HTX Thuỷ sản Cấm Sơn: Hiệu quả từ nuôi cá tầm thương phẩm
– Năm 2009, ông Nguyễn Văn Xuân, xã Hoà Lạc, huyện Hữu Lũng là người đầu tiên tại xã thí điểm mô hình nuôi cá tầm thương phẩm. Sau nhiều năm thực hiện, mô hình phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao. Đến đầu năm 2020, được sự hướng dẫn của UBND xã, ông Xuân đăng ký thành lập Hợp tác xã (HTX) Thuỷ sản Cấm Sơn hoạt động với 7 thành viên. Sau hơn 1 năm, HTX đã đạt được những kết quả nhất đinh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các thành viên HTX và giải quyết công ăn việc làm cho một số lao động địa phương.
Giữa tháng 4/2021, có dịp đến thăm mô hình sản xuất của HTX Thủy sản Cấm Sơn, chúng tôi cảm nhận không khí lao động khẩn trương của các thành viên HTX đang chuẩn bị cho đợt thu hoạch mới trong năm.
Giám đốc HTX Thủy sản Cấm Sơn kiểm tra nhiệt độ nước bể cá tầm giống
Ông Nguyễn Văn Xuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX cho biết: Năm 2008, nhận thấy điều kiện tự nhiên thuận lợi, tôi đã đầu tư xây dựng khu vực nuôi cá với diện tích 2,2 ha. Lúc đó, tôi chủ yếu nuôi các loại cá bản địa nên hiệu quả không cao. Sau khi tìm hiểu thông tin trên sách, báo và bạn bè, năm 2009, tôi chuyển sang nuôi thí nghiệm cá tầm, sau 1 năm, cá tầm phát triển tốt, trọng lượng mỗi con khoảng 1 kg. Bước sang năm 2010, tôi bắt đầu chuyển 100% diện tích sang nuôi cá tầm thương phẩm, khoảng 2 năm thì được xuất bán với trọng lượng mỗi con từ 1 đến 3 kg. Nhận thấy tiềm năng từ cá tầm đem lại, năm 2020, được sự hướng dẫn của UBND xã, tôi đã đăng ký thành lập HTX Thủy sản Cấm Sơn với 7 thành viên cùng nhau liên kết nuôi cá tầm thương phẩm nhằm mục tiêu đem lại thu nhập ổn định.
Từ khi thành lập đến nay, HTX đã chuyển hoạt động theo quy định của Luật HTX, xây dựng phương án, kế hoạch kinh doanh cụ thể. Điều đặc biệt trong cách làm của HTX đó chính là các thành viên thay nhau trực 24/24 giờ để kiểm tra nhiệt độ nước và cho cá ăn đúng giờ. Ông Xuân cho biết: Cá tầm chỉ sinh trưởng tốt trong môi trường nước sạch, nhiệt độ khoảng 22 độ C, nếu nhiệt độ cao trên mức 30 độ C trở lên cá sẽ thiếu oxi và chết. Bên cạnh đó, mỗi ngày cá phải được chăn đầy đủ 2 lần, thức ăn chủ yếu là giun quế nhằm đảm bảo an toàn, chất lượng thịt thơm ngon.
Sau hơn một năm hoạt động, HTX đã có hiệu quả bước đầu. Đến hết năm 2020, sản lượng thủy sản khai thác của HTX đạt từ 10 đến 20 tấn, doanh thu đạt từ 2 đến 3 tỷ đồng. Qua đó, đem lại thu nhập ổn định cho các thành viên. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 5 đến 10 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân hơn 7 triệu đồng/người/tháng. Với sự năng động trong cách làm, hiện nay, HTX còn mở thêm dịch vụ bán cá giống và chia sẻ cách chăm sóc để tăng doanh thu, nhờ đó, trung bình mỗi năm HTX thu được từ 300 đến 500 triệu đồng từ mô hình này. Đặc biệt, năm 2021, HTX dự kiến kết nạp thêm 5 thành viên để cùng nhau phát triển HTX nuôi cá tầm thương phẩm
Đánh giá về mô hình nuôi cá tầm này, ông Đoàn Văn Kiên, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Hòa Lạc (Hữu Lũng) cho biết: Mặc dù mới thành lập, nhưng HTX Thủy sản Cấm Sơn đã hoạt động hiệu quả, điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội, tạo việc làm ổn định và đem lại thu nhập cho lao động địa phương. Qua đó, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã.
Ý kiến ()