Hương quế Cao Minh
LSO- Nhờ phát huy thế mạnh đồi rừng, trong đó tập trung chủ yếu cây quế đã giúp đời sống của người dân xã Cao Minh, huyện Tràng Định có những đổi thay rõ rệt.
Cao Minh là xã vùng cao đặc biệt khó khăn với 210 hộ dân sinh sống, trong đó, gần 65% số hộ là người dân tộc Mông. Từ nhiều năm nay, đời sống của người dân trong xã phụ thuộc vào sản xuất nông-lâm nghiệp. Tuy nhiên do địa hình chia cắt, tổng diện tích đất trồng lúa ít, cả 2 vụ chỉ khoảng trên 70 ha, nên phát triển đồi rừng trở thành mũi nhọn, trong đó hiệu quả rõ rệt nhất phải kể đến cây quế.
Ông Nông Văn Thông, người dân thôn Khuổi Lài cho biết: Năm 1995, sau khi tìm hiểu một số mô hình trồng quế ở xã Đoàn Kết, gia đình tôi bắt đầu cải tạo đất đồi và trồng 1.000 cây quế. Do hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên cây quế phát triển khá ổn định. Những năm tiếp theo, mỗi năm, gia đình trồng thêm một ít và đến nay, diện tích quế của gia đình lên tới 6,6 ha, trong đó, diện tích quế chuẩn bị cho thu hoạch vào khoảng hơn 1 ha. Năm ít cũng được 20-30 triệu đồng, năm nhiều thu nhập trên 50 triệu đồng.
Những cánh rừng quế bạt ngàn tại Cao Minh
Dự kiến nếu toàn bộ 6,6 ha quế của gia đình ông được thu hoạch hết thì việc thu về vài trăm triệu đồng là không khó. Nhờ thu nhập từ cây quế, kinh tế gia đình ông từng bước ổn định, năm 2015, gia đình ông đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố, rộng rãi trị giá trên 300 triệu đồng. Không những vậy, ông còn được nhận giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thi đua sản xuất kinh doanh.
Tương tự như gia đình ông Thông, nhờ tập trung phát triển cây quế đã giúp kinh tế của nhiều hộ dân khác xã Cao Minh có những chuyển biến quan trọng. Cây quế phát triển tốt, cứ trên 10 năm được thu hoạch, mỗi năm thu hoạch từ 2-3 đợt và sản phẩm có đến đâu được tư thương thu mua hết đến đấy. Thậm chí người trồng quế không phải mất công thu hoạch bởi thương lái mua gom luôn cả đồi quế rồi tự tổ chức khai thác. Hiện xã có khoảng trên 50 hộ có thu nhập từ quế, trung bình từ 30 – 50 triệu đồng/năm. Một số thôn người dân có thu nhập ổn định từ quế như Khuổi Nặp, Khuổi Vai, Khuổi Làm, Vằng Can…
Từ thành công ban đầu, giờ đây, cây quế đã trở thành cây trồng chủ lực ở Cao Minh và được nhiều hộ dân trong xã mở rộng diện tích. Trường hợp của gia đình ông Hồ Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Cao Minh là một ví dụ. Ông Hoàn cho biết: Thấy hiệu quả kinh tế trước mắt cũng như triển vọng phát triển cây quế nên năm 2014, gia đình tôi trồng 2.000 cây quế và năm nay, gia đình tôi cũng trồng mới 8.000 cây quế và từ nay đến cuối năm sẽ trồng thêm 1.000 cây nữa.
Nếu như một vài năm trước, mỗi năm, cả xã trồng được từ 20-30 ha thì đến năm 2015, cả xã trồng được 50 ha và dự kiến năm 2016, diện tích quế của cả xã có thể tăng thêm 60-70 ha nữa. Theo Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Hoàn, với lợi thế diện tích đất rừng còn rộng, giá cả và thị trường tiêu thụ sản phẩm từ cây quế ổn định như hiện nay thì diện tích cây quế trên địa bàn xã sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tiếp theo.
Để nâng cao giá trị cây quế, bên cạnh việc vận động nhân dân mở rộng diện tích, xã tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn trong việc tập huấn kỹ thuật cũng như tìm mối liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định cho người trồng quế. Có như vậy, người trồng quế mới có thể yên tâm phát triển mở rộng diện tích, nâng cao hiệu quả kinh tế, từ đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế trên địa bàn.
Bài, ảnh: ĐÌNH QUYẾT
Ý kiến ()