Hướng nghiệp trước mùa thi
Tuy nhiên, ngay sau khi kết thúc thời gian nhận hồ sơ tuyển sinh từ các sở GD và ĐT (ngày 14-4), vấn đề hồ sơ 'ảo' và số thí sinh đổ xô đăng ký tập trung vào một số ngành 'hot'… vẫn xảy ra khá phổ biến. Giống như các năm trước, những ngành thi theo khối C, hoặc khối nông – lâm – ngư vẫn rất ít thí sinh. Tại Trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội có 702 học sinh khối 12 thì có tới 2.200 bộ hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng; trong số đó chỉ có ba bộ hồ sơ của hai thí sinh dự thi khối C. Tại điểm thu hồ sơ của Phòng GD và ĐT quận Hoàn Kiếm, có 250 hồ sơ thì không có bộ nào dành cho khối C; hơn 70% các em đăng ký thi khối A, tập trung vào các trường nhóm ngành kinh tế. Ở phía nam, sơ bộ ban đầu trong số hơn năm nghìn bộ hồ sơ nộp tại cơ quan đại diện của Bộ GD và ĐT tại TP Hồ Chí Minh thì phần lớn đều đăng ký dự thi vào các khối ngành kinh tế và kỹ thuật; rất ít hồ sơ chọn các khối thi ngành nông – lâm và các khối thi ngành xã hội nhân văn…
Để nâng cao chất lượng tuyển sinh, tránh lượng hồ sơ ảo quá nhiều, vừa gây nên áp lực và tâm lý thi cử nặng nề, vừa gây lãng phí, ngành GD và ĐT nói chung, các cơ sở giáo dục nói riêng cần định hướng học sinh cách chọn ngành nghề hợp lý, tạo sự phân luồng học sinh từ sớm. Giúp các thí sinh hiểu được việc trúng tuyển đại học là khởi đầu tốt đẹp, nếu không trúng tuyển thì cũng còn những cơ hội khác vì con đường lập nghiệp, con đường tới thành công của mỗi bạn trẻ là khác nhau, và học đại học không phải là con đường duy nhất. Nếu không đủ năng lực, hoc sinh có thể học trung cấp hay cao đẳng, hoặc học các trường nghề.
Vì sao sự lựa chọn ngành nghề đăng ký dự thi của thí sinh tập trung vào một số khối ngành được coi là 'hot', ngoài nguyên nhân dễ xin việc thì còn do phần lớn thí sinh đăng ký dự thi theo cảm tính hoặc 'phong trào', chưa tính hết đến năng lực học tập của mình và nhu cầu xã hội. Do đó, ngành GD và ĐT không nên để tình trạng ngành nào thí sinh đăng ký đông thì sẽ mở và tăng chỉ tiêu ngành đó. Đáng chú ý là, trước kia chỉ có một số ít trường đào tạo các chuyên ngành về Kinh tế – Tài chính – Ngân hàng, Luật… thì vào thời điểm hiện tại, các trường chạy đua mở các nhóm ngành được coi là 'hot' này. Thậm chí, không ít trường đại học, cao đẳng cũng trình Bộ GD và ĐT xin phép mở các nhóm ngành này, ngay sau khi có quyết định thành lập. Trong khi, nhiều ngành nghề thật sự có nhu cầu nhưng không thể tuyển được sinh viên. Điển hình như khu vực Tây Nguyên, với nhu cầu nhân lực cho phát triển nông – lâm rất lớn nhưng kỳ tuyển sinh năm 2010, Trường đại học Tây Nguyên chỉ tuyển được 20 sinh viên chuyên ngành khối nông – lâm; Trường đại học Đà Lạt năm 2010 cũng chỉ tuyển sinh được 62,5%; Trường đại học Yersin chỉ tuyển được 30% chỉ tiêu…
Từ thực tế này, Bộ GD và ĐT cần có những giải pháp thích hợp trong mở ngành, hướng nghiệp, tổ chức thi tuyển sinh. Ngoài việc thắt chặt quy trình mở mã ngành mới của các trường dựa trên năng lực đào tạo, cũng cần dựa trên cả những dự báo nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục và toàn xã hội cần tăng cường giáo dục, hướng dẫn và tư vấn nhiều hơn nữa để học sinh nhìn nhận được thực lực học tập, cơ hội trúng tuyển và nhu cầu nguồn nhân lực của các ngành nghề để đăng ký tuyển sinh chính xác, không chạy theo 'phong trào'. Về vấn đề này, năm 2011, Bộ GD và ĐT đã đưa ra một số điểm mới, trong đó những thí sinh có thể thay đổi hồ sơ nguyện vọng hai sau khi đã nộp nhằm tăng khả năng trúng tuyển, tránh tình trạng khối ngành có chỉ tiêu thì không tuyển đủ, trong khi hàng nghìn thí sinh đạt điểm sàn trở lên có nhu cầu học tập vẫn không trúng tuyển.
Ý kiến ()