Hướng đi đúng cho bài toán di cư
Lực lượng Mỹ và Cuba mới đây đã có cuộc làm việc để tăng cường hợp tác chống vận chuyển trái phép người di cư. Đây là một bước đi đáng hoan nghênh, cho thấy sự chia sẻ trách nhiệm chung của các quốc gia nhằm tìm lời giải cho bài toán di cư hóc búa, vốn đã đeo bám khu vực châu Mỹ trong nhiều năm.
Người di cư trong hành trình tới Mỹ tại cây cầu biên giới Guatemala-Mexico. (Ảnh: AFP/ TTXVN) |
Theo Bộ Nội vụ Cuba, cuộc gặp giữa đại diện lực lượng biên phòng Cuba và lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ diễn ra ở thủ đô La Habana trong bầu không khí tôn trọng lẫn nhau. Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác về chống vận chuyển trái phép người di cư và chống buôn bán ma túy, cũng như để ngỏ cơ hội cho các cuộc trao đổi kỹ thuật trong tương lai. Thời gian gần đây, Mỹ đang gia tăng mạnh các hoạt động tuần tra biên giới nhằm ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp từ Cuba và các nước khác ở khu vực Caribe vào Mỹ.
Không khó để lý giải về quyết tâm của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm triệt phá các đường dây vận chuyển người trái phép. Bởi, Mỹ đang chứng kiến một làn sóng di cư ồ ạt kéo vào nước này ở mức đáng báo động, đe dọa tình hình an ninh, ổn định và tạo sức ép không nhỏ lên hệ thống an sinh xã hội.
Kể từ tháng 10/2021, lực lượng biên phòng Mỹ đã bắt giữ gần hai triệu người vượt biên trái phép. Khoảng 9.400 người di cư đã được đưa tới Washington kể từ tháng 4/2022 và hàng trăm người khác dự kiến tới đây vào mùa thu năm nay.
Thị trưởng Washington Muriel Bowser buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp công cộng liên quan đến những chuyến xe buýt chở người di cư từ hai bang Texas và Arizona giáp Mexico đến thủ đô của nước Mỹ. Bà Muriel Bowser cũng quyết định thành lập Văn phòng Dịch vụ di cư mới, nhằm giải quyết các vấn đề liên quan người di cư.
Nhận định rằng khủng hoảng di cư là căn bệnh trầm kha của khu vực, không một quốc gia nào có thể “đơn thương độc mã” giải quyết mà cần sự chung tay của cộng đồng quốc tế, Mỹ đã hợp tác cùng Mexico, Guatemala, Honduras… để xây dựng cơ chế trao đổi thông tin, triệt phá đường dây buôn người, củng cố các kênh hợp pháp nhằm bảo đảm di cư an toàn, có trật tự và nhân đạo. Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cũng khuyến nghị các chính phủ trong khu vực lập ra cơ quan chịu trách nhiệm thu thập và hệ thống hóa dữ liệu về người di cư thiệt mạng, xây dựng chính sách công về người di cư đồng bộ, hài hòa.
Cùng với việc bảo vệ người di cư, một giải pháp mang tính bền vững và được chú trọng là xây dựng “bức tường thịnh vượng” ở Trung Mỹ nhằm chặn làn sóng di cư ngay tại điểm xuất phát. Mỹ và Mexico đã đưa ra sáng kiến tạo việc làm cho giới trẻ, thu hút vốn đầu tư để cải thiện kinh tế ở Trung Mỹ. Song, tham vọng về việc xây dựng một bức tường thịnh vượng, một tầm nhìn chung phát triển cho khu vực châu Mỹ dường như còn rất xa vời, bởi sẽ tốn nhiều thời gian, vật chất và nỗ lực của cộng đồng khu vực.
Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador từng lên tiếng thúc giục Mỹ triển khai gói đầu tư cho khu vực Trung Mỹ trị giá 4 tỷ USD mà Washington đã cam kết, qua đó biến những lời nói thành hành động thiết thực, cụ thể. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi vòng xoáy của đói nghèo, bạo lực, dịch bệnh… tiếp tục lan rộng ở châu Mỹ.
Tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine khiến chính phủ các nước Mỹ Latin phải chật vật kiềm chế cơn bão lạm phát. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s nhận định, lạm phát sẽ kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế của Mỹ Latin cho đến năm 2023. Ngoài ra, châu Mỹ hiện là tâm điểm của đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ toàn cầu, với hơn 30.000 trường hợp được ghi nhận.
Thực tế chỉ ra rằng, những biện pháp mạnh tay như cắt giảm viện trợ cho các nước trung chuyển hay tạm thời đóng cửa biên giới không thể giúp giải quyết hiệu quả và bền vững cuộc khủng hoảng di cư, vốn đã “ăn sâu bám rễ” tại châu Mỹ. Đây là một thách thức ở cấp độ khu vực mà không một quốc gia nào có thể tự mình đối phó. Vì thế, việc các nước có xu hướng gạt bỏ bất đồng để tìm kiếm hợp tác, đối thoại về khủng hoảng di cư là những bước đi đúng hướng, cho thấy thiện chí giải quyết thách thức chung một cách đồng bộ và toàn diện của các bên.
Ý kiến ()