LSO-Vào đầu thập niên 90, ông Đặng Nhật Minh, thôn Khuổi Cay, xã Vạn Thủy, huyện Bắc Sơn đã cất công sang tận huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái - vùng đất được coi là “vương quốc của cây quế” để mang những hạt quế đầu tiên về gieo trên đất Vạn Thủy. Từ những hạt mầm khởi tạo ấy, Vạn Thủy giờ đã bạt ngàn màu xanh của quế với những cánh rừng trị giá tiền tỉ... Ông Đặng Nhật Minh, người mang cây quế về đất Vạn ThủyCổ tích bắt đầu từ một tờ báo ĐảngCon đường bê tông dài 6 cây số khánh thành năm 2010 đã khiến cái tên Vạn Thủy không còn diệu vợi cách trở, xa ngái đường rừng như ngày nào. Những năm trước, 6 cây số đường đất bé tẹo, quanh co, lầy lội đã cô lập và biến Vạn Thủy thành một “ốc đảo trên đất liền” của huyện Bắc Sơn. Trong nhiều năm, con đường đất như một nhát dao sắc chia cắt Vạn Thủy với những nguồn lực phát triển, nhát dao ấy chỉ để cái nghèo đeo đẳng ở lại và Vạn Thủy luôn là cái tên “đứng...
LSO-Vào đầu thập niên 90, ông Đặng Nhật Minh, thôn Khuổi Cay, xã Vạn Thủy, huyện Bắc Sơn đã cất công sang tận huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái – vùng đất được coi là “vương quốc của cây quế” để mang những hạt quế đầu tiên về gieo trên đất Vạn Thủy. Từ những hạt mầm khởi tạo ấy, Vạn Thủy giờ đã bạt ngàn màu xanh của quế với những cánh rừng trị giá tiền tỉ…
Ông Đặng Nhật Minh, người mang cây quế về đất Vạn Thủy
Cổ tích bắt đầu từ một tờ báo Đảng
Con đường bê tông dài 6 cây số khánh thành năm 2010 đã khiến cái tên Vạn Thủy không còn diệu vợi cách trở, xa ngái đường rừng như ngày nào. Những năm trước, 6 cây số đường đất bé tẹo, quanh co, lầy lội đã cô lập và biến Vạn Thủy thành một “ốc đảo trên đất liền” của huyện Bắc Sơn. Trong nhiều năm, con đường đất như một nhát dao sắc chia cắt Vạn Thủy với những nguồn lực phát triển, nhát dao ấy chỉ để cái nghèo đeo đẳng ở lại và Vạn Thủy luôn là cái tên “đứng đầu bảng” trong danh sách các xã khó khăn của huyện Bắc Sơn. Giờ đường vào Vạn Thủy đẹp đến thảnh thơi như đi dạo, xe tải loại lớn của thương nhân vào đến trung tâm xã mua quế chỉ mất độ mươi phút.
Trong ngôi nhà gỗ mới dựng trị giá trên 100 triệu đồng tiền thu từ vụ quế năm 2011, trong ngai ngái hương quế cay nồng, ông Đặng Nhật Minh, người được coi là “ông tổ nghề quế” ở Vạn Thủy kể lại: vào khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, qua đọc Báo Đảng, tôi được biết tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, người dân ở đây trồng rất nhiều quế và đặc biệt là chỉ cần bán vài cây to là có thể xây được phòng học cho con em trong bản nên tôi đã tìm đường sang tận đấy học hỏi cách thức trồng, chăm bón và mua hạt quế về vận động bà con trong thôn Khuổi Cay cùng ươm trồng. Hồi ấy, nhiều người còn dè dặt không tin bởi quế là cây trồng quá xa lạ với người dân Vạn Thủy, hơn nữa bà con khi ấy chủ yếu là khai thác rừng lấy gỗ, làm nương rẫy chứ khái niệm trồng rừng, giữ rừng thì còn mơ hồ lắm. Giờ thì khác rồi, cây quế hợp đất Vạn Thủy đến lạ, sống khỏe, ít sâu bệnh, không kén công chăm sóc, giá thu mua khá ổn định, những cánh rừng quế ở Khuổi Cay đã mang giá trị tiền tỉ. Sau mỗi vụ quế, những hộ thu về vài trăm triệu là chuyện thường, tất cả những ngôi nhà sàn mới dựng như nhà tôi đều từ quế ra cả đấy. Thấy được cái lợi từ cây quế, bà con giờ gieo trồng mạnh lắm, đặc biệt là từ vụ thu hoạch 2 năm gần đây. Tôi cũng không bao giờ ngờ được rằng thông tin từ tờ báo Đảng năm nào, chuyến đi Yên Bái khó nhọc ngày ấy lại mang nhiều giá trị đến thế. Cây quế đến với người Vạn Thủy đúng là loại cây bước ra từ chuyện cổ tích.
Cây quế được ươm tại thôn Khuổi Cay
1 thôn thu 6 tỉ
Dẫn tôi đi giữa rừng quế bạt ngàn, anh Đặng Trung Thành, Trưởng thôn Khuổi Cay tâm sự rằng chuyện cây quế ở Vạn Thủy thực sự là một câu chuyện cổ tích trên vùng đất khó. Những hạt mầm do bố anh – ông Đặng Nhật Minh mang về từ tận Yên Bái năm nào giờ đã trở thành những cánh rừng quế xanh ngút ngát hàng trăm ha. Chỉ tính riêng năm 2011, toàn thôn Khuổi Cay đã xuất bán 60 tấn vỏ quế tươi, tính trung bình 1kg vỏ quế có giá từ 10 đến 12 ngàn đồng thì riêng tiền thu từ quế đã mang lại cho bà con trong thôn trị giá trên…6 tỷ đồng, đó là còn chưa kể đến việc bán thân cây quế sau thu vỏ. Nghe đến con số ấy, tôi cứ phải tính đi tính lại mãi, sợ anh Thành nhầm, bởi 6 tỉ là con số gần gấp đôi số thu ngân sách hàng năm của cả một huyện như Văn Quan. Anh Thành cười: Không nhầm đâu, tôi không hiểu số thu ngân sách lớn nhỏ thế nào, nhưng nếu mang 6 tỉ ấy mà đi mua trâu thì cũng độ cỡ… 600 con. Thừa đủ để mở nông trường chăn nuôi gia súc ấy chứ!
Tiền tỉ không bán rừng
Năm 2011, tư thương vào tận nơi đề nghị mua đứt hơn 10 ha rừng, khoảng 12 nghìn cây quế của anh Thành với giá 1 tỉ đồng, giao tiền luôn, trả lại đất rừng sau 2 tháng khai thác, nhưng anh từ chối. Là trưởng thôn, anh Thành luôn phản đối cái cách mua đứt, bán trắng ấy, anh luôn vận động bà con chỉ bán tỉa để giữ rừng và nuôi dưỡng nguồn lợi lâu dài từ rừng. Anh tâm sự: mình chỉ khai thác bán đủ để đáp ứng các nhu cầu của gia đình thôi, dành cây quế lại để sau này các cháu còn đi học chứ. Cầm 1 tỉ, xây căn nhà sàn mất mấy trăm triệu, mua sắm, tiêu pha nhì nhằng chả mấy mà hết. Cây quế thu hoạch sớm cũng mất từ 7 đến 10 năm, ai biết tiền tỉ có giữ được ngần ấy năm không. Nghe anh Thành nói, tôi hiểu không phải người trồng rừng nào cũng có được cách nghĩ ấy, nhớ lần vào xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình – mảnh đất của những rừng thông cũng mang giá trị tiền tỉ, tôi đã chứng kiến một “khoảng lặng” kéo dài hàng chục năm của người dân trong khi “chờ” cây thông đủ lớn để cho thu hoạch. Ngày ấy, rừng thông Nhượng Bạn cũng thu về hàng chục tỉ đồng một vụ, nhưng sau ngày ấy, Nhượng Bạn mất cả chục năm để những rừng thông lấy lại màu xanh…
Sau vụ thu hoạch rộ năm 2011, rừng quế ở Vạn Thủy vẫn giữ được màu xanh. Từ đầu năm tới nay, riêng 13 hộ ở thôn Khuổi Cay đã trồng mới được trên 70 nghìn cây quế. Từ Vạn Thủy, cây quế đang dần phủ khắp các cánh rừng của Bắc Sơn, Bình Gia…riêng ở Khuổi Cay, người ta đã không gọi là “trồng quế” nữa mà gọi là “làm quế”. Trồng rừng ở Khuổi Cay đang manh nha trở thành một dạng “sản xuất công nghiệp” mang tầm nhìn lâu dài.
Anh Thành bên rừng quế của gia đình
Cứ mỗi năm 1 lần, anh Thành lại đi theo con đường mà bố anh đã đi năm nào để đến huyện Văn Yên, Yên Bái mua hạt quế về ươm, làm dịch vụ bán cây giống phục vụ bà con. Ở Khuổi Cay đã có những “cây quế tổ” gần 30 năm tuổi, cho hạt đều đặn. “Ông tổ nghề quế” Đặng Nhật Minh giờ đã ngoài 80, vẫn minh tuệ và rất đỗi kiệm lời khi nói về mình. Trước khi chia tay, ông tặng tôi 2 cây quế giống, dặn về trồng ở vườn nhà để nhớ đến mảnh đất này. Rời Vạn Thủy, hương quế cay nồng cứ đượm mãi trong tôi như mùi hương tỏa ra từ đâu đó những câu chuyện cổ tích ngày xưa…
Trúc Lam
Ý kiến ()