc gấp rút cải cách chất lượng các cơ sở đào tạo để tạo ra nguồn nhân lực có thể đáp ứng được với yêu cầu của doanh nghiệp đang là một yêu cầu hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Cùng với đó là vấn đề cơ sở hạ tầng. Mặc dù chúng ta đã chú trọng cơ sở hạ tầng nhưng nhìn chung vẫn còn kém phát triển. Vì vậy, yêu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho sự phát triển của các doanh nghiệp cũng đang là một trong những yêu cầu cấp bách đặt ra trong thời gian tới.
Chỉ khi nào chúng ta giải quyết được các yêu cầu những vấn về cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nhân lực và nâng cấp được cơ sở hạ tầng đạt tới chuẩn mực tiên tiến của ASEAN và thế giới thì lúc đó mới có thể làm bệ đỡ cho sự phát triển của nền kinh tế.
Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI, để Việt Nam thực sự trở thành quốc gia khởi nghiệp, mục tiêu không chỉ là có được 1.000.000 doanh nghiệp, mà làm sao doanh nghiệp phải thực sự lớn mạnh, có sức cạnh tranh, sự sáng tạo và đổi mới. Muốn vậy, nhiều vấn đề như chi phí vốn, thuế phí, kết nối chuỗi liên kết… cũng cần sớm được giải quyết. Theo VCCI, lãi suất tín dụng mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu là 7-8%/năm, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Trong khi đó, các khoản thuế, phí ở Việt Nam hiện đã chiếm tới 40,8% lợi nhuận của doanh nghiệp.
Những vấn đề đặt ra
Để phong trào khởi nghiệp đi vào thực chất và thực sự hiệu quả thì vai trò của môi trường kinh doanh, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng rất quan trọng.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, Nghị quyết 35 và Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, và phát triển doanh nghiệp của Chính phủ đã đưa ra những giải pháp, lộ trình để cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khá cụ thể. Nhưng quan trọng nhất là chúng ta phải tổ chức thực hiện thật tốt các chương trình hành động được đặt ra ở đây.
Để đạt được số lượng 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020, một mặt chúng ta cần cải thiện môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó cần có một số giải pháp, chương trình cụ thể. Trong đó, chương trình chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp phải là chương trình then chốt. Bởi vì hiện nay, có thể thành lập mới hoàn toàn hoặc các doanh nghiệp có thể chuyển đổi từ các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Chúng ta đang có khoảng 4 triệu các hộ kinh doanh hoạt động trong khu vực phi chính thức và có trên 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong khu vực chính thức nhưng họ chưa phải là doanh nghiệp. Biện pháp tốt nhất để tăng nhanh doanh nghiệp là yểm trợ cho các hộ này có thể chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp.
Muốn làm được việc đó trước hết phải đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với việc thành lập và vận hành doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Đồng thời, cần có các chính sách hỗ trợ về thuế và tín dụng. Chính phủ nên đặt mục tiêu cụ thể giảm lãi suất 1%-2% trong thời gian tới cùng với việc giải quyết nợ xấu một cách thực chất. Một số chính sách miễn giảm, hoãn, giãn thuế hợp lý cho doanh nghiệp nên tiếp tục áp dụng để nuôi dưỡng nguồn thu sau này. Tuy nhiên, việc thay đổi, chuyển đổi các hoạt động của doanh nghiệp là quan trọng, nhưng quan trọng hơn phải đảm bảo cho nó hoạt động hiệu quả. Việc cải thiện môi trường kinh doanh và những nỗ lực sẽ thúc đẩy sự liên kết của các doanh nghiệp này./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()