Hướng nguồn vốn về nông nghiệp, nông thôn
LSO-Thời gian gần đây, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh quan tâm hơn đến thị trường nông nghiệp, nông thôn. Không chỉ đầu tư nguồn vốn vào các dự án lớn, hoạt động cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp cũng đang được đẩy mạnh, giúp người nông dân tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng tiện ích.
Khách hàng giao dịch tại Agribank Lạng Sơn |
Mở rộng thị trường
Từ năm 2013 đến nay, số ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã tăng từ 7 lên 12 chi nhánh. Điều này đồng nghĩa với tăng sự cạnh tranh, thị phần của mỗi ngân hàng sẽ bị chia nhỏ hơn. Để phát triển, các ngân hàng đã tăng cường các dịch vụ, mở rộng thị trường. Do vậy, dịch vụ bán lẻ đã nhanh chóng được các ngân hàng triển khai và đẩy mạnh khai thác thị trường nông nghiệp, nông thôn.
Nếu như trước đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) gần như độc quyền ở thị trường các huyện trong tỉnh, thì đến nay đã có sự tham gia của một số “ông lớn” khác như: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương (Vietinbank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương (Techcombank)…
Ông Hoàng Hữu Công, Giám đốc Vietinbank Lạng Sơn cho biết: Hiện tại, Vietinbank Lạng Sơn đã có phòng giao dịch ở các huyện: Lộc Bình, Cao Lộc, Chi Lăng, Văn Lãng và Hữu Lũng. Ngân hàng đã cho vay nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn của doanh nghiệp cũng như cá nhân. Ngoài ra, Vietinbank Lạng Sơn luôn sẵn sàng phục vụ khách hàng ở tất cả các huyện còn lại trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn, phân khúc thị trường nông nghiệp, nông thôn ngày càng rõ nét, gần như tất cả các ngân hàng thương mại trên địa bàn đều tham gia lĩnh vực này, có ngân hàng coi đó là thị trường chính. Để tăng cạnh tranh, các ngân hàng đã thực hiện các gói vay nhỏ, nhân viên sẵn sàng tiếp cận khách hàng để tư vấn. Tuy phân tán, mất nhiều công nhưng rủi ro thấp. Đây cũng chính là chiến lược phát triển kinh doanh bán lẻ, hướng đi đầy tiềm năng được các ngân hàng đã và đang đồng loạt triển khai.
Chú trọng bán lẻ
Thị phần nông thôn đã được các ngân hàng chú trọng không chỉ ở việc phát triển mạng lưới mà còn có giải pháp hướng đến phục vụ đối tượng khách hàng cá nhân, hộ cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua việc triển khai nhiều gói sản phẩm tín dụng tiêu dùng cá nhân, sản xuất, kinh doanh và cho vay theo các gói chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn.
Ông Trịnh Xuân Đoan, Giám đốc Agribank Lạng Sơn cho biết: Thực hiện những gói tín dụng nhỏ phục vụ người nông dân cũng chính là một hình thức bán lẻ lâu nay của Agribank Lạng Sơn. Đơn cử như việc ngân hàng đã cho vay gần 1.400 dự án trồng rừng, cây ăn quả được hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 39 của UBND tỉnh, mà khách hàng chủ yếu là hộ nông dân cá thể, với dư nợ tính đến hết tháng 8/2017 là trên 135 tỷ đồng.
Ở khu vực nông thôn, người dân bắt đầu có cơ hội tiếp cận các dịch vụ tiện ích ngân hàng. Hiện ngoài nhu cầu vay vốn, dịch vụ thẻ ATM, người dân nông thôn đã bắt đầu có nhu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán tiền điện, tiền internet. Cao hơn là dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại để thuận lợi giao dịch thanh toán, chuyển khoản… Do vậy, các ngân hàng đã phủ sóng các dịch vụ tiện ích đến vùng nông thôn. Điển hình là việc 6 ngân hàng thương mại trên địa bàn cùng ký kết hợp tác với Công ty Điện lực Lạng Sơn, một số ký kết với các công ty viễn thông về việc thanh toán cước phí dịch vụ.
Hoạt động cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh góp phần làm cho dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có bước tăng trưởng khá. Nếu như dư nợ cho vay lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh trong cả năm 2016 là hơn 8.000 tỷ đồng, thì chỉ từ đầu năm 2017 đến nay đã đạt 8.200 tỷ đồng.
ANH DŨNG
Ý kiến ()