Hưng Yên thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp
Hưng Yên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, gần các trung tâm kinh tế, sân bay, cảng biển, có hệ thống giao thông thuận lợi, 13 khu công nghiệp (KCN) đã được quy hoạch với tổng diện tích 3.685 ha. Ðây là những điều kiện thuận lợi để tỉnh thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.
Hưng Yên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, gần các trung tâm kinh tế, sân bay, cảng biển, có hệ thống giao thông thuận lợi, 13 khu công nghiệp (KCN) đã được quy hoạch với tổng diện tích 3.685 ha. Ðây là những điều kiện thuận lợi để tỉnh thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, phấn đấu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.
Quy hoạch đi trước một bước
Ðưa chúng tôi đi thăm KCN Thăng Long II, anh Vũ Quốc Nghị, cán bộ Ban Quản lý các KCN Hưng Yên giới thiệu: Ðây là KCN kiểu mẫu của tỉnh có quy mô 345 ha, đang là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. Các hoạt động xúc tiến đầu tư được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp đã thu hút được nhiều nhà đầu tư Nhật Bản. Ðến nay, KCN Thăng Long II đã tiếp nhận 46 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,1 tỷ USD; diện tích đất đã cho thuê chiếm 76% diện tích đất công nghiệp giai đoạn một. Các dự án đầu tư vào KCN Thăng Long II đều sử dụng công nghệ tiên tiến như: Hoya Glass Disk Việt Nam II, vốn đầu tư đăng ký 200 triệu USD; sản xuất các sản phẩm SMD (76 triệu USD); sản xuất vật liệu cực dương của pin lithium dùng cho ngành hàng không vũ trụ và ô-tô (41 triệu USD); sản xuất cánh sau và trục mô men cho máy bay thương mại (42 triệu USD)…
Ðến KCN Phố Nối A, hòa theo dòng người đang hối hả vào làm việc trong các nhà máy, tiếp chúng tôi, Giám đốc Xí nghiệp dịch vụ và quản lý hạ tầng KCN Phố Nối A Nguyễn Quang Thắng phấn khởi khoe: KCN Phố Nối A bây giờ khác trước nhiều, hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn thiện, đất công nghiệp giai đoạn một đã cơ bản được lấp đầy, đơn vị hiện tiếp tục thu hồi 204 ha đất, thi công hạ tầng giai đoạn hai để đón thêm những dự án mới. Nhớ lại vào đầu những năm 2000, do nhu cầu thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, với cơ chế “mở”, tỉnh Hưng Yên đã tiếp nhận đầu tư theo kiểu quy hoạch chạy theo dự án. Nhà đầu tư vào trước thường được ưu tiên lựa chọn địa điểm đẹp, nằm ven đường quốc lộ, tỉnh lộ, việc trả tiền đền bù đất đai, hoa màu, hỗ trợ lao động mỗi doanh nghiệp một kiểu đã dẫn đến một loạt các bất cập về đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), môi trường, hoạt động sản xuất, an toàn giao thông, an ninh trật tự… làm cho môi trường đầu tư chưa thật sự hấp dẫn đối với những doanh nghiệp lớn, nhất là doanh nghiệp nước ngoài. Từ thực tế này, tỉnh Hưng Yên đã rút kinh nghiệm, tập trung làm quy hoạch KCN Phố Nối A. Ðến nay, KCN này đã thu hút được 118 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 7.000 tỷ đồng và 531 triệu USD của doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo công ăn việc làm cho khoảng 18 nghìn lao động.
Công ty Hamaden( KCNThăng Long II) sản xuất dây cáp thiết bị điệnphục vụ ngànhcông nghiệp ô-tô.
Với phương châm “quy hoạch đi trước một bước”, trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội qua các thời kỳ, tỉnh Hưng Yên đã có 13 KCN với tổng diện tích 3.685 ha, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển các KCN cả nước. Các KCN đều nằm ở các vị trí thuận lợi, có hệ thống giao thông được kết nối với các trung tâm kinh tế, cảng biển, sân bay… Tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 11 KCN với tổng diện tích 2.485 ha; trong đó có tám KCN đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, ba KCN có quyết định thành lập. Theo Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Phạm Thái Sơn, quy hoạch đi trước đã giải quyết được nhiều vấn đề: Căn cứ vào quy hoạch đã được công khai, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân dành đất cho công nghiệp. Mọi người dân trong khu vực đều nắm rõ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chính sách đền bù, hỗ trợ GPMB, mọi thắc mắc được từng bước giải quyết, đơn thư khiếu nại giảm, công tác đền bù, GPMB có nhiều tiến bộ, tạo sự đồng thuận trong xã hội thực hiện chủ trương của tỉnh về hợp tác đầu tư. Ðiển hình, việc đền bù, GPMB giai đoạn hai ở KCN Thăng Long II, chỉ trong khoảng ba tháng các thủ tục thu hồi đất hoàn thành, nông dân nhận tiền đền bù, bàn giao hơn 125 ha cho chủ đầu tư. Thu hút các doanh nghiệp có năng lực quản lý, kinh nghiệm trong công tác xúc tiến đầu tư, có tiềm lực tài chính đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật KCN. Hỗ trợ, định hướng đầu tư, giúp doanh nghiệp lựa chọn, quyết định đầu tư vào KCN tổng hợp đa ngành, hay KCN chuyên ngành; chính sách ưu đãi đầu tư, giải quyết về vấn đề môi trường, an toàn giao thông…
Cùng với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch KCN, tỉnh Hưng Yên thành lập trung tâm hỗ trợ đầu tư, khuyến khích phát triển, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, điện, nước, thông quan hải quan, ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm; thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO trong công tác quản lý, các thủ tục hành chính được công khai minh bạch, đơn giản hóa, việc tiếp nhận và quản lý dự án đầu tư theo cơ chế “một cửa, một đầu mối”. Nhờ đó, môi trường đầu tư, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được cải thiện, các dự án đầu tư vào các KCN có tiến độ triển khai nhanh, phần lớn đã đi vào hoạt động sản xuất. Tính đến nay, các KCN của tỉnh Hưng Yên đã tiếp nhận 207 dự án đầu tư, trong đó 125 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 82 dự án có vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,7 tỷ USD và hơn 7.000 tỷ đồng; đã có 161 dự án đi vào hoạt động. Trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2012, có 66 dự án nước ngoài đầu tư vào KCN với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,3 tỷ USD, tăng hai lần về số dự án và tăng bốn lần về vốn đầu tư đăng ký, suất vốn bình quân là 20 triệu USD/dự án và 7,7 triệu USD/ha đất. Các dự án đi vào hoạt động đã tạo ra giá trị doanh thu năm 2012 hơn hai tỷ USD; giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động.
Cơ hội thu hút đầu tư
Ðể khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng và lợi thế của tỉnh, Tỉnh ủy Hưng Yên đã thông qua chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011-2015 định hướng đến năm 2020, với chủ trương phát triển nhanh công nghiệp theo hướng hiện đại, thích ứng và hội nhập quốc tế, ưu tiên các dự án lớn, công nghệ tiên tiến, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Ðặng Minh Ngọc cho biết: Tỉnh Hưng Yên đang tập trung thực hiện các nhóm giải pháp: Phối hợp, đẩy nhanh thi công các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường đê tả sông Hồng, đường nối giữa hai đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình và Hà Nội – Hải Phòng, đường 200, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện, xây dựng khu đô thị…; bảo đảm đồng bộ giữa phát triển công nghiệp với cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào KCN và quá trình đô thị hóa, các điều kiện hạ tầng về giao thông, điện, nước, hạ tầng xã hội phục vụ đời sống công nhân KCN, khu dân cư, dịch vụ. Ðầu tư, hỗ trợ cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nghề; đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu đại học Phố Hiến, phát triển mạng lưới đào tạo nghề; hướng nghiệp cho người lao động, nhất là lực lượng trẻ; xây dựng đội ngũ công nhân có ý thức kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, hiểu biết pháp luật. Ðẩy nhanh tiến độ xây dựng đô thị, đầu tư xây dựng các khu nhà ở cho công nhân KCN. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, có khả năng đóng góp nhiều cho ngân sách, đồng thời đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Phối hợp, đẩy mạnh công tác GPMB cho KCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, để tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tạo mặt bằng sẵn có để tiếp nhận các dự án đầu tư vào KCN. Phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư hạ tầng KCN, các tổ chức tư vấn xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Chuyển mạnh từ công nghiệp gia công sang công nghiệp chế biến và công nghiệp chế tạo nhằm nâng cao giá trị gia tăng và tạo khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu…
Với những nỗ lực trên, tỉnh Hưng Yên phấn đấu đến năm 2015, vốn đầu tư đăng ký trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đạt khoảng năm tỷ USD, hằng năm tạo việc làm cho hơn 20 nghìn lao động, đưa nền công nghiệp của tỉnh phát triển nhanh theo hướng hiện đại, bền vững; tỉnh Hưng Yên cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()