Hướng đi bền vững cho làng nghề truyền thống ở Phú Thọ
Sản xuất nhỏ lẻ manh mún, giá trị sản phẩm thấp, thị trường tiêu thụ khó khăn, chưa xây dựng được thương hiệu, cơ sở hạ tầng yếu kém, đây là thực trạng chung tại các làng nghề ở Phú Thọ hiện nay. Những khó khăn này đang đẩy nhiều làng nghề truyền thống đến nguy cơ mai một. Cả chục năm nay, làng đan lát xã Tùng Khê (Cẩm Khê) vẫn chủ yếu sản xuất các mặt hàng rổ, rá, nong nia,... tiêu thụ chủ yếu tại các phiên chợ quê trong xã, trong huyện. Vài năm trở lại đây, các sản phẩm này còn bị cạnh tranh gay gắt bởi những sản phẩm cùng loại được sản xuất từ chất liệu nhựa có màu sắc, hình thức phong phú, bắt mắt, giá thành hợp lý. Tiêu thụ các mặt hàng truyền thống gặp nhiều khó khăn, dẫn đến thu nhập của người làng nghề thấp, bình quân mỗi tháng mỗi hộ chỉ đạt khoảng 600- 700 ngàn đồng. Nghề đan lát chỉ góp phần trang trải thêm những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu hàng ngày, để làm giàu thì chưa ai nghĩ tới. Cả xã có tới...
Sản xuất nhỏ lẻ manh mún, giá trị sản phẩm thấp, thị trường tiêu thụ khó khăn, chưa xây dựng được thương hiệu, cơ sở hạ tầng yếu kém, đây là thực trạng chung tại các làng nghề ở Phú Thọ hiện nay. Những khó khăn này đang đẩy nhiều làng nghề truyền thống đến nguy cơ mai một.
Cả chục năm nay, làng đan lát xã Tùng Khê (Cẩm Khê) vẫn chủ yếu sản xuất các mặt hàng rổ, rá, nong nia,… tiêu thụ chủ yếu tại các phiên chợ quê trong xã, trong huyện. Vài năm trở lại đây, các sản phẩm này còn bị cạnh tranh gay gắt bởi những sản phẩm cùng loại được sản xuất từ chất liệu nhựa có màu sắc, hình thức phong phú, bắt mắt, giá thành hợp lý. Tiêu thụ các mặt hàng truyền thống gặp nhiều khó khăn, dẫn đến thu nhập của người làng nghề thấp, bình quân mỗi tháng mỗi hộ chỉ đạt khoảng 600- 700 ngàn đồng. Nghề đan lát chỉ góp phần trang trải thêm những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu hàng ngày, để làm giàu thì chưa ai nghĩ tới. Cả xã có tới 980 hộ làm nghề, chiếm quá nửa số hộ trong xã nhưng doanh thu cả năm của làng chỉ đạt 6,5 tỷ đồng.
Làng nghề truyền thống ủ ấm xã Sơn Vi (Lâm Thao) thời còn hưng thịnh, cả làng có tới hàng nghìn hộ làm nghề ủ ấm, nhưng nay toàn xã chỉ còn gần 20 hộ theo nghề. Sắp tới, nhiều nhà sẽ bỏ nghề này, phần vì sức khỏe không còn, phần vì thu nhập quá thấp nên nhiều người dân không còn tha thiết với nghề. Ông Nguyễn Văn Hảo, người gần cả đời làm nghề ở xã Sơn Vi cho biết, trong tình hình khó khăn như hiện nay, làng ủ ấm Sơn Vi đang bế tắc đầu ra, thu nhập của người lao động thấp, sản phẩm mang tính chất thủ công nên hình thức không bắt mắt, không đủ sức cạnh tranh với nhiều loại sản phẩm trên thị trường, khiến nhiều người dân bỏ nghề truyền thống. Hiện, Sơn Vi chỉ có những lớp người “ngoại tứ tuần” như ông Hảo vẫn còn theo nghề.
Theo Sở Công thương tỉnh Phú Thọ, trên địa bàn tỉnh hiện có 45 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, gồm các nghề mộc, đan lát mây tre, chế biến chè, chế biến nông sản thực phẩm, làm nón và thổ cẩm, xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng, trồng và kinh doanh sinh vật cảnh. Tuy nhiên, phần lớn các làng nghề đều nằm trong tình trạng sản xuất khó khăn, quy mô nhỏ lẻ, manh mún, giá trị sản phẩm thấp, thị trường tiêu thụ khó khăn, chưa xây dựng được thương hiệu, cơ sở hạ tầng rất yếu kém, nhiều làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một.
Để các làng nghề truyền thống thoát khỏi tình trạng khó khăn, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển bền vững cho các làng nghề. Theo đó, giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh Phú Thọ tập trung phát triển các làng nghề trọng điểm; gắn phát triển làng nghề với khai thác tốt tiềm năng du lịch, mở rộng xuất khẩu… Để thực hiện nhiệm vụ trên, tỉnh ưu tiên phát triển vùng nguyên liệu; ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất tiểu thủ công nghiệp; tổ chức định kỳ các hội chợ về ngành nghề nông thôn để giới thiệu sản phẩm truyền thống; xây dựng và phát triển làng nghề đã quy hoạch; tổ chức đào tạo nghề nông thôn trên toàn tỉnh; huy động mọi nguồn vốn để đầu tư phát triển làng nghề…
Tỉnh Phú Thọ cũng đã quy hoạch hình thành 22 cụm công nghiệp làng nghề với tổng diện tích gần 1.226 ha; trong đó mỗi huyện, thị xã, thành phố có từ 2-3 cụm, điểm công nghiệp, làng nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tỉnh tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.
Hy vọng, với những giải pháp và bước đi cụ thể, các làng nghề truyền thống của Phú Thọ sớm thoát khỏi khó khăn, từng bước khẳng định được vị trí của mình trên thị trường trong và ngoài nước.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()