Hua Cầu khát nước sạch
LSO- Bà Lý Thị Hạnh, Chủ tịch UBND xã Đông Quan, huyện Lộc Bình cho biết: Nhiều năm nay, tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt của 150 hộ dân ở thôn Hua Cầu vẫn chưa được khắc phục. Nguyên nhân, do chính quyền xã thiếu kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước, nên người dân hằng ngày phải đi xin nước, hoặc phải mua nước về dùng với giá cao (80.000 đồng/m3 )…
Giếng nước nhà ông Vi Văn Cốc đào sâu 7 m chỉ dành để hứng nước mưa
Năm 2007, từ nguồn vốn Chương trình 134, thôn Hua Cầu đã được đầu tư xây dựng 2 bể chứa nước và lắp đặt đường ống dẫn nước tự chảy từ hồ Bản Chành, xã Lợi Bác. Tuy nhiên, chỉ sau 6 tháng đưa vào sử dụng, hệ thống cấp nước đã không còn phát huy tác dụng. Nguyên nhân, do đường ống không được bảo quản, xuống cấp, dẫn đến nước không còn đủ áp lực chảy đến cuối nguồn là thôn Hua Cầu.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết do cấu trúc địa chất, nên hầu hết các giếng nước ở Hua Cầu chỉ đào sâu được từ 5-7 m và giếng chỉ có nước vào mùa mưa; còn đào giếng sâu hơn 7 m hoặc khoan thì gặp nước nhiễm than đá không thể sử dụng được. Chính vì vậy, nhiều gia đình thuê thợ đào giếng khi gặp vỉa than đã lâm vào cảnh mất tiền vẫn không có nước sử dụng. Ông Vi Văn Cốc, người dân trong thôn chia sẻ: “Để chủ động nguồn nước sinh hoạt hằng ngày, gia đình tôi đã thuê thợ đào 4 lần giếng, chi phí trên 16 triệu đồng, nhưng vừa đào sâu được hơn 7 m đã gặp vỉa than nên phải dừng. Bây giờ, hằng ngày gia đình tôi phải đi xin nước ở xóm Khuổi Luổng, cách xa nhà 1,5 km”.
Ông Hoàng Văn Lộc, Trưởng thôn Hua Cầu khẳng định: “Vào mùa khô như hiện nay, hầu như giếng nước nhà nào ở trong thôn cũng khô cạn, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Một số ít gia đình có điều kiện thì mua nước sạch về sử dụng với giá cao 80.000 đồng/m3, còn lại đều phải đi xin nước cách xa nhà từ 1-2 km. Điều đáng lo nhất hiện nay là, do thiếu nước sạch nên đa phần người dân nơi đây thường lấy nước ở suối Hua Cầu và nước ao về để tắm, giặt, không đảm bảo vệ sinh. Theo quan sát, mặt nước ao ở đây có váng màu vàng nhiễm phèn; còn nước suối thì màu đen do nhiễm rác thải và nước thải chăn nuôi.
Việc thiếu nước không những ảnh hưởng đến điều kiện sống của người dân mà còn ảnh hưởng đến phát triển sản xuất, chăn nuôi và vệ sinh môi trường. Chị Hoàng Thị Cửu người dân trong thôn chia sẻ: “Vụ đông năm 2016, gia đình gieo trồng được 1,5 sào rau và khoai tây, cây mọc lên khỏi mặt đất thì bị héo hết, do không có nước tưới”. Còn chị Vi Thị Hằng, cùng ở trong thôn cho biết: “Nhà tôi nuôi đàn lợn 20 con, do thiếu nước sạch, gia đình phải lấy nước ao về chăn lợn.
Để khắc phục thực trạng trên, theo ông Vi Văn Chùng, Phó trưởng thôn cho biết: “Thôn Hua Cầu liền kề với khu dân cư Sơn Hà, thị trấn Na Dương. Do vậy, nhân dân thôn chúng tôi đã họp bàn thống nhất, đóng góp tiền để xây lắp đường ống nước nối tiếp với đường ống ở khu dân cư Sơn Hà là có nước sạch sử dụng. Từ tháng 9/2016, thôn Hua Cầu đã lập danh sách các hộ gia đình và làm văn bản đề nghị với Chi nhánh Cấp thoát nước huyện Lộc Bình, nhưng đến nay, chưa được giải quyết”.
Mong mỏi có nước sạch sinh hoạt là hoàn toàn chính đáng. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, người dân thôn Hua Cầu sẽ nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, sớm đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch để đảm bảo sinh hoạt và sản xuất.
Bài, ảnh: THẾ BẢO
Ý kiến ()