Hướng đến ‘Việt Nam số’ trong tương lai
Các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực trong quá trình cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công thuận tiện cho người dân, DN theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động tiến trình hướng tới một “Việt Nam số”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Năm 2020, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã chia sẻ với báo chí về những vấn đề liên quan đến khối hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân, DN trong quá trình chuyển đổi số.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia sâu rộng và toàn diện. Bộ trưởng, Chủ nhiệm có thể đánh giá tổng quát kết quả đạt được trong chuyển đổi số quốc gia?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng:Chuyển đổi số quốc gia là xu thế không thể khác trong yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập toàn cầu.
Trước sự phát triển và ảnh hưởng ngày một sâu rộng của nền kinh trên thế giới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo mạnh mẽ việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số, xã hội số… Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: Năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động tiến trình hướng tới một “Việt Nam số”.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai và đạt được những kết quả quan trọng, như thực hiện gửi nhận văn bản điện tử, tiến tới xây dựng Chính phủ phi giấy tờ, cung cấp các dịch vụ công, chuyển đổi từ Chính phủ quản lý sang phục vụ người dân, DN…
Thứ nhất, đã xây dựng, phát triển một số hệ thống thông tin nền tảng quan trọng phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, đổi mới lề lối làm việc của các cơ quan nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số.
VPCP đã phát huy tính tiên phong, xây dựng và đưa vào vận hành một số hệ thống thông tin như Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cổng Dịch vụ công quốc gia… giúp tiết kiệm chi phí xã hội ước tính trên 8.500 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, việc xây dựng hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng thông tin… bước đầu được thiết lập. Đây là cơ sở cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực.
Thứ hai, công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hiện đại hóa quản trị công, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao và hỗ trợ người dân, DN thực hiện chuyển đổi số.
Chẳng hạn như đối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, từ ngày khai trương 9/12/2019 đến nay, đã có 2.700 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp gần 6.700 TTHC tại 4 cấp chính quyền với hơn 100,5 triệu lượt truy cập, hơn 417.000 tài khoản đăng ký và gần 745.000 hồ sơ với hơn 48.000 giao dịch thanh toán điện tử được thực hiện.
Số hóa là phải thực hiện hồ sơ số, người dân, DN có thể ngồi bất cứ đâu đều có thể thực hiện TTHC. Số hóa ở đây là thay vì việc người dân phải mang hồ sơ đến cơ quan hành chính mỗi lần thực hiện TTHC, thì việc cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia giúp người dân chỉ cần đăng ký tài khoản 1 lần và nhập thông tin 1 lần, toàn bộ dữ liệu sẽ được số hóa. Bên cạnh đó là sự kết nối và chia sẻ thông tin của các cơ quan, đơn cử như thay vì đến kho bạc nộp tiền thì có thể ngồi tại nhà kê khai thuế, nộp thuế qua điện thoại di động, hoặc máy tính.
Việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử này giúp hạn chế tiếp xúc với cán bộ thi hành công vụ. Như vậy, ngoài việc tiết kiệm thời gian, giúp minh bạch quá trình xử lý hồ sơ, còn góp phần giảm dịch bệnh trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn đang phức tạp.
Hệ thống pháp lý tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia trên các lĩnh vực đến nay đã được thực hiện như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng:Hành lang pháp lý phục vụ chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo xây dựng hoàn thiện, tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số. Qua đó nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng đã được ban hành, như thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; công tác văn thư, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến; gửi, nhận văn bản điện tử; mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu; Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025…
Đặc biệt, tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia (Quyết định số 749/QĐ-TTg), để thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi trong chuyển đổi số của các ngành, lĩnh vực, DN.
Như vậy, có thể thấy rằng, sự quyết tâm của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ, sự nỗ lực đổi mới, sự vào cuộc của cả hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức, DN… đã và đang góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xây dựng nền tảng số, hạ tầng số, dịch vụ số để hình thành hệ sinh thái phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, hướng đến “Việt Nam số” trong tương lai.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong chuyển đổi số của các ngành, lĩnh vực, DN. Vậy DN sẽ được tạo điều kiện như thế nào thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng:Vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng quan tâm hàng đầu để tạo động lực, cơ hội cho DN trong quá trình này, đó là thể chế.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một loạt quy định pháp luật, cơ chế chính sách thúc đẩy, hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN phát triển, như gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tối đa về vốn, thủ tục, cũng như các cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất cho dự án khởi nghiệp thuộc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, tháo gỡ khó khăn cho DN khi thực hiện một số quy định của Nghị định số 40/2013/NĐ-CP, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; thúc đẩy phát triển công nghệ số (Chỉ thị số 01/CT-TTg), Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Sắp tới sẽ ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển DN công nghệ số Việt Nam. Bên cạnh đó, một số bộ đã và đang xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch hỗ trợ DN chuyển đổi số.
Vấn đề thứ hai là cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, nhất là đối với quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, hỗ trợ DN tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ phục vụ chuyển đổi số. Đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công (tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm). Các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền.
Tất cả những điều đó cho thấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành các chính sách kịp thời để hỗ trợ DN thích ứng, đứng vững và phát triển trong giai đoạn vừa qua. Đồng thời, hỗ trợ DN thực hiện chuyển đổi số toàn diện các hoạt động sản xuất kinh doanh trên môi trường số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia đạt được mục tiêu đã đề ra.
Bộ trưởng có thể cho biết các giải pháp đã được đặt ra để có kết quả tích cực cho chuyển đổi số Việt Nam ở giai đoạn tiếp theo?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng:Trước hết chúng ta cần nhìn một cách tổng thể theo xu hướng phát triển, hội nhập. Trên cơ sở yêu cầu của xã hội, chúng ta không làm theo chủ quan, áp đặt. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không mang tính hình thức, mà phải thực chất, thể hiện qua các con số “biết nói”.
Vậy muốn có con số “biết nói”, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý nền tảng góp phần đẩy mạnh giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, xây dựng công dân điện tử, phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội, như ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử, về bảo vệ dữ liệu cá nhân…
Thứ hai, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, nhất là các quy định về hoạt động kinh doanh; thực hiện tái cấu trúc quy trình dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hỗ trợ DN tái cấu trúc quy trình, chuyển đổi số… để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện các hệ thống nền tảng phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số phục vụ sự chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số, lấy người dân, DN làm trung tâm. Tiếp tục phát triển các nền tảng, hạ tầng số hỗ trợ 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số quy định tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Thứ tư, các DN thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ để tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu kép là vừa phát triển kinh tế số, xã hội số, vừa phát triển để hình thành các DN có năng lực đi ra toàn cầu, cạnh tranh được với các DN trên thế giới, đặc biệt là các DN công nghệ thông tin, viễn thông, các DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Trong thời gian tới, tôi tin tưởng chúng ta sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nữa trong quá trình chuyển đổi số hướng đến Việt Nam số, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội.
Chính phủ đã dấn thân thì các DN cũng cần dấn thân để đưa Việt Nam và DN Việt Nam lên một vị thế mới.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP!
Ý kiến ()