Khai thác bấp bênh
Khi nghề câu tay kết hợp ánh sáng dụ cá phát triển rầm rộ, giá cá ngừ nước ta giảm sâu chưa từng thấy, gây thất thoát hơn 50% giá trị. Thương hiệu cá ngừ Việt Nam giảm sức cạnh tranh trong xuất khẩu. Nguyên nhân là thiết bị bảo quản trên các tàu cá quá lạc hậu làm chất lượng cá ngừ kém, không bảo đảm để làm sản phẩm ăn tươi mà chủ yếu dùng chế biến phi-lê đông lạnh, thậm chí nhiều lô cá chỉ có thể sử dụng làm nguyên liệu cho sản phẩm đồ hộp…
Khai thác cá ngừ ở Bình Định.
Số lượng tàu khai thác cá ngừ ở ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa là 3.040 chiếc. Sản lượng khai thác 91.356 tấn. Tuy nhiên, về hiệu quả kinh tế, chỉ khoảng 70% tàu đủ chi phí và có lãi, 30% tàu thua lỗ. Hiện tỉnh Bình Định có khoảng 1.170 tàu cá đang khai thác cá ngừ đại dương, hằng năm đánh bắt được khoảng 9.000 tấn cá ngừ đại dương.
Hơn 25 năm trước, ngư dân Phú Yên là những người đầu tiên trong cả nước khai sinh nghề đánh bắt cá ngừ đại dương bằng phương pháp câu vàng. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là cá dễ thoát, tỷ lệ đánh bắt thấp. Cách đây ba năm, nhiều ngư dân mò mẫm thay đổi phương pháp câu vàng bằng câu tay kết hợp ánh sáng – dùng đèn cao áp chiếu xuống biển để thu hút mực và dụ cá ngừ đại dương bơi đến ăn mồi. Tuy nhiên, giá cá câu tay kết hợp ánh sáng thấp hơn câu vàng đến gần một nửa. Trong hơn 500 tàu câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên hiện có gần 200 tàu chuyển nghề hoặc kiêm nghề lưới chuồn.
Ngược lại, tình hình ở Khánh Hòa lại có vẻ khả quan. Trưởng cảng cá Hòn Rớ (Nha Trang) Nguyễn Trung Hiếu bộc bạch: Trước đây giá cá chỉ ở mức 90.000 đến 95.000 đồng/kg loại 1, gần đây tăng lên 108.000 đến 110.000 đồng/kg, trong khi đó giá dầu lại giảm cho nên ngư dân lãi khá. Tuy nhiên, ông Võ Khắc Én, Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa cho biết: Việc ngư dân trúng cá ngừ đại dương chỉ là gặp may chứ không ổn định lâu dài. Để luôn có thu nhập cao từ nghề câu cá ngừ đại dương, phải thực hiện hiệu quả đề án tổ chức sản xuất cá ngừ đại dương theo chuỗi giá trị.
Chuỗi liên kết khai thác, thu mua, xuất khẩu
Tháng 8-2014 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) phê duyệt đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi, thực hiện tại ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm cá ngừ.
Ngư dân Phú Yên chuẩn bị đá lạnh trước khi ra khơi câu cá ngừ đại dương.
Bình Định là tỉnh đầu tiên của nước ta thực hiện chuỗi liên kết khai thác, thu mua, xuất khẩu cá ngừ đại dương nguyên con sang Nhật Bản. Năm 2014, tỉnh lựa chọn và đưa những lô cá ngừ đại dương chất lượng cao nhất đi bán đấu giá tại thị trường Nhật Bản, được người tiêu dùng nước này đánh giá không thua kém sản phẩm cùng loại của Nhật Bản. Tuy nhiên, lợi nhuận thu được không cao vì lượng cá đánh bắt nhiều nhưng chỉ một phần nhỏ đạt tiêu chuẩn để xuất đi Nhật Bản, số còn lại chủ yếu tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Nhật tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc cho biết: Sau nhiều năm đặt vấn đề, chúng tôi đã đề nghị với phía Nhật Bản giới thiệu cho ngư dân Việt Nam thiết bị câu cá ngừ. Đến cuối năm 2015, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã hỗ trợ ngư dân Bình Định 25 bộ máy móc, thiết bị đánh bắt cá ngừ đại dương, máy Sonar dò cá, cử các chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về khai thác, xử lý, bảo quản, đánh giá chất lượng sản phẩm cá ngừ đại dương cho cán bộ và ngư dân Bình Định.
Tỉnh đã yêu cầu 25 chủ tàu được hỗ trợ phải cam kết áp dụng quy trình kỹ thuật vào đánh bắt, cải hoán hầm lạnh trên tàu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa cá về trong thời gian chín ngày. Mỗi tàu cá tham gia mô hình được hỗ trợ lắp đặt một bộ thiết bị đánh bắt cá ngừ của Nhật Bản, máy Sonar dò cá và các dụng cụ giết mổ cá. Ngoài ra, mỗi tàu được hỗ trợ 30 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp hầm bảo quản cá, ngư dân được hỗ trợ bảo hộ lao động.
Ông Kây-gô Ê-ba-ta, chuyên gia Trường đại học Kagoshima, Nhật Bản, người phụ trách chuyển giao công nghệ cho ngư dân Bình Định cho biết, khi áp dụng công nghệ khai thác cá ngừ của Nhật Bản vào Việt Nam, ông kết hợp tìm hiểu, nghiên cứu cải tiến các loại máy móc để phù hợp điều kiện thực tế ở đây. Các ngư dân Việt Nam đã rất chú ý tiếp thu, chăm chỉ làm việc và nhiều chuyến đi biển đạt kết quả cao.
Trong chuyến đi biển đầu năm 2016, bình quân mỗi tàu trong số 25 tàu cá được hỗ trợ thiết bị Nhật Bản thu về 1,4 đến 1,5 tấn cá ngừ đại dương với chất lượng rất cao. Chuyên gia thủy sản Việt Nam và Nhật Bản đã kiểm tra và chọn tám con (387 kg) đưa lên máy bay sang Nhật Bản bán đấu giá, bình quân được 1.240 yên/kg (khoảng 236 nghìn đồng/kg) gấp ba lần giá bán trong nước. Kết quả bước đầu được xem là khả quan khi Nhật Bản là một thị trường tiêu thụ khó tính nhưng đầy tiềm năng.
Vẫn còn nhiều công việc cần triển khai trong thời gian hai năm thử nghiệm của dự án này. Giám đốc Sở NN và PTNT Bình Định Phan Trọng Hổ đánh giá: Hiện các chuyên gia Nhật Bản sang Bình Định đang nghiên cứu thiết kế hoàn chỉnh hầm bảo quản cá. Hầm bảo quản của chúng ta không được như của Nhật Bản được thiết kế đồng bộ theo công ty, ngư dân bạn và họ chỉ đi biển ngắn ngày. Phía Nhật Bản tập cho ngư dân tiếp quản công nghệ, bổ sung những chi tiết chưa hoàn chỉnh trong thiết bị. Hiện chuyên gia Nhật Bản đang phối hợp cán bộ nông nghiệp hoàn chỉnh lại các công nghệ về dò tìm môi trường đánh bắt, kỹ thuật và tổ chức đánh bắt. Trong năm 2016, những vấn đề kỹ thuật chưa phù hợp với môi trường Việt Nam sẽ được bổ sung để tiếp tục triển khai và hoàn chỉnh kỹ thuật đánh bắt này.
Xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng cá ngừ chung
Trong chuỗi giá trị cá ngừ đại dương thành công, doanh nghiệp và các ngư dân có vai trò quyết định. Ngư dân rất cần sự hỗ trợ bằng những chính sách thông thoáng, minh bạch, trước hết là đơn giản hóa thủ tục vay vốn giúp họ có điều kiện mua sắm thiết bị, phương tiện nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả khai thác. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Phú Yên Nguyễn Tri Phương khẳng định: Chỉ khi nào nghề câu cá ngừ hoạt động theo chuỗi thì Nhà nước mới có thể kiểm soát được giá cá, tránh tình trạng ngư dân bị ép giá. Do vậy chúng ta cần có chính sách hỗ trợ ngư dân thực hiện và giúp họ vươn lên làm chủ công nghiệp khai thác theo chuỗi.
Công ty TNHH Hokugan (Nhật Bản) đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Phú Yên về việc đầu tư dự án nhà máy chế biến cá ngừ đại dương, đồng thời hỗ trợ ngư lưới cụ và hướng dẫn kỹ thuật câu cho ngư dân. Trước mắt, công ty hỗ trợ ngư dân phường 6, TP Tuy Hòa năm bộ câu và cử chuyên gia sang hướng dẫn kỹ thuật, công ty cũng mong muốn đầu tư một nhà máy sản xuất nước đá chất lượng cao để bảo quản thủy sản. Giám đốc Công ty Hokugan, ông Ka-oa-hi-ra Ma-na-bu đã bày tỏ nguyện vọng muốn xây dựng nhà máy chế biến cá ngừ đại dương và các hải sản khác công suất 1.800 tấn nguyên liệu/tháng trong khu vực cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa). Trao đổi vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Trúc cho biết, tỉnh đang tập trung giải quyết dứt điểm việc giải phóng mặt bằng khu vực nêu trên để đáp ứng đề nghị của công ty. Hai bên đã thống nhất đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy.
Theo ông Vũ Hoàng Quang, đại diện liên doanh Công ty Tư vấn đóng tàu Việt – Nhật và Công ty Yanmar (Nhật Bản), liên doanh sẽ tổ chức đội tàu sáu chiếc đi đánh bắt cá ngừ đại dương áp dụng công nghệ Nhật Bản mà liên doanh này đã thử nghiệm thành công tại Khánh Hòa. Liên doanh đã thực hiện các chuyến đi biển trong vòng chín đến 10 ngày (tàu của ngư dân thường đi hơn 20 ngày) và câu được khoảng 2 tấn cá. Nhờ bảo quản tốt nên bán cho đối tác Nhật Bản với giá 150.000 đồng/kg.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam Chu Tiến Vĩnh, mô hình áp dụng công nghệ Nhật Bản trong khai thác, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương theo chuỗi ở ba tỉnh nêu trên hiện có những điểm khác nhau, chưa có mô hình chung. Mới đây, Bộ NN và PTNT đề xuất với Chính phủ chương trình hợp tác chính thức cấp chính phủ với Nhật Bản về khai thác, xuất khẩu cá ngừ đại dương. Toàn bộ hoạt động khai thác, xuất khẩu cá ngừ đều phải chuyên nghiệp hóa, trong đó lấy chất lượng làm đầu, đồng thời ban hành một bộ tiêu chuẩn chất lượng cá ngừ làm cơ sở để đánh giá sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Qua đó sẽ xây dựng một quy trình thống nhất về khai thác, bảo quản để phổ biến cho ngư dân. Từng con cá ngừ đánh bắt được đều có các thông số như của tàu nào, câu lúc nào… Với các thông số này, chủ tàu có thể đưa thẳng cá ngừ vào các trung tâm đấu giá hoặc xuất bán ra nước ngoài.
Bộ NN và PTNT đã đưa ra giải pháp đánh bắt, sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị, từ khai thác ngư trường, bảo quản sản phẩm trên tàu, vận chuyển về đất liền, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm (xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa). Bộ đưa ra hai mô hình sản xuất cá ngừ theo chuỗi liên kết dọc và liên kết ngang. Để nâng cao hiệu quả sản phẩm, mỗi công đoạn phải được cải thiện và đầu tư khoa học – công nghệ. Doanh nghiệp và các ngư dân rất cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý trong đơn giản hóa thủ tục vay vốn giúp ngư dân có điều kiện mua sắm thiết bị, phương tiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở ra hướng đi mới hiệu quả, vững chắc cho nghề câu cá ngừ đại dương.
Ý kiến ()