Hướng đi mới cho xuất khẩu rau quả
Thống kê của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) nêu rõ, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 5 năm qua tăng trưởng ở mức cao, bình quân 26,5%/năm. Rau quả đã trở thành một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch đạt gần 1,1 tỷ USD vào năm 2013.
Tuy nhiên, những khó khăn đã bắt đầu xuất hiện, đặc biệt trong điều kiện tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi ngành rau quả phải chủ động tìm hướng đi cho mình, trong đó việc mở rộng thị trường và vượt qua các rào cản kỹ thuật là yêu cầu bắt buộc.
Thanh long đang là một trong những trái cây Việt Nam được nhiều thị trường yêu thích (Ảnh: HNV) |
Trong khi đó, theo báo cáo của Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối, rau quả Việt Nam hiện được xuất khẩu đi hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 10 thị trường xuất khẩu chính là: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, Hà Lan, Thái Lan và Singapore.
Thống kê mới đây nhất cũng chỉ ra, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 5/2014 ước đạt 77 triệu USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu rau quả ước đạt 472 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ 2013. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam, chiếm 32% thị phần. Nhật Bản và Mỹ là hai thị trường đứng thứ hai với 5,5%; đứng thứ ba là thị trường Hàn Quốc.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), rau quả đang là ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam. Nhưng trong bối cảnh chúng ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới, áp lực cạnh tranh càng lớn, càng gặp nhiều rào cản từ các nước nhập khẩu. Do đó, yêu cầu đặt ra hiện nay đối với ngành là cần phải có kế sách phù hợp để giải quyết.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các bộ, ngành chức năng rà soát từng mặt hàng, từng thị trường để có biện pháp giải quyết đối với các rào cản cụ thể. Quan điểm của Bộ là tháo gỡ từng thị trường một để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường một cách quyết liệt.
Thêm nữa, một hướng đi nữa đang được nước ta tích cực triển khai là tăng cường mở cửa các thị trường mới, dù khó tính nhưng được kỳ vọng có giá trị xuất khẩu cao. Tất nhiên, bên cạnh những thị trường mới thì Việt Nam vẫn xác định những thị trường xuất khẩu rau quả chủ yếu trong thời gian tới là Nhật Bản, Hoa Kỳ , Hàn Quốc, các nước Đông Âu và các nước EU.
Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu tăng cường áp dụng chuẩn VietGap trong sản xuất rau quả, đáp ứng tốt các yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật cao của các thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam, nâng cao chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm rau quả Việt Nam.
Theo CPV
Ý kiến ()