Họp trực tuyến về ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ
Các đại biểu dự họp tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
– Chiều 8/8, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến về ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ. Dự và chỉ đạo cuộc họp có đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống Thiên tai.
Hội nghị được kết nối trực tuyến với 14 điểm cầu tại UBND các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ.
Dự họp tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh.
Theo báo cáo tại cuộc họp, trong 7 ngày vừa qua, khu vực miền núi Bắc Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa từ 300 – 400 mm, một số địa phương mưa lớn như: Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên… Tính đến ngày 8/8, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất khu vực miền núi phía Bắc đã làm 11 người chết; 3 người bị thương; 58 nhà sập, 297 nhà bị hư hại; 170 ha lúa, hoa màu và 11 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 11 công trình thủy lợi, nước sạch và 6 trường học bị sạt lở, hư hỏng nặng…
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ 8/8 đến sáng 9/8, vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30 – 50mm, có nơi trên 100mm, mưa lớn cục bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 11/8 – 12/8.
Tại Lạng Sơn, lượng mưa đo được tại các trạm từ ngày 5/8 đến ngày 7/8 từ 10,2 đến 94,4mm. Thiên tai đã làm 184 ngôi nhà bị ảnh hưởng; 30 điểm bị sạt lở, với khối lượng sạt lở trên 470m3. Ước tổng thiệt hại trên 960 triệu đồng.
Để chủ động ứng phó giảm thiểu thiệt hại và khắc phục hậu quả mưa lũ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo cho cơ quan chức năng để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó mưa lũ; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét; kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu…
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá, đề xuất những phương án khắc phục trong công tác PCTT&TKCN nhằm giảm thiểu tối đa các thiệt hại về người và tài sản.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị: Các địa phương tiếp tục kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân bị thiệt hại bởi thiên tai; hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, phục hồi sản xuất sau lũ; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, đặc biệt tại các khu vực thấp trũng, có nguy cơ sạt lở cao; thống kê, đánh giá thiệt hại và đề xuất hỗ trợ khắc phục hạ tầng thiết yếu, công trình giao thông thủy lợi…
Đồng chí yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy siết; huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, thông tuyến giao thông; tăng cường, bổ sung các trạm đo mưa và lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; khắc phục sự cố lưới điện; tăng cường kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa; đảm bảo thông tin, truyền thông kịp thời, nhất là hệ thống truyền thanh cơ sở về diễn biến mưa lũ, sạt lở; phát huy vai trò của người có uy tín ở các thôn bản trong công tác tuyên truyền về PCTT để người dân chủ động phòng tránh, ứng phó…
Ý kiến ()