Hướng đi mới trong phát triển nhà ở công nhân
Nhà ở cho công nhân tại Khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh). Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng (Viglacera) vừa khởi công xây dựng khu nhà ở công nhân (giai đoạn II) với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 6.000 công nhân. Dự kiến công trình hoàn thành tổng thể vào quý II-2014, đồng thời khánh thành Trung tâm thể thao dịch vụ phục vụ công nhân tại khu công nghiệp (KCN) Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.Trong khi nhiều dự án xây dựng nhà ở công nhân trên cả nước gặp khó khăn, vướng mắc thì việc mạnh dạn đầu tư của Viglacera tại Bắc Ninh có thể coi là hướng đột phá trong phát triển loại hình nhà ở này.Loay hoay tìm hướng xây dựng nhà ở công nhânTheo Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng phát triển đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đến năm 2015, tổng số công nhân lao động tại các KCN khoảng 6,3 triệu người và đến năm 2020 là khoảng 7,2 triệu người. Song song với việc tạo công...
Nhà ở cho công nhân tại Khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh). |
Trong khi nhiều dự án xây dựng nhà ở công nhân trên cả nước gặp khó khăn, vướng mắc thì việc mạnh dạn đầu tư của Viglacera tại Bắc Ninh có thể coi là hướng đột phá trong phát triển loại hình nhà ở này.
Loay hoay tìm hướng xây dựng nhà ở công nhân
Theo Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng phát triển đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đến năm 2015, tổng số công nhân lao động tại các KCN khoảng 6,3 triệu người và đến năm 2020 là khoảng 7,2 triệu người. Song song với việc tạo công ăn việc làm, vấn đề xây dựng nhà ở, tạo chỗ an cư cho người lao động hiện rất bức xúc. Thực tế triển khai mới có khoảng 9/27 dự án nhà ở cho công nhân lao động tại KCN được hoàn thành bàn giao, đáp ứng khoảng gần 28 nghìn chỗ ở. Con số này là quá thấp so với nhu cầu thực tế, trong khi đó thu nhập của công nhân lao động còn thấp, khoảng 1,5-2 triệu đồng/tháng và hiện nay phần lớn công nhân vẫn sống trong những nhà trọ chật hẹp, không bảo đảm vệ sinh môi trường với giá thuê dao động từ 500 nghìn đến một triệu đồng/tháng.
Để đạt chỉ tiêu 50% số công nhân lao động tại các KCN có nhu cầu được giải quyết chỗ ở đến năm 2015 theo Quyết định 66/2009/QĐ-TTg của Chính phủ, các bộ, ban, ngành liên quan và các địa phương đã tích cực, chủ động đẩy mạnh nhiều chương trình. Tuy nhiên, kết quả còn khá khiêm tốn và nhiều khả năng sẽ không đạt được mục tiêu ban đầu đề ra trong Quyết định 66/2009/QĐ-TTg. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là vấn đề về vốn. Trong bối cảnh chung của nền kinh tế, các DN xây dựng nhà ở xã hội nói chung và nhà ở công nhân KCN nói riêng khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, mặc dù đã có cơ chế. Cộng thêm tình hình thị trường bất động sản vẫn đang trong tình trạng trầm lắng khiến khả năng tài chính của hầu hết các DN xây dựng gặp khó khăn. Nhiều dự án nhà ở cho công nhân đã bị đình trệ. Đơn cử như trường hợp nhà ở công nhân tại TP Đà Nẵng sau chín năm triển khai vẫn trong tình trạng bỏ hoang, gây lãng phí, thất thoát lớn. Hơn nữa, đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê nên khả năng thu hồi vốn chậm và hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khiến quá trình triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân gặp khó khăn là vấn đề về quỹ đất xây dựng. Hiện nay, nguồn đất này chủ yếu lấy từ quỹ đất 20% dành cho phát triển nhà ở xã hội khi quy hoạch KCN, khu chế xuất, trong khi đó Đề án Quỹ tiết kiệm nhà ở vẫn chưa được triển khai.
Mô hình hợp tác giữa DN xây dựng và DN sử dụng lao động
Phó Tổng giám đốc Viglacera Đào Đình Thi cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc mạnh dạn đầu tư giai đoạn II dự án nhà ở cho công nhân tại KCN Tiên Sơn (Bắc Ninh) là một thành công của tổng công ty trong việc bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, tạo sự gắn bó với doanh nghiệp, phát triển ổn định nguồn nhân lực. Phần việc khó nhất là tìm kiếm nguồn vốn xây dựng nhà ở công nhân tại KCN Tiên Sơn đã được Tổng công ty hoàn tất bằng cách chủ động đàm phán với các chủ DN sử dụng lao động trong KCN. Cụ thể, với dự án nhà cho công nhân giai đoạn II tại KCN Tiên Sơn, Tập đoàn Canon (Nhật Bản) sẽ ứng trước năm năm tiền thuê nhà, tương đương khoảng 50% tổng số vốn đầu tư xây dựng.
Theo đánh giá của Canon, mặc dù có nhiều DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, nhưng có rất ít DN tự đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Bảo đảm nơi ăn chốn ở cho công nhân có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển bền vững của công ty, nhất là làm cho người lao động gắn bó với công ty, từ đó DN có thể chủ động kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh mà không lo thiếu hụt đội ngũ lao động. Sắp tới, Tổng công ty cũng sẽ triển khai xây dựng nhà ở công nhân tại KCN Yên Phong (Bắc Ninh) cũng theo hướng này với đối tác là Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc.
Nhìn nhận mô hình hợp tác giữa chủ đầu tư KCN và DN sử dụng lao động trong việc phát triển nhà ở cho công nhân, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, mặc dù còn mang tính tự phát, nhưng đây là một hướng đi đúng đắn. Một mặt cách làm này giúp DN xây dựng vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay, mặt khác tạo điều kiện cho các DN sử dụng lao động yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, từ mô hình này, các bên liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để xây dựng các khu nhà ở công nhân đạt tiêu chuẩn cả về chất lượng xây dựng, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần và vui chơi giải trí, tạo điều kiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Theo Nhandan
Ý kiến ()