Hướng tới du lịch bền vững trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu
Hội nghị được thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU-ESRT, do Liên minh Châu Âu tài trợ).
Mục tiêu của hội nghị là nhằm tăng cường sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức quốc tế về biến đổi khí hậu đối với hoạt động du lịch cũng như chia sẻ thực hành tốt về thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động du lịch.
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội nghị “Việt Nam: Hướng tới du lịch bền vững trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu”. Theo Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên: Biến đổi khí hậu là một hiện tượng có phạm vi ảnh hưởng toàn cầu, biểu hiện thông qua sự tăng nhiệt độ trung bình của Trái đất, thay đổi lượng mưa và mực nước biển dâng, kèm theo đó là các thảm họa liên quan đến thời tiết diễn ra thường xuyên hơn. Hiện nay ở Việt Nam, biến đổi khí hậu đã tác động trực tiếp đến các lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, văn hoá, du lịch, thương mại và dịch vụ, đồng thời đã ảnh hưởng tiêu cực gián tiếp đến các lĩnh vực khác như giao thông, vận tải, xây dựng công nghiệp, y tế công cộng… Nước biển dâng ảnh hưởng đến các bãi biển, một số bãi biển có thể bị biến mất, những bãi biển khác bị xói lở sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên ở vùng đất thấp ven biển, làm hư hại các di sản văn hóa, các khu bảo tồn, các khu du lịch sinh thái… Một số cơ sở hạ tầng du lịch có thể bị ngập, buộc phải di chuyển hoặc bị đình trệ kinh doanh, làm tăng chi phí cho việc cải tạo, di chuyển và bảo trì. Chính bởi vậy, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch rất mong muốn tiếp tục nhận được sự trợ giúp, hướng dẫn và tích cực phối hợp của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, các Bộ ngành hữu quan, các địa phương, các doanh nghiệp du lịch, các trường đào tạo và các đối tác phát triển khác trong quá trình phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Có mặt tại hội nghị với vai trò là nhà tài trợ lớn nhất cho ngành Du lịch Việt Nam, ông Bruno Angelet, Đại sứ – Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu nhấn mạnh biến đổi khí hậu hiện là vấn đề nghiêm trọng mà Việt Nam phải đối mặt, trong đó ngành Du lịch cũng như Liên minh Châu Âu đều đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó và giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Dự án EU-ESRT do Liên minh châu Âu tài trợ, thông qua hỗ trợ kỹ thuật, đã giúp nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cũng như tác động của nó đối với ngành Du lịch. Nhận thức được nói đến không chỉ đối với các vấn đề liên quan tới môi trường, mà còn là yêu cầu đối với trách nhiệm quản lý điểm đến của Chính phủ và ngành Du lịch, để giảm thiểu tác động tiêu cực và nâng cao yếu tố tích cực.
Thay mặt nhóm chuyên gia Dự án EU-ESRT, Giáo sư Peter Burns đã trình bày về thực trạng công tác ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Ở góc độ ngành Du lịch, các Sở Du lịch/VHTTDL cấp tỉnh/thành đã có nhận thức về nguy cơ của biến đổi khí hậu, nhưng thiếu kiến thức chuyên môn về thích ứng và giảm thiểu. Các biện pháp thích ứng thường dựa trên ứng phó của từng doanh nghiệp, ví dụ một khu nghỉ dưỡng cố gắng làm những việc trong khả năng của mình, thay vì những nỗ lực hợp tác được điều phối trong một kế hoạch tổng thể chung.
Về phương diện khoa học, các đơn vị chịu trách nhiệm về các hoạt động ứng phó biến đối khí hậu ở cấp tỉnh/thành có kiến thức khoa học rất tốt nhưng không nhận thức được những vấn đề khó khăn cụ thể, riêng biệt đối với ngành Du lịch. Do đó, chuyên gia Peter Burns nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc trao đổi thông tin hiệu quả giữa các cơ quan chính phủ để những người làm Du lịch hiểu rõ về biến đổi khí hậu, trong khi đó những người làm khoa học hiểu biết thêm về ngành Du lịch.
Với vai trò phối hợp các đối tác trong Chính phủ, ngành Du lịch cần định ra các chính sách mới, quyết liệt, nhất quán và triển khai thực hành kinh doanh “Xanh” gắn du lịch với các hành động bảo vệ môi trường và khí hậu. Việc đối thoại chính sách và học hỏi giữa các bên liên quan cũng cần được thực hiện song song với việc phối hợp các chương trình nghiên cứu và phát triển để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong ngành Du lịch. Ngoài ra, cần tăng cường truyền thông nhằm tác động tới thái độ và mong đợi của người tiêu dùng (khách du lịch) về thực hành bảo vệ môi trường khi đi du lịch.
Từ tháng 4/2016, các chuyên gia Dự án EU-ESRT đã xây dựng tài liệu “Hướng dẫn thực hành tốt về phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại Việt Nam”. Hội nghị lần này chính là cơ hội để thu nhận những phản hồi, đóng góp ý kiến từ các đối tác trong và ngoài ngành Du lịch, từ đó giúp hoàn thiện tài liệu. Các đại biểu đã chia làm ba nhóm để thảo luận về phương cách thích ứng, giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu cũng như truyền thông về chủ đề này, trong đó mỗi hoạt động tương ứng với nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp và các cộng đồng dân cư địa phương.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (thuộc Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch) và Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực du lịch và biến đổi khí hậu. Mục tiêu của việc hợp tác là nhằm thiết lập cơ sở cùng phối hợp hành động giữa lĩnh vực du lịch và biến đổi khí hậu vì mục đích phát triển bền vững ngành Du lịch và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Các nội dung hợp tác chính bao gồm: trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ và hợp tác trong việc lồng nghép biến đổi khí hậu vào trong chiến lược phát triển ngành Du lịch; cập nhật và thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện các chương trình, dự án có liên quan đến biến đổi khí hậu và các hoạt động nâng cao năng lực và truyền thông nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cho các đối tượng liên quan trong ngành Du lịch./.
Ý kiến ()