Hướng đi nào cho cây chè Mẫu Sơn
LSO-Cây “Chè Mẫu Sơn” được Công ty TNHH Cao Sơn nay là Công ty Cổ phần Ngân Sơn (thành phố Lạng Sơn) triển khai thực hiện trồng từ năm 2005 tại thôn Khuổi Cấp, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình. Tuy nhiên, do năng lực quản lý còn hạn chế, sự thiếu vào cuộc của người dân nên dự án chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Để dự án khôi phục và phát triển, cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của chính quyền, doanh nghiệp và người dân.
Trưởng thôn Khuổi Cấp, xã Mẫu Sơn (Lộc Bình) xót xa nhìn về diện tích đất hoang hóa của dự án chè |
Thực trạng, nguyên nhân
Năm 2005, UBND tỉnh thu hồi 40,6 ha đất tại thôn Khuổi Cấp, xã Mẫu Sơn (diện tích đất này nằm ngoài phạm vi quy hoạch Khu du lịch Mẫu Sơn, nguyên là đất đã giao cho một số hộ dân trong thôn sử dụng) và giao cho Công ty Cổ phần Ngân Sơn thực hiện dự án trồng, chế biến cây “Chè Mẫu Sơn” xuất khẩu. “Chè Mẫu Sơn” đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ, lấy giống từ các loại chè Ô Long, Bát Tiên, Ngọc Thúy tại huyện Đình Lập. Mục tiêu của dự án nhằm tạo ra vùng chuyên canh cây chè xuất khẩu; tạo thu nhập cho doanh nghiệp, nguồn thu ngân sách cho nhà nước. Đặc biệt là giải quyết công ăn việc làm cho đồng bào Dao. Từ năm 2005 – 2008, lứa chè đầu tiên được trồng trên diện tích 15 ha. Thời điểm này vườn chè mọc đều, xanh tốt, doanh nghiệp nắm chắc trong tay sản lượng thu hoạch trong 3 tháng vụ xuân 2009. Kể từ khi có dự án, người dân của 14 gia đình ở thôn Khuổi Cấp còn có thu nhập từ ký kết hợp đồng khai hoang đất, tạo luống, trồng, chăm sóc và bảo vệ cây chè. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, dự án trồng, chế biến chè đã bị thất bại khiến doanh nghiệp thua lỗ, người dân cũng không còn công ăn việc làm. Sự thất bại đó là do khi chè sắp cho thu hoạch thì bị dê, trâu, bò của người dân vào phá hoại. Theo báo cáo của doanh nghiệp, có tới 45% diện tích chè bị hỏng, chết do gia súc giẫm nát; 55% không mọc được do nước dãi của gia súc để lại, tổng thiệt hại gần 1,3 tỷ đồng. Để khắc phục, Công ty đã cho ươm giống, trồng lại lần hai. Do gặp một số khó khăn trong việc tạo cây giống nên từ năm 2009 đến nay dự án vẫn chưa được phục hồi, toàn bộ diện tích được giao trồng chè trở nên hoang hóa.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do năng lực triển khai dự án của Công ty còn hạn chế. Điều đó thể hiện ở việc Công ty bố trí lực lượng quản lý dự án không đủ số lượng làm cho gia súc vào phá hoại. Trong quá trình ươm cây giống, Công ty cũng không giám sát chặt chẽ quy trình mà giao phó hoàn toàn cho đối tác nên chất lượng cây không đảm bảo khiến cây chết. Đơn vị cũng chưa phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền và ngành chức năng, người dân địa phương trong việc tuyên truyền ý nghĩa của dự án, ý thức tham gia quản lý bảo vệ dự án. Hơn nữa, do thói quen chăn thả gia súc theo cách truyền thống của người dân nơi đây là thường thả gia súc dài ngày trên rừng, khi thời tiết bất lợi hoặc có công việc gia đình mới đuổi về chuồng nuôi nhốt. Vì thế gia súc của người dân không được trông coi đã phá hoại diện tích chè.
Tìm hướng đi cho cây chè
Mặc dù thời gian qua, dự án trồng, chế biến “chè Mẫu Sơn” chưa có kết quả như mong đợi nhưng hiện nay, công ty vẫn mong muốn tiếp tục tìm hướng đi cho cây chè, khôi phục dự án. Hiện tại, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm giống cây trồng tỉnh cung cấp nguồn giống chè; thuê công nhân thu dọn xong 15 ha đất, dự kiến vụ xuân 2015 sẽ triển khai cho trồng. Bà Nguyễn Thu Sơn – Giám đốc Công ty Cổ phần Ngân Sơn cho biết: để dự án thành công, chúng tôi sẽ chấn chỉnh lại công tác triển khai, thực hiện dự án. Tăng cường phối hợp với chính quyền huyện Lộc Bình, xã Mẫu Sơn tuyên truyền người dân tích cực tham gia dự án bằng cách hợp đồng lao động trồng, chăm sóc, bảo vệ cây chè; bố trí đủ lực lượng bảo vệ dự án, nhất là sẽ bố trí người thường xuyên trông giữ tại những nơi gia súc thường xuyên xâm nhập; cử cán bộ chuyên môn hoặc phối hợp với đối tác trong việc kiểm định cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến chè.
Ông Triệu Chằn Sỉu – Trưởng thôn Khuổi Cấp, xã Mẫu Sơn cho hay: Nếu dự án tiếp tục triển khai, thôn sẽ tuyên truyền vận động bà con tích cực tham gia bằng cách nâng cao ý thức bảo vệ cây chè, không chăn thả gia súc vào vùng dự án. Đại diện Ban Quản lý Khu du lịch Mẫu Sơn cho rằng: nếu người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương cùng vào cuộc thì thời gian tới thương hiệu chè xuất khẩu có mặt nơi vùng cao Mẫu Sơn này sẽ có nhiều triển vọng thành công.
HÀ MY
Ý kiến ()