Hướng đi đúng của ngành đóng tàu
"Cơn bão khủng hoảng" của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) làm chao đảo cả những đơn vị đóng tàu có bề dày truyền thống và hùng mạnh. Nhưng một đơn vị đóng tàu quy mô "thường thường bậc trung" lại giữ vững được nhịp độ tăng trưởng qua hàng chục năm, tạo việc làm và thu nhập cao cho người lao động. Ðó là Công ty cổ phần Ðóng tàu Sông Cấm, đạt thành công nhờ tạo lập được hướng đi đúng, ổn định, tập trung những sản phẩm đặc chủng, giá trị gia tăng cao.
“Cơn bão khủng hoảng” của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) làm chao đảo cả những đơn vị đóng tàu có bề dày truyền thống và hùng mạnh. Nhưng một đơn vị đóng tàu quy mô “thường thường bậc trung” lại giữ vững được nhịp độ tăng trưởng qua hàng chục năm, tạo việc làm và thu nhập cao cho người lao động. Ðó là Công ty cổ phần Ðóng tàu Sông Cấm, đạt thành công nhờ tạo lập được hướng đi đúng, ổn định, tập trung những sản phẩm đặc chủng, giá trị gia tăng cao.
Chữ tín – bí quyết thành công
Mặc dù tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới gây ảnh hưởng trầm trọng ngành đóng tàu thế giới và trong nước, nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh của Ðóng tàu Sông Cấm vẫn ổn định và phát triển đều đặn trong nhiều năm trở lại đây. Giá trị sản lượng của công ty tăng từ 814,5 tỷ đồng (năm 2010); 1.004 tỷ đồng (năm 2011) và đạt hơn 1.100 tỷ đồng (năm 2012). Trong năm nay, công ty dự kiến thi công và hoàn thiện 15 tàu xuất khẩu, đạt sản lượng 1.250 tỷ đồng, dự kiến nộp ngân sách nhà nước 29 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động phấn đấu đạt 8,5 triệu đồng/tháng. Phấn đấu năm 2014, công ty tăng các chỉ tiêu từ 5% đến 7% so năm 2013.
Trong “cơn bão khủng hoảng” của ngành đóng tàu vừa qua, Sông Cấm vẫn tương đối bình yên, không bị vay nợ về tài chính, cơ cấu tổ chức ổn định. Bí quyết nào giúp Sông Cấm trụ vững? Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ðóng tàu Sông Cấm Phạm Mạnh Hà trả lời ngắn gọn: Ðó chính là chữ tín. Công ty xác định đặt nó lên hàng đầu khi bắt tay liên kết với đối tác Ða-men – Tập đoàn đóng tàu hàng đầu của Hà Lan – trong việc đóng những gam tàu chuyên dụng. Trong quá trình phát triển, công ty có định hướng độc lập, không phụ thuộc nhiều đến Vinashin, mô hình tổ chức gọn ghẽ, quy mô sản xuất tương đối nhỏ nhưng được bố trí sản xuất hợp lý. Ðối tác liên doanh liên kết của công ty có tiềm lực tài chính mạnh, hợp tác trên tinh thần hiểu biết, hỗ trợ lẫn nhau, bảo đảm hai bên cùng có lợi. Trong nhiều năm, Sông Cấm đã đào tạo một đội ngũ kỹ sư, công nhân có trình độ tay nghề cao, đầy tâm huyết, năng động, sáng tạo và ý thức kỷ luật nghiêm ngặt. Cơ sở vật chất không hoành tráng, khổng lồ, nhưng Sông Cấm đã thành công từ yếu tố con người. Từ khi chuyển sang công ty cổ phần, sản xuất kinh doanh của công ty ngày càng hiệu quả, thi công đóng mới các gam tàu đúng tiến độ, chất lượng cao thỏa mãn yêu cầu khắt khe của đối tác cũng như chủ tàu quốc tế.
Mô hình cần nhân rộng
Trong khi nhiều đơn vị đóng tàu khác rơi vào tình trạng thiếu việc trầm trọng, Sông Cấm vẫn có nhiều hợp đồng đóng tàu, đủ gối đầu sang năm 2014. Hiện tại, công ty đang đóng ba xê-ri tàu kéo, một tàu cao tốc, đều xuất khẩu cho Ða-men. Do điều kiện quy mô diện tích nhà máy hạn hẹp, ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Sông Cấm đã xác định hướng đi riêng biệt là đóng những con tàu nhỏ, chuyên dụng có chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn. Năm 2000, công ty quyết định đầu tư nhà xưởng đóng tàu nhôm, tàu cao tốc, sau đó thực hiện dự án đóng tàu cứu nạn và từ năm 2004, công ty chuyển sang đóng tàu xuất khẩu 100%. Những chiếc tàu đầu tiên do Ða-men thiết kế, sản xuất tại Việt Nam cho Cục Hàng hải Việt Nam là năm tàu tìm kiếm và cứu nạn (SAR), được giao cho Sông Cấm triển khai. Ngoài ra, Ða-men đóng tại Việt Nam các loại tàu chuyên dụng, xuất khẩu cho các khách hàng trên toàn thế giới. Loại tàu thông dụng gồm tàu kéo, tàu công trình, tàu cao tốc, tàu dịch vụ, phà chở khách vỏ nhôm, các thiết kế khác gồm các tàu hút bùn, tàu ứng phó sự cố tràn dầu và các du thuyền cỡ lớn. Ðến nay, sau 13 năm, công ty đang đóng con tàu thứ 100, mỗi năm đóng đều đặn và cho xuất xưởng hơn 10 chiếc. Bình quân, mỗi con tàu đem về cho Sông Cấm nguồn lợi khoảng 20-30 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc Phạm Mạnh Hà cho biết, đầu tháng 1 năm tới, liên doanh giữa Ða-men và Sông Cấm sẽ đi vào hoạt động, có khả năng sẽ là liên doanh đóng tàu lớn nhất của Ða-men, với vốn điều lệ 20 triệu ơ-rô; trong đó, Sông Cấm góp 30%. Liên doanh sẽ bắt tay xây dựng nhà máy đóng tàu tại xã Hoàng Ðộng (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng), vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 60 triệu ơ-rô. Ðây là nhà máy chuyên về hoàn thiện, phấn đấu ngay trong năm 2014, sẽ hoàn thiện 25 tàu, khi ổn định, mỗi năm đủ sức hoàn thiện 50 tàu. Khi nhà máy hình thành và hoạt động hết công suất, dự kiến sẽ tạo việc làm cho khoảng 800 lao động. Ðại diện phía Ða-men nhận xét: Trong quá trình hợp tác 15 năm qua, Sông Cấm đã dày dạn kinh nghiệm về đóng mới các loại tàu cho Ða-men, hơn nữa, nguồn nhân lực về đóng tàu ở Hải Phòng rất thuận lợi. Công ty liên doanh đóng tàu Ða-men – Sông Cấm sẽ dễ dàng hợp tác các nhà máy đóng tàu khác tại đây, tiếp cận nguồn nhân lực được đào tạo bài bản từ Trường đại học Hàng hải. Trong giai đoạn II, liên doanh sẽ đóng và hoàn thiện những gam tàu kích thước lớn hơn, hiện đại, công nghệ cao hơn, có đủ tiềm lực để duy trì, phát triển các dự án trong tương lai. Nhà máy mới nằm bên sông Cấm, liên thông trực tiếp với biển và được thiết kế để đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu về an toàn, bảo đảm sức khỏe và môi trường cho người lao động. Liên doanh sẽ tập trung vào việc chuyên lắp ráp và hoàn thiện tàu có chiều dài đến 60 m.
Trong lần thăm và làm việc với Công ty cổ phần Ðóng tàu Sông Cấm mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, mô hình phát triển của Ðóng tàu Sông Cấm những năm qua là phù hợp, được kết hợp bởi vai trò người đứng đầu, bộ máy lãnh đạo đồng bộ, tổ chức bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả, nội bộ đoàn kết, lãnh đạo quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo thu nhập ổn định cho người lao động,… Ðó là những yếu tố cốt lõi tạo nên thành công khá bền vững, ổn định của một công ty đóng tàu quy mô không lớn, cơ sở vật chất còn nhỏ bé. Mô hình này cần được xem xét nghiên cứu và nhân rộng trong toàn Vinashin.
Theo Nhandan
Ý kiến ()