Hưng Đạo: Nhân rộng mô hình trồng quế
(LSO) – Trong những năm gần đây, người dân xã Hưng Đạo, huyện Bình Gia tích cực mở rộng diện tích trồng quế, đưa cây trồng này trở thành một trong những loại cây chủ lực trên địa bàn.
Vào những ngày cuối tháng 5/2020, qua lời giới thiệu của cán bộ xã, chúng tôi đến nhà ông Nông Văn Thảm, thôn Pác Khiếc – người đầu tiên đưa giống quế từ Yên Bái về trồng tại xã Hưng Đạo. Ông Thảm cho biết: Qua học tập bạn bè và tìm hiểu kiến thức từ các phương tiện thông tin đại chúng, đầu năm 2016, tôi đến Văn Yên (Yên Bái) mua cây quế giống về trồng trên 1 ha đất đồi. Sau một năm chăm sóc, thấy cây phát triển khỏe mạnh nên gia đình mở rộng diện tích trồng thêm 2,5 ha nâng tổng diện tích trồng quế lên 3,5 ha với hơn 3 vạn cây. Từ năm 2019, gia đình tôi đã tỉa cành ép vỏ quế, mang lại thu nhập cho gia đình hơn 50 triệu đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, rừng quế của gia đình được tư thương trả giá trên 800 triệu đồng.
Người dân xã Hưng Đạo chăm sóc rừng quế
Thấy cây quế phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh trưởng, phát triển tốt, bà con thôn Pác Khiếc đã học tập cách chăm sóc quế và mở rộng diện tích trồng quế. Để việc phát triển kinh tế từ trồng quế được thuận lợi, tháng 5/2017, tổ nghề nghiệp (gồm 7 thành viên) của thôn được thành lập nhằm hỗ trợ bà con về giống, kỹ thuật chăm sóc. Đến nay, thôn Pác Khiếc có khoảng 130 hộ dân trồng quế (chiếm 90% số hộ toàn thôn), mỗi hộ có từ 0,5 ha đến 5 ha quế.
Cùng với Pác Khiếc, các thôn khác trên địa bàn xã cũng bắt đầu đưa cây quế vào trồng. Theo tổng hợp từ UBND xã, hiện nay, Hưng Đạo có gần 100 ha quế tập trung tại các thôn: Pác Khiếc, Nà Bưa, Bản Chu. Hai năm gần đây, xã có 20 hộ gia đình đã bắt đầu được tỉa cành ép vỏ quế, thu nhập từ 30 đến 50 triệu đồng/năm. Nhiều vườn quế đã được thương nhân đến trả giá từ 300 đến 800 triệu đồng/vườn. Việc phát triển mô hình quế không những tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con mà còn góp phần tích cực trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Ông Đàm Văn Hưng, thôn Nà Bưa cho biết: So với các cây trồng khác như keo, bạch đàn, thì cây quế phù hợp với đất đai và điều kiện chăm sóc của bà con nơi đây. Cây quế dễ trồng, dễ chăm sóc, có tỷ lệ sống cao, không phải bón phân hay phun thuốc nhiều. Với người trồng quế, trong 3 năm đầu sau khi trồng, phải làm cỏ, phát quang đồi rừng đều đặn để cây phát triển. Từ năm thứ tư trở đi, cây quế cho thu hoạch, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Với hơn 1 ha quế, đầu năm 2020, gia đình tôi đã tỉa cành ép vỏ quế, thu nhập được 15 triệu đồng. Hiện hại, gia đình đang ươm giống và dự kiến trồng thêm 2 ha trong năm tới.
Để đưa quế trở thành cây trồng chủ lực của xã, cấp ủy, chính quyền xã Hưng Đạo đã quan tâm chỉ đạo, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp trong đó có hỗ trợ vốn vay, tập huấn, tuyên truyền, khuyến khích bà con chuyển đổi giống cây trồng. Từ năm 2017 đến nay, xã đã mở 2 lớp dạy nghề trồng trọt cho 70 học viên; mỗi năm tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc rừng cho 300 đến 400 lượt người dân. Qua đây, người dân được trang bị kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng nói riêng, rừng quế nói chung.
Ông Hoàng Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo cho biết: Với hiệu quả bước đầu mang lại, việc trồng quế đã mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế rừng trên địa bàn. Thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con quan tâm đầu tư trồng rừng, nhất là quế để hình thành vùng chuyên canh. Cùng với đó, nghiên cứu việc thành lập hợp tác xã nhằm đảm bảo cung cấp giống cây, bao tiêu sản phẩm để người dân yên tâm phát triển kinh tế từ cây quế.
Ý kiến ()