HTX dịch vụ bốc xếp: Còn lắm gian nan
LSO-Thị phần ngày càng bị thu hẹp bởi các doanh nghiệp tham gia bốc xếp hàng hóa ngày càng nhiều cộng với việc phụ thuộc hoàn toàn vào lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực các cửa khẩu khiến cho các hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực dịch vụ bốc xếp đang gặp rất nhiều khó khăn.
Bốc xếp hàng hóa tại HTX Hữu Nghị, Cao Lộc |
Vào khoảng năm 2003, các HTX dịch vụ bốc xếp nở rộ tại các khu vực cửa khẩu có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh có đến cả chục HTX dịch vụ bốc xếp, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, chủ yếu là nông dân khu vực các xã biên giới có cửa khẩu với thu nhập từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập ổn định đã góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đánh giá vai trò của các HTX dịch vụ bốc xếp tại khu vực cửa khẩu, trong buổi tổng kết kinh tế tập thể của tỉnh năm 2013, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh một lần nữa khẳng định, các HTX trong lĩnh vực này không những tạo công ăn việc làm cho một lực lượng đông đảo cư dân các xã biên giới mà còn góp phần vào việc đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững ổn định khu vực biên giới.
Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, các HTX dịch vụ bốc xếp đang gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên phải kể đến việc phụ thuộc hoàn toàn vào lượng hàng hóa qua cửa khẩu. Là một trong những HTX dịch vụ bốc xếp hàng đầu của tỉnh, nhiều năm liền, HTX Dịch vụ-thương mại Đoàn Kết hoạt động bốc xếp hàng hóa tại xã biên giới Bảo Lâm, huyện Cao Lộc đã tạo việc làm cho trên 600 lao động với thu nhập ổn định từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng. Ông Nông Lăng Khương, Giám đốc HTX cho biết: qua hơn 10 năm hoạt động, HTX đã tạo việc làm ổn định cho gần như tất cả các hộ dân ở xã Bảo Lâm bởi mỗi hộ dân đều có 1 lao động làm việc trong HTX, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế của xã. Tuy nhiên năm 2013, lượng hàng hóa xuất qua Bảo Lâm giảm đáng kể khiến cho doanh thu của HTX giảm từ 9 tỷ đồng năm 2012 thì năm 2013, con số này giảm xuống còn 2 tỷ đồng. Cũng từ đó, thu nhập của thành viên HTX và người lao động cũng giảm theo. Không có việc, nhiều lao động đã phải tìm những công việc tạm khác để duy trì cuộc sống, đời sống của một số hộ dân cũng gặp không ít khó khăn.
Trường hợp như của HTX Dịch vụ-thương mại Đoàn Kết khiến cho người lao động gặp khó khăn, tuy nhiên đó chỉ là những khó khăn tạm thời bởi khi hoạt động xuất nhập khẩu bình thường trở lại, họ lại tiếp tục công việc. Còn đối với HTX Phúc Tiến, việc cạnh tranh thị phần bốc xếp tại khu vực Nà Nưa, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định đã khiến HTX hiện nay phải ngừng hoạt động. Ông Sầm Văn Sin, Giám đốc HTX cho biết: năm 2006, HTX đăng ký ngành nghề kinh doanh bến bãi, bốc xếp hàng hóa tại Nà Nưa. Tuy nhiên hoạt động chưa lâu, HTX đã gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ của doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực tại cửa khẩu. Một phần tiềm lực của HTX còn hạn chế so với doanh nghiệp, phần khác do lượng hàng hóa xuất qua cửa khẩu thiếu ổn định, vậy nên cầm cự không được bao lâu, HTX đã phải ngừng hẳn hoạt động tại Nà Nưa. Thành viên HTX, người lao động cũng từ đó mà tan rã.
Bên cạnh 2 trường hợp điển hình nêu trên còn có một số HTX khác như HTX Thống Nhất, HTX Hữu Nghị cùng một vài tổ hợp tác khác… cùng gặp khó khăn tương tự. Lạng Sơn là một tỉnh biên giới với các cửa khẩu, cặp chợ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa và đây cũng chính là cơ hội cho các HTX dịch vụ bốc xếp phát triển. Tuy nhiên, từ những HTX bốc xếp đã phải giải thể cho đến những HTX đang hoạt động một cách “thấp thỏm” như hiện nay, có thể thấy con đường phát triển của các HTX trong lĩnh vực này còn gặp nhiều gian nan. Để vượt qua khó khăn này, bên cạnh sự nỗ lực vượt khó của các HTX còn cần có sự quan tâm tạo điều kiện hơn nữa của các cấp, các ngành chức năng để các HTX có thêm cơ hội để tồn tại và phát triển.
ĐÌNH QUYẾT
Ý kiến ()