Hướng tới Đại hội Thi đua CNVC-LĐ toàn quốc lần thứ VIII: "Ông chánh" nông dân
Chúng tôi đến Lạng Sơn vào những ngày đỉnh điểm của đợt nóng gay gắt nhất từ đầu mùa. Giữa không khí ngột ngạt như thiêu như đốt, anh Hoàng Văn Bát – người dân tộc Tày, Chánh Thanh tra Chi cục Bảo vệ thực vật Lạng Sơn – vẫn miệt mài làm việc trong gian phòng nhỏ với chiếc quạt trần cũ. Chúng tôi đến gặp anh không phải vì công việc thanh tra bảo vệ thực vật, mà vì những sáng kiến mang tính thực tiễn cao, phù hợp với khả năng tài chính của nhà nông. Anh Bát là người được LĐLĐ Lạng Sơn chọn đi dự hội nghị điển hình tiên tiến cấp Tổng LĐLĐVN.
Sáng kiến từ sự “lười biếng”…
Khi giới thiệu về kỹ sư nông nghiệp Hoàng Văn Bát, ông Lô Tiến Sơn – Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ Lạng Sơn – không giấu sự tự hào, vì theo ông đã nhiều năm rồi Lạng Sơn mới chọn được một người để Tổng LĐLĐVN tặng bằng “Lao động sáng tạo” nhân dịp tuyên dương điển hình tiên tiến trong CNVC – LĐ toàn tỉnh.
Ngay khi được hỏi về những sáng kiến của mình, anh Bát đã thật thà bật mí về xuất phát điểm của chúng. Đầu tiên là dụng cụ tẽ ngô quy mô gia đình. Vào một buổi trưa năm 2003, vợ anh Bát giao cho anh vừa trông con, vừa tẽ một chậu ngô lớn. Anh Bát nằm trên võng, hai tay quặt sau lưng phía dưới võng… tẽ ngô. Những tưởng công việc đơn giản, nhưng mới tẽ được vài bắp ngô, hai ngón tay cái của anh đã phồng rộp. Anh nghĩ thương vợ và cả những người hàng xóm ở huyện Văn Quan đầu tắt mặt tối trồng được ruộng ngô, lại phải bỏ công tẽ hạt.
Anh Bát mày mò làm một chiếc khung bằng sắt, rồi mua bánh xe đạp của trẻ con về “biến” thành chiếc máy tẽ ngô. Máy tuy thô sơ, nhưng đã tránh cho vợ anh bị đau tay mỗi khi làm công việc này.
Đến năm 2005, anh Bát “nâng đời” cho chiếc máy tẽ ngô. Bánh xe đạp trẻ con được thay thế bằng lốp xe máy, gắn môtơ chạy tải thay cho việc quay bằng tay. Dụng cụ tẽ ngô quy mô gia đình của anh Bát có năng suất được trên 100kg ngô hạt/giờ, lại phù hợp với quy mô gia đình, gọn nhẹ, dễ di chuyển, cấu tạo đơn giản, dễ làm, nguyên vật liệu tận dụng rẻ tiền hoặc không mất tiền, dễ tìm, giá thành phù hợp khả năng tài chính của gia đình nông thôn.
Hơn thế, dụng cụ tẽ ngô do anh Bát làm ra khắc phục được rất nhiều nhược điểm của máy tẽ ngô đang bán trên thị trường. Với những vòng dây caosu quấn quanh lốp xe tạo độ êm khiến hạt ngô còn nguyên vẹn, tránh được tình trạng nấm mốc trong quá trình bảo quản. Bắp ngô trước khi đưa vào tẽ không phải phơi khô, tẽ xong cùi ngô không bị gãy nát, có thể tận dụng làm nguyên liệu đun nấu rất tốt. Người nông dân có thể tranh thủ ngày nắng thu bắp về đến đâu tẽ hạt đến đó, giảm bớt được công đoạn phơi bắp trước khi tẽ.
… và bảo vệ người hái hoa hồi
|
“Ông” chánh thanh tra đang miêu tả dụng cụ hái hoa hồi có hình phễu. Ảnh: Thu Trà |
Anh Bát tâm sự với chúng tôi, chỉ cần xa vùng đất Văn Quan trong thời gian ngắn anh cũng nhớ quay quắt. Không phải vì nơi ấy là quê hương, nơi có vợ và các con anh, mà còn vì những cánh rừng hồi thơm ngát. Nhưng anh cũng đau lòng bởi trong xóm làng có những người phải bỏ mạng hoặc một phần thân thể mỗi mùa thu hoạch hoa hồi.
Bản thân anh Bát vào những ngày nghỉ, trèo hái hoa hồi cũng phải đối mặt với nguy hiểm bởi độ cao, xa của những cành hồi có hoa. Bởi vậy, anh nảy sinh ý tưởng làm sao để người trèo hái hoa hồi không phải đeo nặng trên cây, không phải với ra các cành bé, hoa xa để giảm thiểu rủi ro. Nhưng anh cũng biết nếu có làm ra dụng cụ thu hái hoa hồi thì phải chọn sao cho tiện tích, đơn giản, dễ làm, nông dân ai cũng có thể tự làm được.
Vận dụng kiến thức cơ khí có được, anh Hoàng Văn Bát làm thí điểm dụng cụ thu hái hoa hồi gồm một phễu có răng cưa nối với cán hình ống, phía dưới là túi vải. Khi sử dụng, người hái hoa hồi chỉ việc đưa phễu đến chỗ có hoa, vặn nhẹ, hoa sẽ rơi vào phễu, theo ống đi thẳng xuống túi.
Các công đoạn này đảm bảo sự an toàn, không phải leo đến những cành cao, đồng thời hái đến đâu gọn đến đó, không mất thời gian nhặt gốc như phương pháp hái cổ truyền. Cấu tạo răng cưa của phễu khiến hoa dễ gãy tạo thuận lợi cho việc hái, nhưng không làm tổn thương đến lá. Dụng cụ thu hái hoa hồi của anh Bát đơn giản đến mức bất kỳ ai trong bà con nông dân cũng có thể làm theo và sử dụng một cách hiệu quả mỗi khi tới vụ hái hoa hồi.
“Tôi làm vì người nông dân”
Người đàn ông dân tộc Tày có vóc người nhỏ bé ấy luôn tâm niệm: “Tôi là cán bộ công chức, nhưng vào những ngày nghỉ vẫn là một người nông dân thực thụ”. Hằng tuần, sau công việc của một chánh thanh tra về bảo vệ thực vật, chịu trách nhiệm kiểm tra việc kinh doanh buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, anh Hoàng Văn Bát lại trở về ngôi nhà ấm áp với những công việc thường nhật của nhà nông.
Từ thực tế trực tiếp tham gia công việc nhà nông, anh Bát đã thấy sự vất vả, năng suất thấp lại tiềm ẩn tai nạn của người nông dân trong phương pháp lao động cổ truyền. Đó chính là nguyên do anh quyết tâm cải tiến kỹ thuật, tạo ra những dụng cụ rất thực tế, dễ làm, khắc phục được những khuyết điểm những dụng cụ có trước. Đặc biệt, dụng cụ tẽ ngô và dụng cụ thu hái hoa hồi của anh Bát được đánh giá cao còn vì phù hợp với quy mô gia đình, vật liệu và giá thành hợp với khả năng tài chính của nhà nông ở nông thôn.
Điều khiến người ta khâm phục ở anh Bát là dù bận rộn công việc chuyên môn của một chánh thanh tra, anh vẫn nghĩ tới lợi ích của người nông dân để tìm tòi sáng tạo, giúp họ khắc phục khó khăn. Không dừng ở đó, anh Bát còn là một uỷ viên Ban chấp hành Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lạng Sơn, là báo cáo viên pháp luật của tỉnh. Trong vai trò báo cáo viên pháp luật, anh Bát đã tuyên truyền, triển khai đầy đủ, kịp thời văn bản quy phạm pháp luật trong cơ quan và đối với các đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật về bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh Bát rất khiêm tốn, ít nhắc đến những danh hiệu mà anh liên tục đạt được trong các năm từ 2005 đến nay. Hết chuyện tổ chức cho các hộ nông dân ký kết không buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bị cấm, thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng, đến chuyện sức khoẻ tốt vẫn đi vài chục cây số từ nhà đến cơ quan bằng xe máy, anh Bát lại trở lại với những băn khoăn.
Điều anh lo lắng nhất trong thời điểm này là sự nguy hại của thuốc trừ sâu đối với người sử dụng. Anh bảo đã từng chứng kiến những ca ngộ độc do thuốc trừ sâu rơi vào cơ thể khi người ta đang phun thuốc. Mong muốn và cả quyết tâm của “ông” chánh thanh tra là làm ra dụng cụ phun thuốc trừ sâu chạy bằng ắcquy để khắc phục nước thuốc chảy ra trong quá trình bơm thuốc.
***
Hai sản phẩm dụng cụ tẽ ngô quy mô gia đình và dụng cụ thu hái hoa hồi của anh Hoàng Văn Bát đã dự thi Hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh Lạng Sơn và đoạt giải khuyến khích, giải nhì. Nhiều gia đình ở Văn Quan cũng đã học hỏi, làm theo mô hình của dụng cụ. Tuy nhiên, dù rất muốn, nhưng tác giả của các sản phẩm hữu dụng đối với người nông dân này không thể có đủ kinh phí sản xuất nhiều sản phẩm đưa ra thị trường, phổ biến, ứng dụng rộng rãi trong nông dân tỉnh nhà.
Qua chúng tôi, anh Bát cũng muốn gửi gắm một mong muốn khác thật chân thành. Đó là Nhà nước cần có cơ chế chính sách đào tạo kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho người nông dân, ưu tiên tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ tiếp cận KHKT tiên tiến và chú trọng khuyến khích sáng tạo của người nông dân lao động, bởi chính từ họ “cái khó sẽ ló cái khôn”.
Ý kiến ()