Hưng Yên nhân rộng mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản
Vừa qua, tỉnh Hưng Yên triển khai thành công đề án “Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản” theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Ðề án đã dành kinh phí hơn 26 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm; trong đó, áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến vào chuỗi sản xuất kinh doanh thực phẩm, phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Ngoài ra, các mô hình tham gia còn được hỗ trợ ban đầu cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất thực phẩm an toàn gồm: hệ thống cấp, thoát nước; đường điện hạ thế; nhà lưới, nhà màng; xử lý chất thải bảo vệ môi trường; xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm hỗ trợ, thực hiện đánh giá, mở rộng, duy trì chứng nhận VietGAP, VietGAHP; tem nhãn nhận diện sản phẩm; thông tin truyền thông, quảng bá sản phẩm; bán hàng.
Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác xã trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ, định hướng xuất khẩu. Hiện trên địa bàn Hưng Yên đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình. Toàn tỉnh có 26 sản phẩm được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; trong đó có ba sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu cộng đồng. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục hướng dẫn hỗ trợ các cơ sở sản xuất và kinh doanh theo hướng mở rộng quy mô, đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nâng cao giá trị gia tăng.
* Nhằm phát triển kinh tế tại các địa phương ven biển theo hướng lâu dài, an toàn, bền vững, tỉnh Ninh Thuận tập trung triển khai đề án tổ chức lại nghề khai thác thủy sản theo hướng hiện đại. Trong năm 2020, nhiều ngư dân ở địa phương đã mạnh dạn đầu tư, cải hoán tàu thuyền để đủ sức vươn khơi, bám biển dài ngày. Các tàu thuyền khai thác gần bờ đang dần được hướng dẫn chuyển đổi, nâng cấp để vươn khơi, bám biển. Ðây là cách để khu vực biển vùng ven bờ có thời gian phục hồi các loài, bảo tồn hệ sinh thái biển được đa dạng, phong phú. Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hỗ trợ ngư dân kỹ thuật khai thác, tư vấn pháp luật nhằm làm thay đổi tập quán đánh bắt ven bờ lâu nay của ngư dân địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện kế hoạch phục hồi hệ sinh thái gần bờ, tạo không gian sống thoáng đãng, thuận lợi cho các loài thủy sản. Cùng với kế hoạch phục hồi hệ sinh thái ven bờ, bảo tồn các rạn san hô để hệ sinh thái thêm đa dạng, phong phú, Ninh Thuận cũng thực hiện chuyển đổi nghề cho các hộ ngư dân khai thác gần bờ sang các lĩnh vực khác như phát triển mô hình du lịch sinh thái, các mô hình nuôi trồng thủy sản, mà đặc trưng nhất là cung cấp giống thủy sản cho cả nước. Hiện, toàn tỉnh có khoảng 450 cơ sở hoạt động sản xuất tôm giống, trong đó có nhiều công ty, tập đoàn quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ trong quy trình chăm sóc, ương nuôi, sản xuất con giống chất lượng cao cung cấp cho thị trường cả nước.
Ý kiến ()