Hướng phát triển cây thạch đen thành cây trồng chủ lực
Người dân xã Đề Thám, huyện Tràng Định thu gom và sơ chế thạch đen |
Ông Triệu Minh Quân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Đến nay, tuy chưa có nghiên cứu xác định rõ nguồn gốc của cây thạch đen, nhưng theo những người cao tuổi trên địa bàn một số xã, cây thạch đen xuất hiện từ rất lâu trên địa bàn huyện, lúc đầu chỉ có rất ít hộ trồng với mục đích làm nguyên liệu, chế biến thành thạch để giải khát trong những ngày hè nóng nực, sau đó dần trở thành phong trào trồng thạch với diện tích rộng như hiện nay.
Thời điểm cây thạch đen phát triển mạnh nhất là từ năm 2000 đến nay, diện tích trồng hằng năm ổn định từ 1.000 đến 1.500 ha (riêng năm 2017 là trên 1.411 ha). Năng suất bình quân từ 5,8 tấn/ha, sản lượng từ 8.700 đến 12.000 tấn, giá bán trung bình tại huyện từ 10 đến 30 nghìn đồng/kg đã đem lại thu nhập khá lớn cho người dân, từ 87 tỷ đến 360 tỷ đồng/năm. Nếu so sánh với cây lúa, trồng thạch đen đem lại hiệu quả cao gấp 10 lần trồng lúa. Đến nay, toàn bộ các xã trên địa bàn huyện đều có diện tích trồng thạch đen, trong đó phát triển mạnh tại các xã: Kim Đồng, Tân Tiến, Cao Minh, Đoàn Kết, Vĩnh Tiến, Khánh Long, Bắc Ái, Chí Minh, Chi Lăng và một số xã phía Đông của huyện Tràng Định.
Ông Bế Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Tiến cho biết: Cùng với một số cây trồng chính như: quế, quýt, keo, bạch đàn… thì thạch là cây trồng chủ lực được Đảng ủy xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển, mỗi năm duy trì diện tích trồng từ 120 đến 200 ha, riêng năm 2017, diện tích trồng thạch là trên 253 ha, đạt 140% kế hoạch. Thu nhập từ cây thạch đen đã giúp cải thiện đời sống người dân, đến nay mặc dù còn khó khăn nhưng tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 27,81%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 17 triệu đồng/người/năm.
Một số hộ trồng nhiều thạch đen phải kể đến như hộ: Triệu Thị Luyến, xã Vĩnh Tiến, có diện tích trồng trên 11.000 m2; La Văn Hóa, La Văn Thâm, thôn Co Vài, xã Kim Đồng có diện tích trồng trên 10.000 m2; Chu Văn Cường, thôn Kéo Vèng, Nông Văn Ngọc, thôn Pàn Tào, xã Kim Đồng, có diện tích trồng trên 7.000 m2.
Đang làm cỏ, che rơm cho diện tích thạch của gia đình, bà Sầm Thị Bằng, thôn Nà Tả, xã Kim Đồng cho biết: Mỗi năm gia đình trồng từ 1 đến 2 sào thạch, thu nhập mỗi năm được khoảng 30 đến 40 triệu đồng, cùng với các cây trồng khác như quýt khoảng 1.000 cây, mỗi năm tổng thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Thạch trồng lên đất nương phơi khô có giá khoảng 26.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với thạch trồng đất ruộng. Do có đầu ra tương đối ổn định nên gia đình năm nào cũng trồng thạch để có thêm thu nhập.
“Sau hơn 2 năm triển khai xây dựng hồ sơ xin cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Tràng Định” cho cây thạch đen, ngày 3/8/2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã có quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho cây thạch đen của huyện Tràng Định. Huyện cũng đã thành lập Hội sản xuất và kinh doanh thạch đen, có chủ tịch và 21 thành viên, có 10 tổ chức cơ sở trực thuộc hội tại 10 xã với 400 hội viên”. Ông Triệu Minh Quân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết thêm.
Theo đồng chí Hướng Văn Độ, Bí thư Huyện ủy Tràng Định, nhãn hiệu tập thể “Tràng Định” cho cây thạch đen được cấp văn bằng bảo hộ đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển cây thạch đen. Thời gian tới, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện sẽ lãnh đạo, chỉ đạo các xã và bà con nhân dân để phát triển nhãn hiệu tập thể cho cây thạch đen, trong đó tiếp tục củng cố và phát triển tổ chức cơ sở Hội Sản xuất và kinh doanh thạch đen, vận động các hộ tham gia tổ chức hội. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại; mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo gìn giữ và phát huy uy tín của sản phẩm thạch đen đến với người tiêu dùng, qua đó góp phần giảm nghèo cho người dân trên địa bàn.
Ý kiến ()