Hungary ngồi "ghế nóng"
Vừa chính thức tiếp nhận vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) chưa lâu (1-7), Hungary đã phải đối mặt với một loạt trở ngại như nguy cơ bị hủy bỏ hay rút ngắn nhiệm kỳ do những bất đồng chính sách với EU cùng những hành động bị châu Âu coi là “vô tổ chức”, đi ngược lại với định hướng chung của khối.
Châu Âu đã có những hành động đầu tiên nhằm hạn chế quyền lực của Hungary trên cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU. Ủy ban châu Âu (EC) đã tuyên bố sẽ hạ cấp độ tham gia các cuộc họp trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của Hungary trong 6 tháng cuối năm nay.
Theo Politico, Hungary trên cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU có kế hoạch tổ chức hội nghị ngoại trưởng EU tại Budapest từ ngày 28 đến 29-8, nhằm định hình chính sách đối ngoại của khối và để ngoại trưởng nước này đóng vai trò trung tâm. Tuy nhiên, dự định của Hungary đã sớm vấp phải những trở ngại. Ngoại trưởng các nước EU dự kiến sẽ tẩy chay hội nghị này, đồng thời tổ chức một hội nghị ngoại giao riêng. Theo tiết lộ của một số nhà ngoại giao EU với báo chí, ông Josep Borrell, quan chức phụ trách đối ngoại của EU, sẽ triệu tập các ngoại trưởng đến họp hội đồng đối ngoại vào thời gian Hungary tổ chức hội nghị này. Trong khi đó, Chủ tịch EC, bà Ursula Von de Leyen cho biết EC sẽ không tham gia ở cấp cao nhất trong các sự kiện không chính thức mà Hungary tổ chức trong nhiệm kỳ Chủ tịch của mình.
Trước đó, Hungary cũng đã gặp phải thái độ lạnh lùng của nhiều nước EU khi tại cuộc họp đầu tiên do nước này tổ chức trên cương vị Chủ tịch luân phiên để bàn về chính sách công nghiệp, chỉ có 7 bộ trưởng từ các nước thành viên có mặt và không có ủy viên nào tham dự.
Châu Âu muốn thông qua các động thái trên để răn đe các hành động được coi là “vô tổ chức” của Thủ tướng Hungary trong thời gian vừa qua. Một nhà ngoại giao EU cho rằng, bằng cách tẩy chay hội nghị ở Budapest, các ngoại trưởng muốn “gửi một tín hiệu rõ ràng rằng Hungary không được lên tiếng thay mặt EU”. Động thái này là phản ứng của EU trước việc Thủ tướng Hungary Viktor Orbán tự quyết định thực hiện hai chuyến đi gây tranh cãi đến Nga và Trung Quốc vào đầu tháng 7 để thảo luận về một lệnh ngừng bắn tại Ukraine, mà ông gọi là “sứ mệnh hòa bình”.
Tại cuộc họp diễn ra ở Brussels hôm 10-7 để thảo luận về chuyến thăm Nga và Trung Quốc của ông Orbán, Đại sứ của các quốc gia thành viên EU thậm chí đã đề xuất ý tưởng tước quyền Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU của Hungary và chuyển giao cho Ba Lan. Đức, Ba Lan và các nước vùng Baltic là những quốc gia đã kêu gọi xem xét việc rút tư cách Chủ tịch luân phiên của Hungary.
Chỉ một ngày sau khi Hungary nhậm chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, Thủ tướng Orbán đã ngay lập tức đến Kiev để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trước khi tới Nga và Trung Quốc với lý do là tiến hành “Sáng kiến hòa bình” nhằm đàm phán một lệnh ngừng bắn cho cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ông Orbán sau đó còn tới Mỹ để gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), gặp cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và thảo luận về cách giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Mặc dù đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU nhưng Hungary không được phép thay mặt EU bày tỏ quan điểm trên trường quốc tế. Do vậy, Thủ tướng Orbán đã bị cáo buộc lạm dụng vị thế của mình để thảo luận về kế hoạch “ngừng bắn” ở Ukraine, đi ngược lại lập trường của EU là hoàn toàn ủng hộ Kiev và chống lại Moscow.
Nhưng trên thực tế, căng thẳng giữa EU và Hungary đã có từ trước khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine. Dưới thời Thủ tướng Orbán, Hungary bị EU cho là đi ngược lại các chuẩn mực về dân chủ và pháp quyền, gây gián đoạn hoạt động của EU bằng cách ngăn chặn việc thông qua luật hoặc ngân sách để đạt được nhượng bộ trong những lĩnh vực không liên quan.
Và vấn đề hủy bỏ hay rút ngắn nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU của Hungary đã được thảo luận nhiều lần trong năm 2023, từ trước khi nước này chính thức đảm nhận cương vị này. Vào tháng 6-2023, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết đặt câu hỏi về “khả năng hoàn thành nhiệm vụ này một cách mang tính xây dựng và thiện chí” của Hungary. Hiện nay các nước EU đang thảo luận vấn đề bỏ phiếu chống lại Hungary cũng như các nguy cơ tiềm ẩn có thể làm tổn hại các giá trị của châu Âu.
Chưa rõ EU sẽ “xử lý” ra sao trước vấn đề đang phải đối mặt liên quan tới những động thái gây tranh cãi của Hungary trên cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU. Nhưng qua phản ứng mạnh mẽ đối với Hungary, châu Âu muốn chứng tỏ cho thế giới thấy sự đồng lòng nhất quán trong công tác đối ngoại cũng như đối nội của mình, đồng thời truyền đi lời cảnh báo bất cứ hành động nào làm tổn hại đến các giá trị của EU đều sẽ phải trả giá, không cứ đó là thành viên hay quốc gia đang giữ vị trí nào.
Ý kiến ()