Hướng đi mới trong phát triển du lịch Mẫu Sơn
![]() |
Phục dựng lễ cúng thần núi của người Tày tại khu linh địa – Đền cổ Mẫu Sơn |
Được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ X, LĐ-ĐCMS là một di tích quan trọng có liên quan đến hoạt động sống của cư dân vùng cao núi Mẫu Sơn ở những giai đoạn lịch sử khác nhau. Theo nhận định ban đầu của các nhà khoa học (trong đó có giáo sư Trần Quốc Vượng), đây có thể là nơi chôn cất kiểu mộ cự thạch và là nơi còn nhiều dấu tích kiến trúc có thể là đình, đền, nơi thờ cúng tôn nghiêm, cần được tiếp tục nghiên cứu và với phương pháp bảo vệ hữu hiệu. Vì thế, nếu coi khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng là một cực thì LĐ-ĐCMS với giá trị tín ngưỡng tâm linh độc đáo là cực thứ hai để PTDL ở vùng cao núi Mẫu Sơn.
Từ khi phát hiện ra khu vực này, các ngành chức năng, các nhà khảo cổ học đã tiến hành nhiều cuộc điều tra, khảo sát để nghiên cứu, giải mã những bí ẩn của “phiến đá thiêng”; kết hợp với các tư liệu lịch sử, các câu chuyện kể của người dân bản địa để xác định chủ nhân xa xưa của khu vực này. Với giá trị, tín ngưỡng tâm linh được các nhà khoa học nhận định, đây sẽ là một điểm du lịch hấp dẫn du khách. Tháng 6/2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TU, xác định phát triển khu vực Mẫu Sơn thành điểm du lịch quốc gia với mục tiêu đề ra: đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội; phấn đấu đến năm 2020, xây dựng du lịch khu vực Mẫu Sơn đạt các tiêu chí là điểm du lịch quốc gia, là một trung tâm du lịch của tỉnh, có mối liên kết chặt chẽ với các điểm du lịch vùng Đông Bắc.
Trên cơ sở đó, Sở Văn hóa – Thể Thao & Du lịch tỉnh đã lập hồ sơ di tích khu du lịch Mẫu Sơn và LĐ-ĐCMS trình Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Theo Quyết định số 2839/QĐ-BVHTTDL (ban hành 20/8/2013) LĐ-ĐCMS được công nhận là di tích khảo cổ cấp Quốc gia. Vừa lập hồ sơ để được công nhận di tích cấp Quốc gia, UBND tỉnh đã phê duyệt đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu, bảo tồn giá trị tín ngưỡng dân gian trong các di tích lịch sử văn hóa trên vùng cao núi Mẫu Sơn”. Đề tài này do Ban Quản lý Khu du lịch Mẫu Sơn phối hợp với Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng tỉnh… thực hiện. Để triển khai thực hiện Nghị quyết của BTV Tỉnh ủy về PTDL Khu vực Mẫu Sơn thành điểm du lịch quốc gia (Giai đoạn 2012-2020), UBND tỉnh đã phê duyệt và ban hành Kế hoạch số 118/KH-UBND (20/12/2013).
Trong đó nêu rõ yêu cầu “Đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội để phát triển và khai thác toàn diện tiềm năng khu du lịch Mẫu Sơn…” và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ban, ngành chức năng. Ví như: Sở Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ “kiểm tra hướng dẫn công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển du lịch một cách bền vững” và “thực hiện việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một cách thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư”… Hàng năm, các sự kiện lớn đã được tổ chức tại Mẫu Sơn như: Liên hoan du lịch Mẫu Sơn, Ngày hội văn hóa các dân tộc Mẫu Sơn… thu hút số lượng khách đến tham quan, khám phá những điểm du lịch mới (trong đó có núi Phặt Chỉ và LĐ-ĐCMS).
Ông Nguyễn Hải Đăng, Trưởng Ban Quản lý Khu du lịch Mẫu Sơn cho biết: tuy chưa đưa vào khai thác nhưng hàng năm, LĐ-ĐCMS đã đón hàng chục đoàn khách đến tham quan, du lịch tâm linh. Thực tế đó một lần khẳng định tiềm năng giá trị tín ngưỡng tâm linh của khu vực này trong việc PTDL. Trong những ngày đầu năm 2014, Ban Quản lý đã tiếp đón nhiều đoàn phóng viên của trung ương (ANTV, VTV4, VTC6) đến khám phá vẻ đẹp, tiềm năng du lịch của vùng núi cao Mẫu Sơn, trong đó có LĐ-ĐCMS. Thời gian tới, Ban Quản lý tiến hành xây dựng kế hoạch cụ thể PTDL Mẫu Sơn đến năm 2020 và định hướng 2030. Đồng thời tổ chức hội thảo khoa học để các ban, ngành chức năng tham gia đóng góp ý kiến, giải pháp khai thác giá trị tín ngưỡng tâm linh, mở ra hướng mới trong việc PTDL Mẫu Sơn.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()