Hungary và Slovakia nhượng bộ EU về vấn đề di cư
Hungary và Slovakia cuối cùng cũng phải nhượng bộ và tiếp nhận người nhập cư theo một hệ thống phân chia hạn ngạch của Ủy ban châu Âu theo phán quyết ngày 6/9 của tòa án tối cao châu Âu. Đây là nỗ lực của Liên minh châu Âu nhằm đối phó với làn sóng di cư khổng lồ đang đổ vào lục địa này kể từ năm 2015 đến nay.
Theo bản tóm tắt phán quyết của tòa án, “toàn bộ hành động của Slovakia và Hungary” đều bị bác bỏ. Chương trình hạn ngạch đồng thời cũng được tòa án giải thích “là điều cần thiết để phản ứng hiệu quả và nhanh chóng đối với tình huống khẩn cấp với lượng người di cư khổng lồ”.
Vụ kiện này của Ủy ban châu Âu cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong nội khối này khi họ phải tìm một giải pháp hiệu quả để ứng phó với dòng người tị nạn khổng lồ trong suốt hơn 2 năm qua, làm căng thẳng nguồn lực và khiến nền chính trị các quốc gia gặp nhiều bất ổn khi tồn tại các tư tưởng cực hữu bên cạnh các chính sách mở cửa đón người tị nạn.
Nhiều quốc gia đã tỏ ra thờ ơ với chính sách chia hạn ngạch người di cư của Liên minh châu Âu ngay từ đầu, nhưng Slovakia và Hungary là hai quốc gia có nhiều yêu sách nhất để từ chối chia sẻ gánh nặng. Đây trở thành vấn đề đau đầu của Ủy ban châu Âu.
Chương trình chuyển người tị nạn từ các điểm nóng ở châu Phi và Trung Đông cập cảng tại Hy Lạp và Italia vào năm 2015 đã đạt đến mức giới hạn của các quốc gia nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề.
Một số lượng lớn người nhập cư sau khi đến Hy Lạp và Italia đã được di chuyển đến các quốc gia như Đức và Thụy Điển, nhưng chương trình này diễn ra rất chậm do phải xét từng hồ sơ một và không phải ai cũng đủ điều kiện để nhập cư vào châu Âu.
Các quốc gia không thực hiện đúng hạn ngạch của mình sẽ bị phạt tiền, theo như phán quyết của tòa án tối cao ngày 6/9. Theo đó, Hungary buộc phải nhận 1.294 người, Ba Lan và Cộng hòa Séc cũng được yêu cầu tương tự. Slovakia đã có những bước tiến tích cực khi họ chấp nhận một lượng nhỏ người di cư từ Hy Lạp và sẵn sàng hợp tác với Ủy ban châu Âu về vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto đã gọi phán quyết này là “thái quá và vô trách nhiệm” và tuyên bố “trận chiến thực sự chỉ mới bắt đầu”, nhấn mạnh rằng họ sẽ không chấp nhận bất kỳ người tị nạn nào.
Hệ thống hạn ngạch được thiết lập ra là cách các quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu giảm áp lực cho Hy Lạp và Italia – điểm đến đầu tiên của những người tị nạn đang chạy trốn khỏi chiến tranh ở Syria. Theo ước tính, số người tị nạn chạy sang châu Âu đã vượt quá 1 triệu người. Tuy nhiên, chính sách hạn ngạch đã bị các nước Trung và Đông Âu phản đối, họ không muốn bị ràng buộc số người phải tiếp nhận.
Chương trình hạn ngạch này sẽ chính thức chấm dứt vào ngày 26/9 tới, những người nhập cư đến các nước thuộc Liên minh châu Âu đến trước thời hạn vẫn sẽ được chấp thuận nếu đủ điều kiện. Theo ước tính của các cơ quan chức năng châu Âu, chỉ riêng tháng 9 sẽ có khoảng 22.000 người đủ điều kiện để nhập cư. Tuy nhiên, chỉ có một nửa trong số đó có thể di chuyển sang một quốc gia khác.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đang cố gắng ngăn người tị nạn đặt chân lên lục địa này ngay từ đầu. Điều này đòi hỏi phải có mối quan hệ chặt chẽ với các quốc gia thứ ba như Niger và Libya – các chốt chặn của châu Phi và Trung Đông, hoặc phải cung cấp tiền cho các nước này để hạn chế người di cư.
Thực tế, Liên minh châu Âu đã tính tới điều này khi vào tháng 3 năm 2016, khối này đã đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ để có thể chặn những người tị nạn không đủ điều kiện nhập cư tại quốc gia này và sau đó trao trả về quê hương của họ. Liên minh châu Âu đã phải trả cho Thổ Nhĩ Kỳ 6 tỷ euro để có được sự giúp đỡ của quốc gia này, đồng thời thúc đẩy tiến trình đàm phán để đất nước có phần lãnh thổ nằm ở cả châu Âu và châu Á này có thể gia nhập Liên minh. Tuy nhiên, thỏa thuận này đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Tuần trước, thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố chấm dứt đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu với Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Tổ chức di cư quốc tế, tính từ đầu năm nay, đã có 125.860 người di cư sang châu Âu bằng đường biển. Gần 80% trong số đó cập bến tại Italia, phần còn lại đã đến đảo Síp, Hy Lạp và Tây Ban Nha. Hơn 2.500 người đã thiệt mạng trên hành trình vượt biển Địa Trung Hải, gióng lên hồi chuông cảnh báo buộc các nhà lãnh đạo châu Âu phải giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()