Hướng đi của một hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp
So với một số hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp khác, HTX Hợp Tiến (xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) có bề dày truyền thống và cơ sở vật chất tương đối khá. Tuy nhiên, HTX này vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là về nguồn nhân lực, tiền vốn, đổi mới khoa học công nghệ, tư duy kinh tế thị trường...
So với một số hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp khác, HTX Hợp Tiến (xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) có bề dày truyền thống và cơ sở vật chất tương đối khá. Tuy nhiên, HTX này vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là về nguồn nhân lực, tiền vốn, đổi mới khoa học công nghệ, tư duy kinh tế thị trường…
Ða dạng hóa dịch vụ
Tâm sự với chúng tôi, Chủ nhiệm HTX Hoàng Anh Tuấn trăn trở, nếu chỉ nhìn vào lợi nhuận kinh tế đơn thuần của HTX thì chưa phải là lớn nhưng để đạt được kết quả lợi nhuận vài trăm triệu đồng của HTX dịch vụ nông nghiệp và làm thay đổi hẳn tập quán canh tác, lối tư duy làm ăn nhỏ lẻ, sang tập quán canh tác mới mang tính hàng hóa là cả một quá trình phấn đấu đi lên kiên trì và khó nhọc. Nhớ lại những ngày đầu khi chuyển đổi, cơ sở vật chất của HTX nghèo nàn, thiếu vốn trầm trọng, Ban quản trị HTX vừa huy động vốn của từng đồng chí ủy viên Ban quản trị, vừa thế chấp nhà riêng vay thêm tiền ngân hàng để làm dịch vụ như cung ứng giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ bà con xã viên, nhưng phần lớn xã viên không có tiền trả ngay, phải nợ HTX, còn HTX lại nợ lại ngân hàng và doanh nghiệp, đến mùa thu hoạch mới trả được nợ. Ðể khuyến khích những xã viên tích cực trả tiền ngay, tăng vòng quay của đồng vốn, HTX đã giảm phí dịch vụ cho xã viên, chỉ tính thêm chi phí vận chuyển, còn hộ nào nợ vật tư thì phải tính lãi, mặc dù lãi suất rất thấp, nhưng tạo ra được sự công bằng và trách nhiệm giữa hai bên. Dần dần từ đó đến nay, gần như 100% số xã viên HTX sử dụng các khâu dịch vụ của HTX như vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, giống lúa và các loại giống cây trồng, vật nuôi.
Trong cơ chế thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay, những dịch vụ của HTX đòi hỏi phải bảo đảm chất lượng nên Ban quản trị HTX phải tìm kiếm và ký hợp đồng với các công ty cung ứng vật tư và giống cây trồng có uy tín, cam kết bảo đảm chất lượng cho xã viên; đồng thời giá thành phải bằng hoặc rẻ hơn từ 0,8 đến 1% so với tư nhân. Nhờ vậy hằng năm, HTX làm dịch vụ cung ứng từ 250 đến 300 tấn phân bón và thức ăn gia súc các loại cho xã viên.
Từ năm 2011, HTX đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa toàn bộ diện tích 330 ha đất trồng trọt, bảo đảm chủ động được nước tưới, tiêu trên toàn bộ diện tích. Ðây cũng chính là cơ hội để HTX mở ra các dịch vụ mới phục vụ xã viên và hỗ trợ kinh tế hộ phát triển. Trước hết là dịch vụ làm đất, HTX tổ chức 23 máy chuyên làm đất cho các hộ xã viên với mức thu 20.000 đồng/sào/vụ, thấp hơn so với xã viên tự thuê 5.000 – 6.000 đồng/sào/vụ, gọn vùng mà thời gian lại ngắn, chỉ từ 10 đến 12 ngày là xong toàn bộ diện tích gieo trồng của HTX theo đúng lịch trình, thời vụ. Ngoài ra, HTX còn mở thêm các dịch vụ tín dụng nội bộ, cắt cỏ, nạo vét kênh mương, diệt chuột, bảo vệ đồng ruộng; nhờ vậy, bà con xã viên rất yên tâm sản xuất. Những năm gần đây, HTX đã chủ động ký hợp đồng với các công ty để tiêu thụ nông sản cho xã viên như lúa giống chất lượng cao, ngô ngọt, khoai tây sạch với mức giá cao hơn giá thị trường, nhiều công ty còn ứng trước cho xã viên về giống, vật tư, phân bón làm cho xã viên rất phấn khởi, tin tưởng vào HTX, giảm hẳn hiện tượng bán sản phẩm ra bên ngoài, phá vỡ hợp đồng như những năm trước đây.
Phát triển nhiều ngành, nghề
Bên cạnh đó, phát huy các nghề thủ công sẵn có của địa phương và học hỏi thêm các nghề mới, HTX luôn chủ động hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp để dạy nghề, cung ứng dịch vụ, tạo thêm việc làm mới cho xã viên; góp phần nâng cao đời sống và chuyển dịch cơ cấu lao động tại địa phương. Nhờ vậy, HTX đã giải quyết được việc làm thường xuyên cho 1.850 lao động lúc thời vụ cũng như lúc nông nhàn. HTX duy trì có hiệu quả các nghề thủ công, thường xuyên cải tiến mẫu mã và phương thức tiêu thụ linh hoạt, nên các mặt hàng như đan lát hàng cói, hàng bèo bồng khô, đan lát tre nứa, hàng thêu móc sợi, hàng may được tiêu thụ mạnh, mang lại thu nhập từ 40.000 đến 50.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra, HTX còn khuyến khích và hỗ trợ mở các nhóm nghề kỹ thuật như cơ khí, thợ nề, xay xát, chế biến, thu mua nông sản, trồng nấm. Vì vậy, cơ cấu ngành nghề trong HTX đã được chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ các nhóm ngành: trồng trọt, chăn nuôi là 52%; ngành nghề khác 25%; dịch vụ 23%, hướng đến sự phát triển toàn diện và bền vững.
Kết quả của sự cố gắng, phấn đấu không ngừng của Ban quản trị và xã viên HTX trong năm 2012, bình quân 1 ha canh tác của HTX đã đạt được gần 40 triệu đồng/ha; vốn quỹ của HTX đã tăng lên gần 4 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2011. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, bằng nguồn vốn của HTX và đóng góp của xã viên, năm 2012, HTX đã xây mới được 740 m kênh kiên cố, đầu tư, xây thêm được ba trạm bơm dã chiến, hai cống cầu đầu mối phục vụ cho tưới, tiêu cánh đồng quy hoạch có thu nhập cao; bê-tông hóa được 3 km đường làng, ngõ xóm, rải đá cấp phối được hơn 2,5 km đường nội đồng. Trích quỹ HTX xây hai cầu nhỏ, mở rộng mặt đường cho xe tải ra đồng, giải phóng được sức lao động. Ðời sống xã viên ngày càng cải thiện, nâng cao…
Mô hình cánh đồng mẫu lớn đang được nhân rộng, mở ra nhiều cơ hội cho HTX Hợp Tiến. Rồi đây, HTX không chỉ làm đất bằng máy, mà nhiều công việc khác sẽ được cơ giới hóa, như phương hướng dịch vụ sản xuất của HTX đã nêu ra trong mùa tới là sẽ gieo sạ hơn 90% và gặt đập liên hợp hơn 70% diện tích. Những băn khoăn, trăn trở của Ban quản trị HTX bây giờ là tìm ra được giống lúa, vật nuôi, cây hoa màu đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ vậy, đó còn là tìm ra phương thức hợp tác kinh doanh, dịch vụ, liên kết chặt chẽ bốn nhà một cách bền vững, hiệu quả; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân, tạo điều kiện để nông dân gắn bó với đồng ruộng, đi lên làm giàu từ chính sản xuất nông nghiệp. Muốn làm được như vậy, ngoài sự cố gắng, nêu cao trách nhiệm của Ban quản trị HTX thì mỗi xã viên cũng cần gắn bó trách nhiệm hơn nữa với HTX, góp thêm vốn mới theo đúng quy định của Luật HTX để HTX Hợp Tiến phát triển hiệu quả, bền vững.
Theo Nhandan
Ý kiến ()