Hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo
Sổ tay hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đã được ban hành. Cẩm nang nhằm hướng dẫn về quy trình và cách thức tổ chức thực hiện dự án cho cán bộ quản lý, tổ chức thực hiện ở các cấp , thuộc cơ quan chủ chương trình và các cơ quan, đơn vị chủ trì, thực hiện dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Mô hình trồng dưa hữu cơ ở xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, Quảng Ninh. (Ảnh: Quang Thọ) |
Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Sổ tay hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (dự án) để hướng dẫn về quy trình và cách thức tổ chức thực hiện dự án cho cán bộ quản lý, tổ chức thực hiện ở các cấp, chủ yếu là cấp tỉnh, huyện và xã, thuộc cơ quan chủ chương trình và các cơ quan, đơn vị chủ trì, thực hiện dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Mô hình giảm nghèo là các hình thức, phương thức, giải pháp hỗ trợ các nguồn lực để người nghèo, cộng đồng nghèo tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm tạo việc làm, thu nhập tốt, sinh kế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Sổ tay hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (sau đây gọi tắt là sổ tay) gồm ba phần chính. Phần thứ nhất giới thiệu một số khái niệm, nội dung, phạm vi, các nguyên tắc, quy trình xây dựng và tổ chức thực hiện dự án. Phần thứ hai hướng dẫn các bước xây dựng, phê duyệt dự án. Phần thứ ba hướng dẫn cụ thể các bước để tổ chức thực hiện dự án.
Sổ tay hướng dẫn một cách khái quát, có hệ thống quy trình chặt chẽ từ khâu chuẩn bị cho đến tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện dự án. Trong thực tế, dự án có thể được thực hiện theo nhiều hình thức và nội dung khác nhau. Do vậy, việc sử dụng sổ tay cần vận dụng một cách linh hoạt để bảo đảm mục tiêu, phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực tế.
Sổ tay nêu rõ, mô hình giảm nghèo là các hình thức, phương thức, giải pháp hỗ trợ các nguồn lực để người nghèo, cộng đồng nghèo tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm tạo việc làm, thu nhập tốt, sinh kế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia là việc sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần vốn cho các đối tượng của chương trình mục tiêu quốc gia và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng dịch vụ kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình, dự án giảm nghèo, tạo thu nhập ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân thuộc đối tượng của chương trình mục tiêu quốc gia.
Hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất gồm: Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ; hỗ trợ phát triển sản xuất đặc thù.
Đối tượng hỗ trợ gồm 2 nhóm chính.
Trước hết là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) trên phạm vi cả nước; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo. Tạo điều kiện để người yếu thế, dễ bị tổn thương, có hoàn cảnh khó khăn được tham gia.
Cùng với đó là hộ gia đình, tổ, nhóm hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân; cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trung tâm nghiên cứu, khoa học, công nghệ, kỹ thuật; cơ sở sản xuất, kinh doanh khác xây dựng, nhân rộng, phát triển dự án.
Đầu kỳ năm 2022, tính theo chuẩn nghèo đa chiều, cả nước còn 1.330.148 hộ nghèo và 1063.184 hộ cận nghèo. Ước tính, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm còn 2,93% và giảm xuống 0,9% vào cuối năm 2025.
Sổ tay cũng đề cập tới 6 sáu nguyên tắc trong thực hiện dự án
Một là, Ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện hoạt động phát triển sản xuất là hỗ trợ có điều kiện; thời gian hỗ trợ theo chu kỳ sản xuất hoặc theo thời hạn đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia. Ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ các dự án, kế hoạch, phương án, mô hình phát triển sản xuất thực hiện trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; mô hình, dự án giảm nghèo, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh do người khuyết tật, dân tộc thiểu số, phụ nữ, học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chủ trì thực hiện.
Hai là, tăng cường huy động vốn tín dụng, vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các tổ chức và cá nhân tham gia thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất. Thực hiện cơ chế lồng ghép nguồn vốn để thực hiện dự án.
Ba là, chi phí lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất (bao gồm chi phí khảo sát, đánh giá; thành lập hội đồng lựa chọn dự án, mô hình; lựa chọn đơn vị đặt hàng, giao nhiệm vụ; tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ; thẩm định giá trong phương án mua sắm vật tư, hàng hóa, dịch vụ) được tính trong kinh phí thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất hoặc kinh phí thường xuyên của cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất; không vượt quá 5% tổng kinh phí được giao để thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển xuất.
Bốn là, ưu tiên sử dụng giống cây trồng, vật nuôi và những hàng hóa, dịch vụ khác do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án. Đơn giá thu mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tính theo giá thị trường trên địa bàn tại cùng thời điểm, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận tại giấy biên nhận mua bán với người dân.
Năm là, các dự án, kế hoạch, phương án, mô hình (gọi chung là dự án) phát triển sản xuất phải bảo đảm tối thiểu 50% người dân tham gia dự án là đối tượng hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó ưu tiên nguồn lực hỗ trợ thực hiện dự án có hơn 70% người dân tham gia dự án là đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, phụ nữ thuộc hộ nghèo.
Sáu là, thanh toán, quyết toán nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất căn cứ kết quả nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành theo tiến độ từng năm hoặc giai đoạn.
Mỗi dự án có 6 bước cơ bản sau: (1) Thông báo rộng rãi kế hoạch thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất trên các phương tiện thông tin đại chúng; (2) xây dựng hồ sơ đề xuất dự án; (3) thẩm định dự án; (4) phê duyệt dự án; (5) Tổ chức thực hiện dự án; (6) báo cáo đánh giá kết quả thực hiện dự án.
Quy trình thực hiện dự án được gồm 8 bước cơ bản. Tùy điều kiện thực tế, một số bước có thể được rút ngắn hoặc bổ sung về nội dung, thành phần tham gia…
Cần lưu ý, các bước thực hiện dự án trên mang tính chất tương đối. Việc bồi dưỡng kiến thức, tập huấn, đào tạo chuyển giao kỹ thuật hay hỗ trợ kỹ thuật có thể phân kỳ theo tiến độ thực hiện dự án, theo thời kỳ sinh trưởng của cây, con giống hoặc hoạt động cung cấp dịch vụ; hoạt động kiểm tra giám sát có thể được thực hiện trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Trước đó, Văn phòng quốc gia về giảm nghèo cũng đã xây dựng và ra mắt cẩm nang về cơ chế, chính sách giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 ấn bản điện tử.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, đến hết năm 2021, tính theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2016-2020, trên toàn quốc có 609.049 hộ nghèo và 850.202 hộ cận nghèo.
Đầu kỳ năm 2022, tính theo chuẩn nghèo đa chiều, cả nước còn 1.330.148 hộ nghèo và 1063.184 hộ cận nghèo. Ước tính, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm còn 2,93% và giảm xuống 0,9% vào cuối năm 2025.
Ý kiến ()