Thứ 7, 23/11/2024 15:51 [(GMT +7)]
Hướng tiếp cận mới trong công tác bổ túc trung học phổ thông
Thứ 6, 02/12/2011 | 10:05:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Nói về 2 lớp học bổ túc THPT mà Trung tâm GDTX Lộc Bình mở tại xã, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Hữu Lân nói rằng “Đây là “cơ hội cuối cùng” để thanh niên có cơ hội học lên và cũng là cơ hội để địa phương nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”.
Vì vậy, khi các giáo viên của trung tâm vào điều tra, cấp ủy, chính quyền địa phương đã rất nhiệt tình giúp đỡ, đồng thời chỉ đạo toàn hệ thống chính trị làm công tác tuyên truyền để có thể huy động cao nhất số thanh niên đã tốt nghiệp THCS trong độ tuổi 15-19 ra lớp.
Giờ lên lớp bổ túc THPT tại xã Hữu Lân, huyện Lộc Bình |
Đến nay, 2 lớp này đã duy trì khá ổn định với 79 học viên. Thăm 2 lớp học, chúng tôi ghi nhận sự mừng vui của các em học sinh khi có cơ hội học lên cấp THPT. Em Ma Văn Đình (là cán bộ văn phòng Đảng ủy xã) nói rằng, dù rất thiết tha với việc học tập, song do hoàn cảnh gia đình nên đành bỏ lỡ. Nay có lớp mở tại xã, dù bận nhiều công việc của văn phòng, song em cũng cố gắng theo học. Vì nếu không như vậy, sẽ không đáp ứng được tiêu chí về học vấn để làm việc trong văn phòng cấp ủy. Còn cháu Hoàng Thị Dương, ở thôn Nà Tấng tâm sự “Là thanh niên, cháu rất thích đi học để nâng cao trình độ. Sau khi tốt nghiệp THCS, cháu đã thi vào trường THPT ngoài thị trấn, song không đỗ, ở nhà luôn có tâm trạng buồn chán. Được tin có lớp bổ túc mở tại xã, cháu đã xin bố mẹ cho tiếp tục đi học. Thương con gái, bố mẹ cháu đã đồng ý. Khó khăn sẽ còn nhiều, song cháu sẽ quyết tâm theo học đến cùng”.
Cô giáo Nông Thị Thu, Phó Hiệu trưởng Trường THCS xã Hữu Lân cho biết, là một xã vùng cao, vùng ĐBKK, song con em các dân tộc địa phương có tinh thần hiếu học, sức học của các em cũng không đến nỗi nào. Xã đã hoàn thành và giữ vững thành tựu phổ cập tiểu học- chống mù chữ, phổ cập THCS và phổ cập tiểu học đúng độ tuổi. Hằng năm, tỷ lệ thu hút học sinh vào lớp 6 đạt 100%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS luôn ở mức trên 95%. Hết cấp THCS, rất nhiều em dự thi vào các trường THPT huyện, song tỷ lệ đạt điểm tuyển còn ở mức độ khiêm tốn. Mặt khác, do đường sá xa xôi, đa số là hộ nghèo, nên nhiều cháu thi đỗ nhưng lại bỏ. Nay có lớp bổ túc mở tại xã- nếu duy trì tốt và hiệu quả sẽ tạo “cú hích” trong việc duy trì vững chắc các thành tựu của các cấp học thấp hơn.
Đồng chí Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Lộc Bình cho chúng tôi biết, là huyện có diện tích rộng, dân số đông, mặc dù đến nay đã có 3 trường THPT, song số thanh niên trong độ tuổi chưa có bằng tốt nghiệp THPT còn rất lớn. Trong nhiều năm qua, số học viên của Trung tâm luôn cao nhất tỉnh; riêng năm học 2011-2012 này đã là 14 lớp với 632 học viên. Thực hiện chủ trương của ngành, trung tâm đã tiến hành điều tra và mở được 4 lớp: 2 lớp ở Hữu Lân với 79 học viên và 2 lớp ở Minh Phát với 86 học viên. Tuy được ngành bổ sung đáng kể đội ngũ giáo viên mới, song giáo viên trung tâm vẫn trong tình trạng mất cân đối nghiêm trọng; vì vậy, dù đường xa, đi lại khó khăn, nhưng hàng ngày các thầy cô giáo ngoài trung tâm vẫn vào dạy học theo đúng thời khóa biểu, đảm bảo chất lượng. Do không được hưởng bất cứ chế độ gì thêm, song trung tâm vẫn hỗ trợ cho các thầy cô giáo mỗi người 100 ngàn đồng/ tháng tiền xăng xe.
Còn đồng chí Bí thư Đoàn trung tâm nói rằng, khi vào học, Đoàn trường quan tâm theo dõi và phát triển đoàn viên, và như vậy, đoàn xã sẽ được “hưởng lợi” trong công tác phát triển đoàn, cùng cố xây dựng cơ sở đoàn sau này.
Với sự tăng trưởng mạnh về quy mô cấp THPT và sự ra đời của các trường THPT khu vực, ngành GD đã thu hút trên 83% số học sinh tốt nghiệp THCS vào học. Song vẫn chưa thỏa mãn được nhu cầu học lên của thanh niên trong độ tuổi. Tuy vậy, số lượng đầu vào của các trung tâm GDTX lại rất thấp, từ năm học 2009 đến nay, số lượng học sinh đầu cấp của các Trung tâm GDTX cứ giảm dần, số lớp 10 cứ “teo” lại. Nguyên nhân chủ yếu là do khoảng cách đi lại quá xa giữa các xã và trung tâm huyện. Mở lớp tại xã và cụm xã là chủ trương rất đúng và rất khả thi của loại hình GDTX. Với chủ trương này, các trung tâm GDTX trong toàn tỉnh đã huy động số lượng lớn CBGV đi điều tra và dự kiến mở lớp. Đến nay, toàn tỉnh đã có 59 lớp bổ túc, thu hút trên 2.200 học viên trong độ tuổi 15-19 vào học. Để tháo gỡ khó khăn cho các trung tâm, ngành đã bổ sung trên 200 giáo viên mới để đảm nhiệm công việc quan trọng này.
Giống như những năm ngành mở lớp xóa mù chữ, những lớp học này cũng khá linh hoạt về thời gian do học nhờ các trường THCS như các lớp học tại Tân Mỹ, Hoàng Văn Thụ, Hội Hoan (Văn Lãng) học vào thứ 7, chủ nhật; các lớp ở các cụm xã của Lộc Bình lại học vào các ngày trong tuần (trừ thứ năm).
Có thể khẳng định rằng, việc mở các lớp bổ túc THPT tại xã và cụm xã là phù hợp với điều kiện thực tế của Lạng Sơn và ngành GD hoàn toàn có thể làm được. Tuy vậy, cũng không tránh khỏi những khó khăn. Trước hết là nhu cầu học và khả năng duy trì. Nhiều khi số điều tra là rất lớn, song không thể mở vì người dân không có nhu cầu như ở xã Tú Mịch có 114 đối tượng trong độ tuổi, song không có người đăng ký học. Việc duy trì cũng rất khó khăn, ngay như 2 lớp ở Hữu Lân, khi mở lớp có trên 100 học viên, nhưng sau 3 tháng thực học, nay chỉ còn 79 học viên.
Để các lớp được duy trì, ngành cần tham mưu cho UBND tỉnh có chế độ, khuyến khích đối với người học, người dạy. Các trung tâm cũng cần định rõ thời gian học một cách linh hoạt, vì đối tượng người học nhiều khi lại là những lao động trụ cột trong các gia đình; sức ép về kinh tế, thu nhập, đời sống tiềm ẩn nguy cơ giảm số học viên tại các lớp này.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()