Hưng Yên phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại
Sau 5 năm triển khai Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ 18, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên đã thực hiện hoàn thành, hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để tỉnh Hưng Yên phát huy sức mạnh tổng hợp, đổi mới sáng tạo, xây dựng Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững.
Tập trung lãnh đạo thực hiện tốt ba khâu đột phá
Triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ 18, ngay đầu nhiệm kỳ 2015 – 2020, Ban Chấp hành (BCH) Ðảng bộ tỉnh Hưng Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện đồng bộ 6 chương trình của Tỉnh ủy và 10 đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo xây dựng, rà soát, bổ sung và phê duyệt gần 20 đề án ngành, chuyên ngành, lĩnh vực đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, một số nội dung có tầm nhìn đến năm 2030. Ðây là những chủ trương, giải pháp và định hướng quan trọng để triển khai thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, công tác xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong tỉnh; trong đó, có ba khâu đột phá: Tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp có giá trị gia tăng cao, hiện đại; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và đô thị, nhất là giao thông; đào tạo, đánh giá, sử dụng cán bộ thông qua việc đẩy mạnh luân chuyển cán bộ giữa các cấp và luân chuyển cán bộ ở các ngành cùng cấp.
Công tác xây dựng Ðảng được đổi mới mạnh mẽ, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành; cấp ủy đề ra chủ trương, xây dựng nghị quyết, quyết định những vấn đề lớn và định hướng lãnh đạo toàn diện. Thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, đánh giá, sử dụng cán bộ; hơn 7.000 lượt học viên được cử đi đào tạo về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và gần 67 nghìn lượt học viên được bồi dưỡng theo chức danh, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Ðảng và cập nhật kiến thức mới. Ðến nay, 100% cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có trình độ chuyên môn đại học trở lên, tỷ lệ trên đại học đạt hơn 33%; trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân đạt hơn 91%. Trong nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã kiện toàn, bổ sung các chức danh chủ chốt; luân chuyển, bổ nhiệm 128 đồng chí (luân chuyển 32 đồng chí, bổ nhiệm 96 đồng chí), giới thiệu ứng cử 57 đồng chí, thực hiện quy trình luân chuyển cán bộ là Tỉnh ủy viên lên Trung ương và đi địa phương khác. Vai trò tiền phong gương mẫu của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp được đề cao, gương mẫu nói đi đôi với làm, tạo sức lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đã tác động lớn đến cải cách hành chính và sự phát triển kinh tế của tỉnh Hưng Yên.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Hưng Yên đã tiếp nhận 816 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, tăng 34,4% so với giai đoạn 2011 – 2015. Trong đó, có 625 dự án trong nước với vốn đăng ký hơn 61.700 tỷ đồng; 191 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký hơn 2,24 tỷ USD; nâng tổng số dự án đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh lên 1.985 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 140 nghìn tỷ đồng và hơn 5 tỷ USD (tổng số vốn đăng ký tương đương hơn 11 tỷ USD, mục tiêu đại hội đạt 10 tỷ USD). Công tác thu hút, tiếp nhận đầu tư có chọn lựa các dự án đầu tư đã hướng mạnh vào các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) được quy hoạch, thu hút một số dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, có khả năng tham gia sâu chuỗi liên kết khu vực và toàn cầu. Cơ cấu thu hút đầu tư có sự chuyển dịch tích cực, tập trung nhiều hơn vào dự án sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài vào các KCN, như KCN: Thăng Long II, Phố Nối A, Phố Nối B, Yên Mỹ… Thu hút đầu tư đạt khá đã tác động mạnh đến phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giai đoạn 2016 – 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Hưng Yên tăng bình quân 10,73%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 gấp hơn 1,7 lần so với năm 2015; có thêm 284 dự án đi vào hoạt động, nâng tổng số dự án đi vào hoạt động đến cuối năm 2020 là 1.034 dự án; giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 178 nghìn lao động. Tỉnh Hưng Yên thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 đáp ứng yêu cầu phát triển; đã quy hoạch 13 KCN tập trung với quy mô 3.048 ha; mở rộng 1 KCN và thành lập thêm 3 KCN, nâng tổng số lên 7 KCN đi vào hoạt động, với 1.779 ha đất KCN được triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng; tổng diện tích đất trong các KCN đã cho thuê đạt gần 70%. Hầu hết các dự án đầu tư vào các KCN có tiến độ triển khai nhanh, sớm đi vào hoạt động. Ðặc biệt, KCN, đô thị và dịch vụ Lý Thường Kiệt với quy mô gần 3.000 ha đã được hình thành, tạo bước đột phá trong quá trình phát triển công nghiệp của tỉnh ở những năm tới.
Xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông được đầu tư lớn, tỉnh Hưng Yên đã triển khai thực hiện hiệu quả chương trình phát triển giao thông – vận tải và chương trình phát triển đô thị tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2015 – 2020. Hoàn thành đầu tư hơn 1.000 km đường giao thông ở các cấp đường, góp phần tạo mạng lưới giao thông Hưng Yên thông suốt, kết nối thuận lợi với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong khu vực. Các tuyến đường huyết mạch hoàn thành tạo sức hấp dẫn lớn các nhà đầu tư, như: cầu Hưng Hà và đường nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình (giai đoạn 1); cầu La Tiến và đường ÐT.386; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 38, đường đê tả sông Luộc. Hạ tầng lưới điện được quan tâm đầu tư phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp và đời sống nhân dân. Hạ tầng công nghệ thông tin phát triển nhanh, 100% xã, phường, thị trấn được cung cấp dịch vụ internet, mạng cáp quang và phủ sóng di động 4G. Hạ tầng đô thị phát triển về chiều sâu, cơ bản hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và hạ tầng dịch vụ của các đô thị, thị trấn trung tâm; có thêm 13 xã được công nhận đô thị loại V.
Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt ba khâu đột phá đã tạo sức phát triển lan tỏa trên nhiều lĩnh vực: Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả cao, an toàn và bền vững, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2020 tăng 1,14 lần so với năm 2015. Công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp hoàn thành tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực. Giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh chuyển đổi 9.700 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm, kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi tập trung theo mô hình VietGAP. Các ngành nghề truyền thống và dịch vụ ở nông thôn phát triển khá. Năm 2019, 100% số xã của tỉnh Hưng Yên đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu đến hết năm 2020 toàn bộ 10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tỉnh đạt nông thôn mới; có 28 xã hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển khá; hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh; tổ chức nhiều sự kiện quảng bá, giới thiệu, kết nối cung cầu tiêu thụ hàng hóa cấp tỉnh, cấp khu vực và tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế. Giáo dục, y tế, văn hóa… phát triển, đáp ứng cơ bản nhu cầu của xã hội; an sinh xã hội được quan tâm; an ninh, quốc phòng được giữ vững.
Nhìn chung, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ 18, Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên đã hoàn thành, hoàn thành vượt mức 15 chỉ tiêu quan trọng, một chỉ tiêu cơ bản hoàn thành. Kinh tế duy trì phát triển ổn định với chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tiềm lực, quy mô kinh tế tăng lên, quy mô kinh tế năm 2020 đạt hơn 102 nghìn tỷ đồng gấp 1,73 lần so với năm 2015; bình quân giai đoạn 2016 – 2020 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,38%/năm (mục tiêu tăng từ 7,5 đến 8%/năm). Ðến năm 2020: Tỷ trọng khu vực nông nghiệp, thủy sản chiếm 9,65%; công nghiệp, xây dựng chiếm 61,5%; thương mại, dịch vụ chiếm 28,85%. Giá trị xuất khẩu đạt 5,3 tỷ USD; giá trị thu được bình quân trên 1 ha canh tác đạt 210 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước đạt 14.865 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 79,57 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,8%; tỷ lệ làng, khu phố văn hóa đạt 89%; gia đình văn hóa đạt 91,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%. 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế…
Ðổi mới, sáng tạo phấn đấu hoàn thành mục tiêu
Qua việc triển khai Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ 18, và những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, tỉnh Hưng Yên đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu: Chủ động khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh gần Thủ đô Hà Nội, trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng. Xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tạo sự đoàn kết thống nhất và xây dựng trong từng tập thể lãnh đạo. Thực hiện tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành thực hiện nghị quyết. Người đứng đầu các cấp, các ngành, các lĩnh vực có tâm, đủ tầm, có năng lực nổi trội và uy tín để bảo đảm tính nêu gương trong quy tụ đoàn kết, chỉ đạo thực hiện. Xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất, có khát vọng cống hiến với đất nước, quê hương. Xác định đúng những nội dung trọng tâm, đột phá, xác định được việc khó, việc mới để phân công người chịu trách nhiệm, tập thể chịu trách nhiệm. Khi ban hành các chủ trương, nghị quyết cần bám sát thực tiễn, tính khả thi và điều kiện để bảo đảm chủ trương, nghị quyết đó được thực hiện có hiệu quả. Thực hiện tốt công tác dân vận, nhất là công tác dân vận chính quyền, từng chính sách cụ thể đều phải được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng, khách quan tác động đến người dân, để từ đó người dân ủng hộ chủ trương của Ðảng và điều hành của chính quyền. Ðộng viên và phát huy các nguồn lực trong nhân dân, gắn tăng trưởng kinh tế – xã hội với tiến bộ, công bằng xã hội; lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân là trung tâm trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết.
Từ những kinh nghiệm được đúc rút qua thực tiễn và những thành tựu đã đạt được, Ðảng bộ chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp, đổi mới, sáng tạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm 2020 – 2025 đạt 7,5 đến 8%; giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng 2 đến 2,5%/năm; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9 đến 10%/năm, giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ tăng 7 đến 7,5%/năm. Ðến năm 2025: GRDP bình quân đầu người 130 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp, thủy sản 6%; công nghiệp, xây dựng 66%; thương mại, dịch vụ 28%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 21.500 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt 8,5 tỷ USD. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1%. Có 55 đến 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25 đến 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 71%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 98%, bảo hiểm xã hội 45%. Duy trì tỷ lệ số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 100%; tỷ lệ gia đình văn hóa hơn 92%. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt mức xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ hơn 70%; trong đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt 20%. Tỷ lệ tổ chức chính trị – xã hội đạt mức xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ hơn 75%; trong đó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt 20%… Ðưa Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững.
Ý kiến ()