Hưng Yên mở rộng vùng trồng cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP
Trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên).
Toàn tỉnh hiện có hơn 10 nghìn héc-ta trồng cây ăn quả, trong đó nhóm cây chủ lực là nhãn, vải, cây có múi chiếm hơn tám nghìn héc-ta. Có 20 đơn vị sản xuất cây ăn quả nhãn, vải, cây có múi với quy mô lớn, tập trung ở các huyện Khoái Châu, Kim Động, Phù Cừ và TP Hưng Yên. Trong đó, tổng diện tích đã được cấp chứng nhận VietGAP là hơn 200 ha, diện tích đang triển khai để cấp chứng nhận là gần 150 ha. Có hai hợp tác xã (HTX) và một tổ hợp tác trồng cây nhãn đã được cấp chứng nhận VietGAP trên tổng diện tích hơn 65 ha: HTX nhãn lồng Nễ Châu (TP Hưng Yên), HTX nhãn Miền Thiết (huyện Khoái Châu), tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ nhãn lồng Hồng Nam (TP Hưng Yên).
Với vùng sản xuất cam, có năm HTX và một doanh nghiệp đã được cấp chứng nhận VietGAP trên diện tích hơn 80 ha gồm: HTX sản xuất và tiêu thụ cam Quảng Châu, HTX sản xuất rau quả dịch vụ thương mại xã Đồng Thanh, HTX dịch vụ thương mại nông sản hữu cơ Hồng Tiến, HTX nông nghiệp Đức Vinh, HTX nông sản Phú Quý, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển TTM Farm. Tại tỉnh Hưng Yên còn có vùng sản xuất vải lai chín sớm ở huyện Phù Cừ; trong đó có 60 ha đã đạt chuẩn VietGAP. Từ nhiều năm nay, cây vải lai chín sớm ở đây được thâm canh bằng phương pháp hữu cơ, cho ra sản phẩm chất lượng tốt, chiếm lĩnh thị trường.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, từ nay đến năm 2020, Sở sẽ tổ chức cấp giấy chứng nhận VietGAP cho ba loại cây ăn quả chủ lực gồm: cây nhãn, cây vải, cây có múi tại hơn 160 vùng sản xuất tập trung, với tổng diện tích gần 2.200 ha. Sở sẽ phối hợp các huyện, thành phố lựa chọn, xác định vùng trồng cây ăn quả đủ điều kiện để tổ chức cấp chứng nhận theo yêu cầu; đồng thời tư vấn, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác tại các vùng được lựa chọn.
* UBND tỉnh Tây Ninh vừa phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng cửa khẩu quốc tế Tân Nam, xã Tân Bình, huyện Tân Biên với quy mô 43,07 ha (trong đó đất rừng đặc dụng là 34,07 ha).
Theo đồ án quy hoạch, cửa khẩu quốc tế Tân Nam có ranh giới phía đông giáp đường 791, phía tây giáp Cam-pu-chia, phía nam và bắc giáp đất rừng đặc dụng. Cửa khẩu gồm các khu cơ quan hành chính quản lý, trạm kiểm soát biên phòng, quảng trường, khu thương mại, dịch vụ tổng hợp, dịch vụ cửa khẩu, các kho, bãi tập kết kiểm hàng hóa, bãi xe,… Trong giai đoạn 2019 – 2020, tỉnh Tây Ninh sẽ đầu tư xây dựng Trạm kiểm soát biên phòng, nhà kiểm soát liên hợp; nâng cấp đường 791, đầu tư mở rộng trục chính đi qua cửa khẩu. Giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh sẽ mở rộng cầu Tân Nam, đầu tư hoàn chỉnh đường 791 và hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên trục chính đi qua cửa khẩu; công trình quản lý cửa khẩu, quảng trường, sân nghi lễ…
Cửa khẩu Tân Nam đối diện với cửa khẩu Miên Chay, xã Ka Bao, huyện Cam Chay Mia, tỉnh Pray Veng, Vương quốc Cam-pu-chia. Cặp cửa khẩu Tân Nam – Miên Chay cách TP Hồ Chí Minh khoảng 150 km.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương nâng cấp cửa khẩu phụ Tân Nam thành cửa khẩu quốc tế.
Ý kiến ()