Hướng tới một nền nông nghiệp đô thị chất lượng cao
Đại diện Công ty Xổ số kiến thiết Cần Thơ tặng xe lăn cho người khuyết tật. Phát động phong trào thi đua xây dựng nền nông nghiệp hiện đại gắn với xây dựng nông thôn mới là hướng đi của thành phố Cần Thơ. Từ định hướng này, các ban, ngành và quận, huyện đã xây dựng nghị quyết, kế hoạch thực hiện và phổ biến chủ trương, giải pháp, đồng thời tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân và các thành phần kinh tế tích cực tham gia thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.Theo đó, các ngành đã tiến hành đồng loạt các quy hoạch ngành, lĩnh vực, tạo cơ sở cho định hướng phát triển khu vực nông nghiệp và nông thôn, đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong việc triển khai Nghị quyết Trung ương VII (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn một cách đồng bộ và hiệu quả.Lúa được xác định là cây trồng lợi thế của Cần Thơ. Đến năm 2011, tuy diện tích đất canh tác lúa bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa và chuyển đổi...
Đại diện Công ty Xổ số kiến thiết Cần Thơ tặng xe lăn cho người khuyết tật. |
Theo đó, các ngành đã tiến hành đồng loạt các quy hoạch ngành, lĩnh vực, tạo cơ sở cho định hướng phát triển khu vực nông nghiệp và nông thôn, đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong việc triển khai Nghị quyết Trung ương VII (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn một cách đồng bộ và hiệu quả.
Lúa được xác định là cây trồng lợi thế của Cần Thơ. Đến năm 2011, tuy diện tích đất canh tác lúa bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng (so với năm 2004 giảm 5.266 ha và so năm 2008 giảm 1.835 ha), nhưng hiệu quả sử dụng đất canh tác lúa được nâng cao, với vòng quay của đất đạt 2,5 lần. Tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm tăng 3% (6.009 ha) so năm 2008, năng suất lúa đã tăng từ 5,45 tấn/ha năm 2008 lên sáu tấn/ha năm 2011, sản lượng lúa cả năm ước tăng 6% (147.300 tấn) so năm 2008. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong sản xuất đã giảm chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tỷ lệ giống lúa chất lượng cao tăng dần từ 78% (năm 2008) lên hơn 80% (năm 2011) đã nâng cao chất lượng và giá trị của hạt lúa, từ đó giúp nông dân thu nhập bình quân hơn 115 triệu đồng/ha/năm (từ canh tác ba vụ lúa), trong đó lợi nhuận đạt bình quân 58 triệu đồng/ha/năm. Đáng chú ý năm 2011, Cần Thơ xuất khẩu 850 nghìn tấn lúa, vượt qua “đại gia” lúa An Giang.
Công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp là điểm nhấn của thành phố Cần Thơ. Đó là việc tận dụng vị thế trung tâm khoa học kỹ thuật của vùng với đội ngũ đông đảo nhà khoa học danh tiếng về lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản tại Trường đại học Cần Thơ, Viện lúa ĐBSCL… Vùng ngoại ô thành phố Cần Thơ đang hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng tập trung chuyên canh, luân canh phù hợp với từng địa bàn, với các mô hình sản xuất có hiệu quả gắn với nhu cầu thị trường, góp phần tăng thu nhập cho nông hộ, từng bước cải thiện đời sống người dân nông thôn. Với định hướng phát triển sản xuất hàng hóa theo vùng tập trung quy mô lớn, ngành nông nghiệp đã triển khai xây dựng cánh đồng mẫu tại các huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ. Bên cạnh đó, Cần Thơ đã xây dựng các hợp tác xã rau an toàn và mở rộng vùng rau an toàn tập trung ở quận Bình Thủy và huyện Phong Điền; xây dựng được các vườn cây ăn trái kiểu mẫu kết hợp phát triển du lịch sinh thái; triển khai xây dựng vùng nuôi thủy sản áp dụng các tiêu chuẩn (Global GAP, SQF, BMP, Metro GAP…) nhằm cung cấp nguồn sản phẩm hàng hóa chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Sự phát triển căn cơ của hộ nông dân Cần Thơ là kết quả của quá trình đầu tư có trọng điểm và chiều sâu cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, đó là việc phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, lồng ghép các chương trình mục tiêu phát triển nông nghiệp và cải thiện đời sống người dân nông thôn. Những năm qua, chính quyền thành phố Cần Thơ thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp đã tác động mạnh mẽ đến cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, các khâu chủ yếu trong sản xuất lúa (làm đất, bơm tưới) tại Cần Thơ đã được cơ giới hóa hoàn toàn, các khâu gặt đập, phơi sấy từng bước được đầu tư, bổ sung ngày càng hoàn thiện. Hệ thống lò sấy lúa bảo đảm sấy hơn 40% sản lượng lúa hè thu và thu đông trên địa bàn, tăng 19,5% so năm 2008. Ngoài nguồn vốn xây dựng cơ bản do thành phố quản lý, các quận, huyện sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để triển khai thi công các công trình kết cấu hạ tầng vùng nông thôn, trong đó tập trung vốn đầu tư cho các công trình thủy lợi. Các trục kênh tạo nguồn cấp 1, cấp 2, kênh mương thủy lợi nội đồng đã hình thành các vùng thủy lợi khép kín phục vụ đa mục tiêu, bảo đảm chủ động tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp đáp ứng 98% diện tích canh tác lúa; kết hợp hiệu quả với phát triển hệ thống giao thông nông thôn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Nguồn vốn đầu tư vào thủy lợi giai đoạn 2009 – 2011 đạt 180 tỷ đồng, tăng bình quân 92% so năm 2008, trong đó vốn ngân sách chiếm 92%, vốn huy động từ nhân dân chiếm 8% và huy động hơn 89.300 ngày công lao động.
Với vị thế đầu mối về giao thương tại ĐBSCL, thành phố Cần Thơ hiện đang song hành liên kết vùng và liên kết bốn nhà trên lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông, hải sản. Cần Thơ hiện đang triển khai xây dựng hai chợ đầu mối, đó là chợ chuyên doanh lúa gạo (tại phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt) và chợ kinh doanh thủy sản (tại phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều) để làm đầu mối tập trung tiêu thụ nông sản hàng hóa mang tính khu vực. Chính sách liên kết bốn nhà, chủ yếu là mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà nông được Cần Thơ vận dụng khá linh hoạt. Các công ty kinh doanh lương thực như Công ty lương thực sông Hậu, Công ty TNHH MTV nông nghiệp Cờ Đỏ, Công ty Mê Kông Cần Thơ, Công ty cổ phần Gentraco đang triển khai dự án xây dựng nhà máy sấy lúa tại các vùng nguyên liệu, vừa tiện lợi cho nông dân, đỡ chi phí vận chuyển, vừa giúp công ty bảo đảm chất lượng hạt gạo thành phẩm không bị gãy. Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp và Chế biến lương thực Thốt Nốt – thành phố Cần Thơ (Gentraco) – trong 10 đơn vị xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam thực hiện đầu tư và bao tiêu lúa cho nông dân với giá cao hơn thị trường từ 5 đến 25% đi kèm với việc hướng dẫn kỹ thuật canh tác và cung cấp nguồn lúa giống xác nhận, bảo đảm chất lượng (Chính sách thu mua của Gentraco là giá sát với giá thị trường trong từng thời điểm và cộng thêm so với giá thị trường 200 đồng/kg lúa). Mô hình này đã được thí điểm ở huyện Cờ Đỏ và huyện Vĩnh Thạnh. Qua ba năm triển khai, đa phần nông dân rất ủng hộ chương trình vì họ vừa tăng thu nhập do giá mua lúa cao hơn thị trường, vừa an tâm vì công ty bao tiêu hết sản phẩm và còn được hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Mô hình này Gentraco sẽ tiếp tục nhân rộng hơn 10.000 ha với những giống lúa hạt dài, chất lượng cao, kháng rầy và được thị trường ưa chuộng. Với chiến lược hợp tác với nông dân tạo vùng nguyên liệu gạo cao cấp ổn định với chất lượng đồng đều, sản phẩm an toàn, kết hợp với hệ thống công nghệ Sortex hiện đại, hệ thống quản lý chất lượng theo ISO và HACCP, Gentraco có đủ cơ sở và tiền đề cho việc mở rộng thị trường gạo cao cấp như sản xuất gạo sạch “Ngọc Đồng”, “Miss Can Tho”, “Cò trắng”.
Nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, gắn với phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn là hướng đi đúng đắn, là lợi thế để Cần Thơ trở thành trung tâm công nghệ sinh học của vùng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()