Hướng tới liên thông chế độ bảo hiểm xã hội cho lao động di cư trong các nước CLMTV
Tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động các nước CLMTV lần thứ tư, các Bộ trưởng- Trưởng đoàn ủng hộ về mặt nguyên tắc thông qua Tuyên bố Campuchia-Lào-Myanmar-Thái Lan-Việt Nam về liên thông chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động di cư. Qua đó, hướng tới bảo đảm an sinh xã hội cho lao động di cư ở khu vực này .
Bảo đảm an sinh xã hội cho lao động di cư trong các các quốc gia CLMTV
Ngày 23/5, Hội nghị Bộ trưởng Lao động Campuchia-Lào-Myanmar-Thái Lan-Việt Nam (CLMTV) lần thứ tư đã diễn ra theo theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Hội nghị do nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào chủ trì với sự tham dự của các Bộ trưởng, Trưởng đoàn phụ trách về lao động của các nước CLMTV nhằm trao đổi các vấn đề liên quan đến lao động trong khu vực.
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan làm Trưởng đoàn cùng đoàn đại biểu là đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ.
Tại hội nghị, các Bộ trưởng, Trưởng đoàn đã trao đổi, chia sẻ và cập nhật thông tin về những chính sách mới trong giai đoạn 2019-2024, những kinh nghiệm và bài học được rút ra sau 5 năm bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19.
Với đường biên giới chung và nhiều điểm tương đồng trong văn hóa, người lao động thường xuyên di chuyển giữa các quốc gia CLMTV, đa phần theo những kênh phi chính thức. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho việc thu thập đầy đủ số liệu và quản lý lao động di cư, và cho việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đặc biệt là quyền được tham gia bảo hiểm xã hội.
Trên thực tế, do 5 quốc gia CLMTV chưa có liên thông bảo hiểm xã hội nên nhiều lao động di cư trong khu vực không có bảo hiểm xã hội, không được bảo đảm quyền an sinh xã hội cơ bản này và họ phải đối mặt với nhiều khó khăn, không bảo đảm công bằng khi gặp các rủi ro trong cuộc sống ở nước ngoài.
Sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế giữa các nước, nhu cầu lao động phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội đã thúc đẩy người dân tại các tỉnh dọc biên giới không ngừng di cư sang quốc gia lân cận tìm kiếm việc làm và đa phần trong số họ là lao động phổ thông. Điều này thể hiện qua những con số và dữ liệu di cư mà các tổ chức quốc tế và 5 quốc gia đã chia sẻ với nhau. Do đó, việc bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có tham gia bảo hiểm xã hội thông qua chính sách, liên thông bảo hiểm xã hội giữa các quốc gia cho những người lao động di cư này là mục tiêu cần được chú trọng nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.
Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam Nguyễn Bá Hoan cho biết, trên thực tế, do 5 quốc gia CLMTV chưa có liên thông bảo hiểm xã hội nên nhiều lao động di cư trong khu vực không có bảo hiểm xã hội, không được bảo đảm quyền an sinh xã hội cơ bản này và họ phải đối mặt với nhiều khó khăn, không bảo đảm công bằng khi gặp các rủi ro trong cuộc sống ở nước ngoài.
Việc thực hiện các hiệp định an sinh xã hội song phương hoặc đa phương, đặc biệt là liên thông bảo hiểm xã hội, nhằm hướng tới tính di động của bảo hiểm xã hội trong bối cảnh này cũng sẽ giúp lao động di cư có thể duy trì những quyền của họ đối với lương hưu và bảo đảm các quyền này có thể được chuyển giao qua biên giới.
Việt Nam thúc đẩy khả năng trao đổi, tiến tới có thể liên thông bảo hiểm xã hội
Thông tin tới các Bộ trưởng CLMTV về những đổi mới trong chính sách, pháp luật với người lao động nói chung và lao động di cư của nước ta trong những năm qua, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh, Việt Nam luôn chú trọng công tác bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thông qua hoàn thiện pháp luật và chính sách có liên quan.
Cụ thể, chúng ta đã sửa đổi Bộ luật Lao động 2019, ban hành Nghị định 152/2020/NĐ-CP và Nghị định số 70/2023/NĐ-CP để quản lý lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc cũng như Luật về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản liên quan.
Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực từ năm 2021, đã sửa đổi và bổ sung nhiều quy định để quản lý có hiệu quả người lao động ra nước ngoài làm việc.
Việt Nam luôn chú trọng công tác bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thông qua hoàn thiện pháp luật và chính sách có liên quan: Sửa đổi Bộ luật Lao động 2019, ban hành Nghị định 152/2020/NĐ-CP và Nghị định số 70/2023/NĐ-CP để quản lý lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc; ban hành Luật về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản liên quan.
Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định quyền của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: "Không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần…"
Luật này cũng quy định người lao động được: (i) Đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài (ii) Được bảo hộ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận lao động, pháp luật và thông lệ quốc tế.
Luật cũng quy định “thực hiện quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bằng mã số, tích hợp trên Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.
Luật Bảo hiểm xã hội của Việt Nam ban hành năm 2006, sửa đổi năm 2014 và hiện tiếp tục được sửa đổi và trình Quốc hội thông qua trong năm 2024. Luật hướng tới việc xây dựng một hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng: mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cũng như các chế độ thụ hưởng và đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Để thực hiện các chế độ dài hạn đối với lao động nước ngoài, Việt Nam tăng cường ký kết các hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa các nước. Hiện tại, Việt Nam đã ký kết Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội với Hàn Quốc, với thời điểm thực hiện từ ngày 1/1/2024. Việt Nam cũng đang trao đổi để chuẩn bị xúc tiến đàm phán Hiệp định Bảo hiểm xã hội với Nhật Bản.
Thực tế cho thấy, với sự dịch chuyển lao động ngày càng tăng giữa Việt Nam và các nước, hợp tác bảo hiểm xã hội, hướng tới liên thông bảo hiểm xã hội giữa các nước là một trong những nội dung cần được chú trọng. Tuy nhiên, việc liên thông sẽ gặp một số khó khăn có thể kể đến đó là tính không tương đồng về mặt luật pháp, chính sách giữa các nước cũng như khả năng đáp ứng việc thực hiện liên thông chính sách bảo hiểm xã hội giữa các nước, các cơ quan trong tổ chức thực hiện.
Việt Nam cam kết sẽ phối hợp và hợp tác chặt chẽ với các nước trong việc quản lý lao động di cư qua biên giới một cách hiệu quả cũng như thúc đẩy khả năng trao đổi tiến tới có thể liên thông bảo hiểm xã hội trong tương lai.
Đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam cũng hy vọng, cơ chế hợp tác lao động cấp Bộ trưởng của các nước CLMTV sẽ góp phần tăng cường và củng cố mối quan hệ láng giềng khăng khít và bền chặt; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong môi trường hòa bình, vì sự thịnh vượng chung của khu vực.
Các Bộ trưởng, Trưởng đoàn ủng hộ về mặt nguyên tắc việc thông qua Tuyên bố CLMTV về Liên thông chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động di cư khu vực CLMTV. Việc ký Tuyên bố sẽ được thực hiện sau khi các nước đã hoàn thành đầy đủ các thủ tục theo quy định.
Dự kiến, Hội nghị các Bộ trưởng Lao động CLMTV lần thứ 5 sẽ diễn ra tại Thái Lan vào năm 2026.
Hiện nay trong khu vực CLMTV, Thái Lan đang là quốc gia được người lao động lựa chọn đến làm việc. Trong giai đoạn qua, theo thống kê của Cục Việc làm Thái Lan, nước này đã tiếp nhận và cấp giấy phép lao động cho hơn 3 triệu người lao động trong khu vực CLMTV.
Cụ thể, có 150 nghìn người Campuchia, 169 nghìn người Lào và hơn 2,3 triệu người Myanmar. Lao động chủ yếu là các ngành không đòi hỏi trình độ cao, đầu tư và tự kinh doanh.
Ý kiến ()