Hướng tới mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-New Zealand
Nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới New Zealand từ ngày 11-14/3, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại châu Đại Dương đã phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Việt Dũng về ý nghĩa chuyến thăm cũng như những lĩnh vực hợp tác nổi bật giúp củng cố mối quan hệ hai nước.
Theo Đại sứ Nguyễn Việt Dũng, chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới New Zealand diễn ra trong bối cảnh quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-New Zealand ngày càng phát triển tốt đẹp, khẳng định Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, trong đó luôn coi trọng tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt với các nước bạn bè, trong đó có New Zealand.
Đại sứ nhấn mạnh đây sẽ là nguồn động lực để làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, được xác lập năm 2009, ngày càng đi vào thực chất, tạo đà để mở rộng các lĩnh vực hợp tác trong tương lai, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên mà hai bên có nhu cầu và thế mạnh. Đây cũng là dịp để hai bên thúc đẩy, tăng cường hơn nữa sự tin cậy về chính trị, tạo nền tảng vững chắc để đưa quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi đi vào chiều sâu theo các định hướng được đề ra trong Chương trình Hành động Việt Nam-New Zealand giai đoạn 2017-2020, được ký tháng 11/2017 nhân dịp Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thăm và tham dự Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng.
Đại sứ Nguyễn Việt Dũng cho biết trong 43 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975 và xác lập mối quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2009, mối quan hệ giữa Việt Nam-New Zealand đã ngày càng được củng cố và tăng cường với việc thường xuyên trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao trên cả bình diện song phương và đa phương cũng như sự hợp tác giữa các bộ, ngành và địa phương hai nước.
Trong thời gian năm năm gần đây, tần suất trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước thật sự đáng ghi nhận: Toàn quyền New Zealand đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam tháng 9/2013; Thủ tướng Việt Nam và New Zealand tiến hành các chuyến thăm chính thức lẫn nhau nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước lần lượt vào tháng Ba và tháng 11 năm 2015; tân Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, ngay sau khi nhậm chức Thủ tướng vào cuối tháng 10/2017 đã nhận lời và tham dự Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng.
Chương trình Hành động Việt Nam-New Zealand giai đoạn 2017-2020, được phó thủ tướng, bộ trưởng ngoại giao hai nước ký bên lề Hội nghị APEC tại Đà Nẵng, là văn kiện thể hiện cam kết chung về các kế hoạch hợp tác cụ thể trong thời gian ba năm tới trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng-an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, giáo dục đào tạo, khoa học-kỹ thuật, hợp tác phát triển và giao lưu nhân dân, cũng như hợp tác giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Theo Đại sứ, quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước chứng kiến những bước nhảy vọt. Hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư theo hướng hiệu quả và đôi bên cùng có lợi được coi là trọng tâm và động lực để thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt là việc chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước đầu tư, hợp tác tại thị trường của nhau.
Trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới New Zealand lần này, hai bên sẽ tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp tại thành phố Auckland, trung tâm thương mại lớn nhất của New Zealand, thu hút sự đăng ký tham dự của nhiều doanh nghiệp lớn của hai nước.
Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 16 của New Zealand và là quốc gia trong khối ASEAN đạt tốc độ phát triển nhanh nhất trong quan hệ thương mại với New Zealand. Trong năm năm gần đây, kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều đặn từ 15-20%, đặc biệt trong năm 2017, theo Cơ quan Thống kê New Zealand, thương mại hai chiều tăng gần 30% so với năm 2016 và đạt mức trên 1,6 tỷ NZD (tương đương hơn 1 tỷ USD), trong đó Việt Nam xuất khẩu hàng hóa (chưa bao gồm dịch vụ) sang New Zealand đạt 753 triệu NZD, tăng 18% và nhập khẩu hàng hóa từ New Zealand đạt 658 triệu NZD, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Với đà tăng trưởng gần đây cùng với thuận lợi là nền kinh tế Việt Nam và New Zealand có tính chất bổ sung cho nhau trên nhiều phương diện và những đóng góp quan trọng trong thương mại dịch vụ trên các lĩnh vực giáo dục, hàng không, du lịch, dịch vụ tư vấn… khả năng đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều về hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước lên mức 2,5 tỷ NZD (tương đương gần 2 tỷ USD) vào năm 2020 mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra là hoàn toàn hiện thực.
Bên cạnh các lợi thế có được từ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), có hiệu lực từ tháng 1/2010, việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký tại Chile ngày 8/3 vừa qua, sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước và các nước liên quan thông qua việc mở cửa thương mại hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy dòng vốn đầu tư và những mối liên kết gần gũi hơn thông qua giải quyết một loạt vấn đề.
Hiện nay, Việt Nam và New Zealand cũng đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cùng với chín nước ASEAN và năm nước đối tác khác của ASEAN gồm Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ. Khi kết thúc đàm phán, đây sẽ là hiệp định lớn nhất thế giới và giúp tạo ra một thị trường chung rộng lớn cho hàng hóa xuất khẩu của cả Việt Nam và New Zealand, từ đó tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân hai nước.
Hợp tác về giáo dục hiện là một điểm sáng trong quan hệ hai nước. Đại sứ Nguyễn Việt Dũng cho biết ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam chọn New Zealand là điểm đến vì môi trường an toàn, chất lượng đào tạo cao, chi phí hợp lý và có rất nhiều lựa chọn về các ngành học. New Zealand có tám trường đại học công lập, 16 học viện kỹ nghệ cùng khoảng hơn 500 trường tư thục.
Các trường đại học công lập của New Zealand đào tạo ngành nghề đa dạng với bằng cấp được công nhận trên toàn thế giới và cả tám trường này đều năm trong top 3% các trường đại học tốt nhất thế giới. Hiện có hơn 2.200 sinh viên Việt Nam đi du học ở New Zealand ở các trình độ khác nhau, từ khóa đào tạo ngắn hạn đến tiến sỹ và sau tiến sỹ.
Trong chuyến thăm lần này, thủ tướng hai nước sẽ chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác trong lĩnh vực giáo dục như Kế hoạch hợp tác chiến lược trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2020 và một số thỏa thuận giữa các trường đại học của hai nước, với mục tiêu tăng số lượng sinh viên Việt Nam học tập tại New Zealand lên 30% vào năm 2020 thông qua nhiều hình thức như tăng số lượng học bổng Chính phủ New Zealand (NZAID), khuyến khích trao đổi sinh viên và hợp tác giữa các trường đại học và cơ sở giáo dục của hai nước về chương trình giảng dạy và hợp tác.
Nông nghiệp là lĩnh vực sôi động và có đóng góp quan trọng trong hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia. Trong những năm qua, thương mại hàng nông sản là một phần quan trọng trong giao thương giữa Việt Nam và New Zealand. Việt Nam xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sang New Zealand bao gồm trái cây nhiệt đới, hạt điều, càphê, hạt tiêu, hải sản. Xuất khẩu nông sản của New Zealand chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của New Zealand sang Việt Nam, bao gồm sản phẩm sữa, nguyên liệu ngành dệt may, hoa quả, gỗ nguyên liệu và khoáng sản.
Thông qua chương trình viện trợ, New Zealand đã giúp ngành nông nghiệp Việt Nam với các dự án tập trung vào phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi nhằm mang lại lợi ích cho nông dân, xây dựng năng lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, dựa trên bài học thực tiễn, kinh nghiệm cũng như chuyên môn mới và tốt nhất của New Zealand.
Cụ thể đối với trái thanh long, một trong hai loại trái cây đã có mặt tại thị trường New Zealand (thanh long và xoài cát Hòa Lộc và sắp tới là chôm chôm), các chuyên gia Viện nghiên cứu Cây trồng và Cây lương thực New Zealand đã giúp người nông dân Việt Nam phát triển 20 giống thanh long mới tiềm năng và đào tạo cho nông dân Việt Nam các mô hình trồng thanh long mang lại năng suất gấp đôi, cũng như chia sẻ các công nghệ bảo quản giúp giảm thiểu quả hỏng và hạn chế sử dụng hóa chất.
Hàng không và du lịch cũng là lĩnh vực rất có tiềm năng. Đại sứ Nguyễn Việt Dũng cho rằng kết nối hàng không và du lịch giữa hai nước còn nhiều dư địa và cần phải khai thác. Lượng khách du lịch giữa hai nước tăng nhanh, số khách Việt Nam thăm New Zealand tăng 32% và số khách New Zealand đến du lịch Việt Nam tăng 41% nhờ việc hãng hàng không Air New Zealand triển khai đường bay thẳng theo mùa giữa thành phố Auckland và Thành phố Hồ Chí Minh từ giữa năm 2016, duy trì khai thác dịch vụ này trong năm 2017 và sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2018 do nhu cầu tăng cao của du khách. Như vậy, đây là năm thứ 3 liên tiếp Air New Zealand khai thác đường bay này.
Về hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ quốc tế và khu vực, Đại sứ Nguyễn Việt Dũng cho biết hai nước duy trì mối quan hệ hợp tác tốt đẹp tại các diễn đàn như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM ), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM), và Liên hợp quốc cũng như các cơ chế hợp tác kinh tế khu vực mà cả hai nước cùng tham gia như CPTPP và RCEP.
Theo Đại sứ Nguyễn Việt Dũng, để tăng cường hiệu quả hợp tác giữa hai nước, việc đầu tiên và có tầm quan trọng hàng đầu là làm sao triển khai hiệu quả sự hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên mà hai bên đã đề ra trong Kế hoạch hành động 2017-2020.
Trong mỗi lĩnh vực cần khai thác những dư địa mới và tạo ra những đột phá mới, dấu mốc mới trong từng lĩnh vực như thương mại-đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục-đào tạo, nông nghiệp, kết nối hàng không và du lịch…; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước đầu tư, hợp tác làm ăn tại thị trường của nhau để khai thác triệt để tiềm năng do các Hiệp định tự do thương mại (FTA) mang lại; tận dụng các FTA để đưa hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp tiếp cận thị trướng sở tại, đi đôi với đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, đổi mới công tác xúc tiến thương mại, xây dựng mục tiêu cho từng nhóm hàng hóa, sản phẩm cụ thể với các hoạt động xúc tiến chuyên sâu để đưa hàng hóa của ta tiếp cận thị trường sở tại, nhất là trong các hệ thống phân phối.
Đại sứ khẳng định mối quan hệ Việt Nam-New Zealand, được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước trân trọng và dày công vun đắp, cùng với tiềm năng của mỗi nước, sẽ vươn lên tầm cao mới – quan hệ đối tác chiến lược, trong tương lai không xa, nhân dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (2009-2019) và kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1975-2020), vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()