Hướng làm giàu từ nuôi cá lồng trên hồ thủy điện
Trong một năm qua, nhiều hộ gia đình tại tỉnh Đắk Nông và một số hộ đến từ các tỉnh khác đã tận dụng nguồn nước các lòng hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh để nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này đang mở ra một hướng làm giàu mới cho người nghèo thiếu đất sản xuất.Hiện nay loài cá được nhiều hộ dân trên “núi” nuôi tại lòng hồ thủy điện chủ yếu là cá lóc, diêu hồng, rô phi, cá tầm…, phát triển rất nhanh, chỉ trong 4 đến 6 tháng có thể thu hoạch. Như cá diêu hồng, cá rô phi, cá lóc giá khoảng trên 40.000 đồng/kg, các tiểu thương đến mua tại chỗ. Hiện nay, nuôi cá trong lòng hồ thủy điện được coi là mô hình nuôi mới không chỉ riêng tỉnh Đắk Nông và ở một số tỉnh khu vực Tây Nguyên. Sự xuất hiện của hàng trăm thủy điện, thủy lợi, đập lớn nhỏ đã tạo điều kiện cho nghề nuôi cá lồng phát triển trên diện tích mặt nước rộng lớn. Hàng trăm hộ tận dụng nguồn lợi này để phát triển kinh tế,...
Trong một năm qua, nhiều hộ gia đình tại tỉnh Đắk Nông và một số hộ đến từ các tỉnh khác đã tận dụng nguồn nước các lòng hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh để nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này đang mở ra một hướng làm giàu mới cho người nghèo thiếu đất sản xuất.
Hiện nay loài cá được nhiều hộ dân trên “núi” nuôi tại lòng hồ thủy điện chủ yếu là cá lóc, diêu hồng, rô phi, cá tầm…, phát triển rất nhanh, chỉ trong 4 đến 6 tháng có thể thu hoạch. Như cá diêu hồng, cá rô phi, cá lóc giá khoảng trên 40.000 đồng/kg, các tiểu thương đến mua tại chỗ. Hiện nay, nuôi cá trong lòng hồ thủy điện được coi là mô hình nuôi mới không chỉ riêng tỉnh Đắk Nông và ở một số tỉnh khu vực Tây Nguyên. Sự xuất hiện của hàng trăm thủy điện, thủy lợi, đập lớn nhỏ đã tạo điều kiện cho nghề nuôi cá lồng phát triển trên diện tích mặt nước rộng lớn. Hàng trăm hộ tận dụng nguồn lợi này để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình. Đa số mô hình nuôi cá lồng, cá bè trên các hồ thủy điện, đập là tự phát, có những hộ nuôi với quy mô rất lớn từ 10 đến 20 lồng trong một bè, một số hộ chỉ nuôi vài lồng để tăng thêm thu nhập.
Ông Ngô Kim Luận, nuôi cá tầm tại lòng hồ Thủy điện Đắk R’tíh cho biết: Tại lòng hồ thủy điện, nuôi cá tầm rất thuận lợi. Lúc đầu nuôi 2.000 con trong 7 lồng, với giá con giống gần 1 nghìn đồng/con. Với giá bán hiện nay tại lồng nuôi là khoảng 450.000 đồng/kg, không tính chi phí cá giống, lồng, thức ăn, công chăm nuôi…, gia đình vẫn thu lãi được trên 700 triệu đồng. Còn chị Thảo, phường Nghĩa Phú, thị xã Gia Nghĩa cũng nuôi cá trên hồ thủy điện Đắk R’tih, kể: Nuôi cá trên lòng hồ thủy điện đang phát triển, đạt năng suất cao, nuôi dễ, gần nhà nên dễ trông coi, đi lại chăm sóc. Cái khó khăn hiện nay là giá thức ăn liên lục tăng nên người nuôi cũng lo lắng.
Theo các hộ nuôi các diêu hồng, cá rô phi, cá lóc, các loài cá này phát triển nhanh, thích nghi với điều kiện môi trường nước hồ không chảy xiết. Thông thường thời gian nuôi đến khi thu hoạch là 4 tháng. Giá cả luôn dao động tùy theo nhu cầu sức mua của khách hàng. Anh Nguyễn Văn Bé, hộ nuôi cá lồng tại lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3, xã Đăk Som, Đắk G’long cho biết: Hiện nay, đa số cá đến kỳ thu hoạch thì các tiểu thương đến đặt và mua hàng trực tiếp tại các lồng. Còn hộ có điều kiện hơn thì vận chuyển đến tận các đầu mối bán tại các trung tâm chợ của xã, huyện và ngay cả thị xã, bán với giá cao hơn.
Về nguồn thức ăn, ngoài thức ăn chính là thức ăn công nghiệp, nhiều hộ gia đình đã tận dụng triệt để nguồn lợi có sẵn dồi dào về các loài cá tạp trong lòng hồ thủy điện. Đây là nguồn thức ăn tại chỗ rất thuận lợi mà không cần tốn chi phí để mua. Cách bắt cũng rất đơn giản, họ sử dụng dụng cụ thủ công lưới, lợi dụng khi trời tối, tạo ánh sáng đèn trên mặt nước rồi bắt khi cá đã tập trung một chỗ. Ngoài việc nuôi, người dân nuôi cá lồng, bè luôn phải tính việc cân bằng cung cấp cá. Vì vậy họ nuôi theo hình thức cuốn chiếu, không nuôi tập trung nuôi nhiều để tránh thu hoạch tập trung số lượng hàng lớn và đảm bảo lúc nào cũng có hàng bán.
Nuôi các lồng, bè trên lòng hồ thủy điện đang được coi là hướng làm kinh tế mới, nhờ tận dụng nguồn nước từ lòng hồ thủy điện để tăng thêm thu nhập, làm giàu của nhiều hộ gia đình. Theo ông K’Tang, Chủ tịch UBND xã Đắk Som (huyện Đắk G’long) cho biết: Trên địa bàn xã có lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3, diện tích mặt nước kéo dài hàng chục km, từ địa phận Đắk Som đến phần đất của huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) là điều kiện thuận lợi để nuôi cá lồng. Hiện nay trên hồ này chỉ tính riêng tại địa phận Đắk Nông đã có trên 40 hộ đang nuôi và đánh bắt cá. Đa số các hộ này đến từ các tỉnh khác, đặc biệt là dân vùng sông nước miền tây đến nhiều. Việc nuôi cá lồng, cá bè tính đến thời điểm này đang mang lại lợi nhuận cao cho bà con. Còn vấn đề đảm bảo an toàn về con người, tài sản, giữ vệ sinh môi trường luôn được nhắc nhở để bà con thực hiện tốt.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()