Hưng Yên phấn đấu sớm trở thành tỉnh công nghiệp
Tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp có giá trị gia tăng cao, hiện đại là khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong phát triển kinh tế của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2015-2020.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, năm năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội: Tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 7,8%. Cơ cấu kinh tế tỉnh chuyển dịch tích cực, đúng hướng, phát huy ngày càng hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh; công nghiệp – xây dựng 49%, nông nghiệp 13%, thương mại – dịch vụ 38%. Tổng thu ngân sách năm 2015 ước đạt 8.000 tỷ đồng.
Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, chuyển đổi mạnh theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa có chất lượng và giá trị kinh tế cao, thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác đạt hơn 150 triệu đồng/năm. Xây dựng nông thôn mới được quan tâm đầu tư; hệ thống thủy lợi được xây mới, cải tạo, nâng cấp, chủ động tưới tiêu hơn 95% diện tích; 72% số xã, thị trấn hoàn thành dồn thửa đổi ruộng đất nông nghiệp; bình quân toàn tỉnh đạt 14,7 tiêu chí/xã, 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới; diện mạo nông thôn đổi mới, khởi sắc. Nhiều dự án đầu tư xây dựng đường giao thông trọng điểm đưa vào sử dụng; tỉnh lộ 200, đường liên tỉnh Hưng Yên – Hà Nội, đường đê tả sông Hồng, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng… đã tạo động lực mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, xây dựng các đô thị hiện đại.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có đổi mới, tạo được chuyển biến rõ nét trên nhiều mặt, Tỉnh ủy và các cấp ủy thực hiện có hiệu quả Đề án số 05-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, bố trí ở huyện, thành phố có ít nhất một đồng chí Thường trực cấp ủy không phải là người địa phương. Chương trình cải cách hành chính được đẩy mạnh, gắn đồng bộ với công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí, thực hành tiết kiệm và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tạo sự chuyển biến rõ nét ở nhiều lĩnh vực.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ 18, nhiệm kỳ 2015-2020 đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế: Kinh tế tăng trưởng khá nhưng chưa bền vững. Sản xuất nông nghiệp quy mô còn nhỏ, chưa hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, đô thị còn chậm. Đa số doanh nghiệp nhỏ, dự án nhỏ nên sức cạnh tranh của phần lớn doanh nghiệp còn thấp, khả năng thích ứng với những biến đổi bất lợi cho sản xuất, kinh doanh chưa cao. Chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo nghề chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển. Ô nhiễm môi trường còn xảy ra ở nhiều nơi… ĐỂ khắc phục những khó khăn, thực hiện mục tiêu tỉnh Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp, tại kỳ họp thứ hai BCH Đảng bộ tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ nhấn mạnh; Tỉnh ủy Hưng Yên sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp có giá trị gia tăng cao, hiện đại; đây là khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong phát triển kinh tế của nhiệm kỳ 2015 – 2020. Trong đó, tập trung rà soát, đổi mới và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế chính sách, các giải pháp thiết thực để cải thiện rõ nét môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thu hút mạnh các dự án đầu tư nước ngoài có suất đầu tư lớn, công nghệ cao, thân thiện môi trường. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch. Xử lý triệt để các cơ sở ô nhiễm môi trường gây bức xúc; ngăn chặn và giải quyết tốt tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, lưu vực sông, kênh, các khu, cụm công nghiệp và ở các đô thị. Huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội và đô thị, nhất là xây dựng giao thông; đây là khâu đột phá quan trọng thứ hai. Trong đó, tăng cường huy động theo quy định các nguồn vốn ngoài nhà nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; nghiên cứu thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công- tư (PPP) đối với công trình phù hợp để dành vốn ngân sách đầu tư cho các công trình quan trọng cấp thiết. Rà soát, bổ sung, điều chỉnh phù hợp các chương trình, đề án và quy hoạch của ngành nông nghiệp gắn với đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thực hiện tốt việc chuyển đổi từ trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây hằng năm, kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Xây dựng nông thôn mới cần coi trọng chất lượng, làm đến đâu phải vững chắc đến đó, không nóng vội, chủ quan, hình thức; huy động sức dân phù hợp, không tùy tiện, nhất là đối với hộ nghèo và gia đình chính sách. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chợ, trung tâm thương mại đã được phê duyệt, nhất là xây dựng các chợ ở trung tâm các huyện, thành phố. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại gắn với xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm hàng hóa của tỉnh. Chú trọng phát triển các ngành dịch vụ, thương mại có tiềm năng, lợi thế như; dịch vụ tài chính – ngân hàng, viễn thông, thương mại điện tử; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()