Hướng đi mới của Mường Khoa
Xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên (Lai Châu) có 6.631 ha (chiếm 76% tổng diện tích tự nhiên của xã) được quy hoạch để phát triển lâm nghiệp. Tuy nhiên, mới chỉ có gần hai nghìn ha trong số diện tích này đã có rừng, còn lại là đất trống, đồi núi trọc. Mặc dù có tiềm năng, lợi thế về đất đai, nhân lực để phát triển lâm nghiệp, nhưng mấy năm trước đây việc khoanh nuôi và bảo vệ rừng trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn.Diện tích đất có rừng của xã thấp, tỷ lệ che phủ của rừng chỉ đạt 22,5%. Toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn xã là rừng phòng hộ, người dân không có thu nhập và phát triển kinh tế từ nghề rừng, nên đời sống rất khó khăn dẫn đến thường xuyên phá rừng làm nương rẫy và chăn thả gia súc. Một trong những nguyên nhân của việc phát triển rừng kinh tế trên địa bàn xã chưa được tập trung chỉ đạo và thực hiện là do chưa có chủ trương sát thực tế, lợi ích của người dân với nghề rừng chưa được xác định...
Diện tích đất có rừng của xã thấp, tỷ lệ che phủ của rừng chỉ đạt 22,5%. Toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn xã là rừng phòng hộ, người dân không có thu nhập và phát triển kinh tế từ nghề rừng, nên đời sống rất khó khăn dẫn đến thường xuyên phá rừng làm nương rẫy và chăn thả gia súc. Một trong những nguyên nhân của việc phát triển rừng kinh tế trên địa bàn xã chưa được tập trung chỉ đạo và thực hiện là do chưa có chủ trương sát thực tế, lợi ích của người dân với nghề rừng chưa được xác định rõ, vì vậy chưa khuyến khích được người dân tham gia. Năm 2009, tỉnh Lai Châu có chủ trương đưa doanh nghiệp tham gia vào việc phát triển rừng kinh tế. Trước tình hình mới này, Đảng ủy xã Mường Khoa đã xác định đây là một chủ trương đúng đắn, mở ra hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế rừng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chứ không phải là nhiệm vụ của riêng các công ty đầu tư trồng rừng. Trên tinh thần đó, Đảng ủy đã tập trung lãnh đạo xây dựng chương trình phát triển rừng thành một nghị quyết trọng tâm của Đảng bộ xuyên suốt cả nhiệm kỳ và phân công các đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ phụ trách từng thôn, bản để chỉ đạo phát triển rừng kinh tế. Với những thôn, bản thuộc vùng trọng điểm giao những đồng chí có năng lực và tinh thần trách nhiệm cao phụ trách. Giao nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên, trưởng, phó trưởng các thôn, bản phải đăng ký thực hiện trước, nhất là năm đầu khi trong tư tưởng người dân còn nhiều e ngại. Đồng thời lấy kết quả trồng rừng kinh tế của các thôn, bản làm chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm đối với tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và với cán bộ, đảng viên. Tiếp đó, Đảng ủy chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xuống từng nhà tuyên truyền, vận động đồng bào hiểu rõ cơ chế, chính sách trong việc liên kết với công ty phát triển rừng kinh tế, giúp người dân hiểu rõ về trách nhiệm và quyền lợi. Qua đó, xác định lợi ích từ hai phía để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong việc bàn bạc thống nhất giữa người dân với công ty trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, Đảng ủy xã còn tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền xã với công ty và tạo điều kiện thuận lợi cho công ty thực hiện các công việc cụ thể như: đăng ký diện tích thực hiện; ký kết hợp đồng phát triển rừng giữa người dân với công ty. Triển khai, đôn đốc tiến độ trồng, chăm sóc rừng đúng thời vụ; thống nhất về phương án bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, xây dựng cơ chế hưởng lợi từ rừng sau một chu kỳ khai thác đối với từng loại đất (do hộ dân hoặc Nhà nước quản lý). Giám sát việc thực hiện nghĩa vụ giữa các bên trong hợp đồng, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Để phát triển hài hòa giữa việc phát triển rừng với chăn nuôi đại gia súc ở các thôn, bản, Đảng ủy xã Mường Khoa chỉ đạo quy hoạch bãi chăn thả đại gia súc; vận động người dân không thả rông gia súc phá hoại rừng; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về chăn thả gia súc theo quy ước, hương ước thôn, bản. Giải quyết kịp thời việc tranh chấp đất đai giữa các hộ dân trong phát triển rừng, không để xảy ra mâu thuẫn dẫn đến đốt phá rừng. Với cơ chế nhân dân góp đất, tổ chức trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đến khi thu hoạch; công ty đầu tư hỗ trợ toàn bộ cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, bao tiêu sản phẩm khi thu hoạch, hỗ trợ 17 triệu đồng và tám tạ gạo/ha trong bốn năm đầu khi rừng chưa cho thu hoạch. Đến khi thu hoạch sản phẩm, người dân được hưởng từ 30 đến 50% tùy theo từng loại đất. Với cơ chế hỗ trợ đó cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời và kiên quyết của Đảng ủy xã Mường Khoa đã gắn kết được quyền lợi và nghĩa vụ giữa công ty và người dân trong việc phát triển rừng kinh tế, thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người dân đối với việc trồng rừng. Từ đó được nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực thực hiện. Từ năm 2009 đến nay, xã Mường Khoa đã trồng được 560 ha rừng kinh tế, được công ty hỗ trợ hơn 4,7 tỷ đồng. Bước đầu đã giải quyết được việc làm tăng thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số sở tại. Người dân tự giác thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật lâm sinh để rừng phát triển tốt, nhất là trong khâu bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Nhờ đó, tất cả diện tích rừng mới trồng đều bảo đảm tỷ lệ sống rất cao, đạt tới 95% và sinh trưởng tốt.
Với diện tích 560 ha rừng kinh tế đã trồng được đến khi thu hoạch công ty sẽ hỗ trợ tiền công chăm sóc và bảo vệ cho người dân hơn 7,8 tỷ đồng. Khi thu hoạch sản phẩm bà con sẽ được chia khoảng từ 30 đến 35 tỷ đồng nữa. Theo đó, bình quân thu nhập của các hộ trồng rừng từ 65 đến 70 triệu đồng trong một chu kỳ bốn đến năm năm. Kết quả này mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và tiến tới làm giàu từ nghề rừng của đồng bào dân tộc thiểu số trên mảnh đất Mường Khoa.
Theo Nhandan
Ý kiến ()