Hướng tới đàm phán Hiệp định thương mại song phương ASEAN-Canada
Các Bộ trưởng hoan nghênh sự gia tăng giá trị giao dịch thương mại song phương giữa hai bên, đạt 17,1 nghìn tỷ USD, FDI từ Canada vào ASEAN đạt 3,2 nghìn tỷ USD trong năm 2019.
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 và các hội nghị có liên quan (AEM-52), sáng 29/8, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã có buổi tham vấn trực tuyến với các đối tác ngoại khối, bao gồm Canada.
Buổi tham vấn do Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bà Mary Ng, Bộ trưởng Bộ các Doanh nghiệp nhỏ, Xúc tiến thương mại và Thương mại Quốc tế của Canada đồng chủ trì.
Tại buổi tham vấn, các Bộ trưởng hoan nghênh sự gia tăng giá trị giao dịch thương mại song phương giữa hai bên, đạt 17,1 nghìn tỷ USD, FDI từ Canada vào ASEAN đạt 3,2 nghìn tỷ USD trong năm 2019.
Các con số cụ thể này đã đưa Canada trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 và đối tác đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 trong số các đối tác ngoại khối của ASEAN.
[Đối thoại ASEAN-Canada lần thứ 17 theo hình thức trực tuyến]
Cùng với đó, các Bộ trưởng ghi nhận những tiến triển tích cực trong việc triển khai Kế hoạch trong khuôn khổ Tuyên bố chung giữa ASEAN và Canada về thương mại và đầu tư, giai đoạn 2016-2020, đồng thời thông qua kế hoạch cho giai đoạn 2021-2025, với nhiều cam kết sâu, rộng của cả hai bên.
Ngoài ra, các Bộ trưởng cũng ghi nhận các kết quả chính của “Đối thoại chính sách thương mại lần thứ tư giữa ASEAN và Canada,” được tổ chức từ ngày 8 -12 tháng 6 năm 2020, tập trung vào bốn lĩnh vực chính.
Cụ thể gồm mua sắm chính phủ, lao động, môi trường và doanh nghiệp nhà nước. Các Bộ trưởng cũng ghi nhận những nỗ lực của hai bên trong việc hướng tới đàm phán Hiệp định thương mại song phương giữa ASEAN và Canada trong thời gian tới.
Theo đó, các Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho các quan chức tham gia đàm phán cần xây dựng văn bản nhằm xác định mục tiêu, tham vọng của FTA giữa hai bên và trình các Bộ trưởng trong thời gian sớm nhất để xem xét, phê duyệt.
Mặt khác, các Bộ trưởng cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với đại dịch COVID-19 và sự tác động tiêu cực của đại dịch tới cuộc sống của người dân và sự phát triển kinh tế trong khu vực và trên toàn cầu, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ, vừa và kinh tế hộ.
Các Bộ trưởng cam kết sẽ tiếp tục mở cửa thị trường, thúc đẩy đầu tư nhằm khuyến khích sự lưu chuyển của hàng hóa và dịch vụ thiết yếu.
Các Bộ trưởng cũng nhất trí sẽ không áp dụng các biện pháp bảo hộ, bao gồm cả các biện pháp phi thuế có ảnh hưởng tiêu cực tới luồng chu chuyển của các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trong thời gian tới để chung tay chống lại đại dịch COVID-19.
Ý kiến ()