HTX Nông sản Chi Lăng: Đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản cho người nông dân
– Tận dụng thế mạnh từ các sản phẩm chủ lực của địa phương, Hợp tác xã (HTX) Nông sản Chi Lăng (thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng) đã đứng ra làm đầu mối thu mua một số loại nông sản của bà con nông dân trên địa bàn huyện. Qua đó, đảm bảo đầu ra ổn định, tránh tình trạng thương lái ép giá.
Đi vào hoạt động từ năm 2018 với 7 thành viên, hoạt động chủ yếu của HTX Nông sản Chi Lăng gồm: sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Ngay từ khi đi vào hoạt động, HTX đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm na với các hộ thành viên của tổ hợp tác na Thượng Cường với diện tích gần 10 ha. Bên cạnh đó, HTX còn sản xuất 2 sản phẩm là khau nhục và lạp sườn. Ban đầu, các sản phẩm này chủ yếu được kinh doanh tại trạm dừng nghỉ của HTX nằm trên tuyến quốc lộ 1A.
Bà Nguyễn Thị Lý, Giám đốc HTX cho biết: Trước đây, bà con trên địa bàn sản xuất nông sản thường theo hình thức tự sản xuất, tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Điều này dẫn đến tình trạng đầu ra sản phẩm không ổn định, giá cả bấp bênh. Do đó, HTX đã chủ động đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá ổn định, phù hợp với giá cả thị trường.
Thành viên HTX Nông sản Chi Lăng thu hoạch na
Với mong muốn đó, từ năm 2020, các thành viên HTX đã đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản cho bà con. Từ việc xác định sản phẩm, HTX đã tìm đến một số HTX, tổ hợp tác sản xuất na trên địa bàn như: HTX Nông nghiệp Chi Lăng; Tổ hợp tác na Than Muội để đặt vấn đề liên kết tiêu thụ sản phẩm. Sau khi thống nhất, HTX Nông sản Chi Lăng cùng các đơn vị sản xuất ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, toàn bộ sản phẩm na của các tổ hợp tác và HTX sau khi thu hoạch sẽ được mua với giá phù hợp theo giá thị trường (từ 25.000 đồng đến 40.000 đồng/kg). Trong năm 2020, HTX Nông sản Chi Lăng đã liên kết thành công với 3 đơn vị là HTX, tổ hợp tác sản xuất na trên địa bàn với tổng diện tích trên 30 ha của trên 50 hộ sản xuất. Vụ na năm 2020, HTX Nông sản Chi Lăng thu mua và xuất ra thị trường khoảng 100 tấn na. Dự kiến vụ na năm 2021, con số này sẽ đạt trên 120 tấn. Hiện nay, HTX Nông sản Chi Lăng tiếp tục hoàn thiện hợp đồng liên kết tiêu thụ với Tổ hợp tác na Lũng Than (thị trấn Đồng Mỏ) với diện tích trồng na khoảng 25 ha của 27 hộ dân.
Không chỉ góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm na trên địa bàn, HTX Nông sản Chi Lăng còn là “bà đỡ” cho sản phẩm ớt Chi Lăng. Từ năm 2019 đến nay, vào vụ thu hoạch ớt, trung bình, HTX thu mua của bà con trên địa bàn huyện Chi Lăng và các huyện lân cận khoảng 40 đến 50 tấn ớt với giá từ 6.000 đến 7.000 đồng/kg. Cùng đó, tạo việc làm cho hơn 100 lao động trên địa bàn để thực hiện các công việc thu hoạch, vận chuyển, đóng túi sản phẩm với thu nhập từ 200.000 – 250.000 đồng/ngày, công việc kéo dài hơn 2 tháng.
Trong khâu tìm kiếm thị trường, HTX đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị như: Vinmart; H Pro; Công ty Cổ phần HTS Việt Nam (Hà Nội). Đồng thời, tìm kiếm và liên kết với các đơn vị kinh doanh qua mạng xã hội như facebook, zalo để tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với phát triển thị trường, HTX Nông sản Chi Lăng còn chú trọng bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm của địa phương. Trước mắt, HTX thực hiện công tác trên đối với sản phẩm na Chi Lăng. Để làm được như vậy, HTX đã tự bỏ vốn để sản xuất các loại bao bì như thùng các-tông, túi, khay gỗ có in lo-go, hình ảnh của sản phẩm na Chi Lăng. Cùng đó, các thông tin về nguồn gốc sản phẩm, quy trình sản xuất đều được tích hợp trên các tem, nhãn ở bao bì sản phẩm. Năm 2021, HTX phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng hoàn thiện hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) đối với 2 sản phẩm là khau nhục và lạp sườn của HTX sản xuất.
Sau hơn 3 năm hoạt động, từ số vốn ban đầu 150 triệu đồng, đến nay, HTX Nông sản Chi Lăng đã nâng con số này lên 10 tỷ đồng. Số lượng thành viên của HTX nâng từ 7 lên 25 thành viên. Từ năm 2019 đến năm 2020, doanh thu của HTX là gần 1 tỷ đồng mỗi năm, thu nhập trung bình của các thành viên đều đạt trên 10 triệu đồng/người/ tháng.
Có thể thấy, HTX Nông sản Chi Lăng là một trong số ít các đơn vị chú trọng thực hiện song hành việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản và bảo vệ, phát triển thương hiệu của sản phẩm địa phương. Tin rằng, với sự nỗ lực của HTX, các sản phẩm đặc trưng của huyện Chi Lăng sẽ ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường.
“HTX Nông sản Chi Lăng là một trong những điểm sáng trong hoạt động sản xuất cũng như liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản. Không những vậy, HTX còn là một trong những đơn vị trên địa bàn đã tự chủ động tìm hiểu, tham gia chương trình OCOP, từ đó nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”. Ông Vũ Văn Nhân, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng |
Ý kiến ()