Họp xem xét thỏa thuận hợp tác giữa Ban Quản lý Công viên địa chất và các đối tác kinh doanh
Các đại biểu tham dự cuộc họp
– Sáng 7/4, Ban Quản lý Công viên địa chất (CVĐC) Lạng Sơn tổ chức họp xem xét thỏa thuận hợp tác với các đối tác kinh doanh trên tuyến tham quan du lịch của CVĐC.
Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo UBND huyện Lộc Bình; đại diện một số đối tác kinh doanh trên tuyến tham quan du lịch của CVĐC. Về phía đoàn chuyên gia có Tiến sỹ Guy Martini, Chuyên gia tư vấn cao cấp quốc tế, Chủ tịch Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO; PGS.TS Trần Tân Văn, Nghiên cứu viên cao cấp, Điều phối viên Mạng lưới CVĐC Việt Nam, Thành viên Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO cùng một số chuyên gia khác.
Tiến sỹ Guy Martini, Chuyên gia tư vấn cao cấp quốc tế, Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO phát biểu tại cuộc họp
Được biết, để đạt tiêu chí của UNESCO phải có 3 – 4 tuyến tham quan toàn cảnh CVĐC cho du khách trong nước và quốc tế. Theo đó, thời gian qua, các chuyên gia tư vấn UNESCO và Việt Nam đã tư vấn xây dựng 4 tuyến tham quan du lịch của CVĐC Lạng Sơn (bao gồm, tuyến 1: Hà Nội – huyện Hữu Lũng – thành phố Lạng Sơn; tuyến 2: thành phố Lạng Sơn – huyện Cao Lộc – huyện Văn Quan – huyện Bình Gia – huyện Bắc Sơn; tuyến 3: huyện Bắc Sơn – huyện Văn Quan – huyện Chi Lăng – thành phố Lạng Sơn; tuyến 4: thành phố Lạng Sơn – huyện Cao Lộc – huyện Lộc Bình).
Với dự kiến 4 tuyến tham quan như trên, CVĐC Lạng Sơn sẽ đáp ứng một số tiêu chí về đa dạng di sản, địa chất, địa mạo, về văn hóa lịch sử khảo cổ, các nghành nghề địa phương tiêu biểu… Tuy nhiên, để tiến hành xây dựng và phát triển các tuyến tham quan hiệu quả cần thực hiện ký kết, thỏa thuận với một số đơn vị, doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong vùng CVĐC.
Tại cuộc họp, Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn tiến hành đặt vấn đề thỏa thuận hợp tác với 5 đơn vị (Công ty Than Na Dương; Công ty TNHH Mặt trời Mẫu Sơn; Công ty Cổ phần DUNALS; Nhà hàng – khách sạn Trung Xuân; Công ty cổ phần kiến trúc và phát triển du lịch). Theo các văn bản thỏa thuận hợp tác, các đơn vị này sẽ tạo điều kiện cho Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn nghiên cứu khoa học, mở cửa cho công chúng tham quan trải nghiệm; hỗ trợ và thúc đẩy các sáng kiến địa phương, sản phẩm địa phương và nhà sản xuất địa phương; tham gia vào việc nâng cao chất lượng tổng thể của dịch vụ du lịch trên vùng CVĐC Lạng Sơn…
Cùng đó, các đại biểu đã trao đổi làm rõ một số vấn đề xung quanh việc thỏa thuận hợp tác như: quy hoạch, bố trí đất làm khu trưng bày các mẫu khoáng sản địa chất phục vụ khai thác du lịch tại huyện Lộc Bình; lập danh mục hoạt động công việc của các đối tác tiềm năng với CVĐC…
Các ý kiến đóng góp tại cuộc họp sẽ được Ban Quản lý CVĐC tỉnh tổng hợp điều chỉnh và tham mưu, báo cáo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thời gian tới. Qua đó, giúp ngành có giải pháp phù hợp, đáp ứng được các điều kiện của USNESCO để CVĐC Lạng Sơn trở thành CVĐC toàn cầu.
TUYẾT MAI – HOÀNG HIẾU
Ý kiến ()